Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Vương Đình Huệ công tác tại Sơn La

PV.

(Tài chính) Trong hai ngày 13 và 14/10/2013, ông Vương Đình Huệ - Trưởng Ban Kinh tế Trung ương và đoàn công tác của Ban Kinh tế Trung ương đã đi thăm và làm việc tại tỉnh Sơn La.

Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Vương Đình Huệ công tác tại Sơn La - Ảnh 1

Trưởng Ban Kinh tế Trung ương thăm và làm việc tại huyện Vân Hồ mới thành lập

Ngay trong ngày đầu tiên đến Sơn La, ông Vương Đình Huệ đã trực tiếp đi khảo sát thực tế và làm việc tại nhiều địa điểm của tỉnh Sơn La, bao gồm: thăm và làm việc tại huyện Vân Hồ mới thành lập; thăm Công ty Cổ phần Giống Bò sữa Mộc Châu; thăm Nhà máy thủy điện Sơn La; thăm khu nuôi cá tầm trên đập thủy điện và Đội Cao su Phiêng Tìn của Công ty Cổ phần Cao su Sơn La tại huyện Mường La. Đi cùng đoàn công tác của Ban Kinh tế Trung ương có lãnh đạo Tỉnh ủy, Ủy ban Nhân dân tỉnh Sơn La và đại diện lãnh đạo Ban chỉ đạo Tây Bắc.

Vân Hồ là một huyện mới được thành lập của tỉnh Sơn La và mới đi vào hoạt động được gần 1 tháng. Đây là huyện cửa ngõ trên QL6 của tỉnh Sơn La, phía đông giáp với huyện Mai Châu, phía bắc giáp huyện Đà Bắc (Hòa Bình); phía nam giáp huyện Mường Lát (Thanh Hóa) và nước CHDCND Lào. Sau khi nghe báo cáo của Bí thư huyện uỷ Vân Hồ, ông Vương Đình Huệ đã chia sẻ với những khó của huyện mới Vân Hồ, là huyện mới thành lập nên trước mắt, khối lượng công việc rất lớn, huyện cần làm tốt công tác quy hoạch tổng thể, ổn định bộ máy tổ chức, tranh thủ các nguồn lực để xây dựng và phát triển huyện theo hướng bền vững.


Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Vương Đình Huệ công tác tại Sơn La - Ảnh 2

Đoàn công tác thăm và làm việc tại Nhà máy thủy điện Sơn La

Làm việc tại Công ty Cổ phần Giống Bò sữa Mộc Châu, ông Vương Đình Huệ đánh giá cao những kết quả mà Công ty đã đạt được trong thời gian qua, đặc biệt là mô hình liên kết 4 nhà: nhà nước - nhà khoa học - nhà nông - doanh nghiệp tại đây. Trưởng Ban Kinh tế Trung ương đề nghị Công ty chú trọng thực hiện phát triển bền vững và quản lý tốt sự phát triển; tăng cường áp dụng các tiến bộ khoa học và công nghệ sinh học trong chăn nuôi bò sữa... phấn đấu thực hiện thành công mục tiêu mà Công ty đã đề ra đến năm 2020 phát triển đàn bò sữa lên 35.000 con, chiếm 35% đàn bò của Việt Nam, góp phần phát triển kinh tế- xã hội, nâng cao mức sống của đồng bào các dân tộc tỉnh Sơn La.

Khảo sát khu nuôi cá tầm trên đập thủy điện Sơn La, ông Vương Đình Huệ  cho rằng đây là bước đột phá để chuyển đổi cơ cấu kinh tế cho đồng bào tái định cư, đồng thời khai thác tốt tiềm năng lợi thế mặt nước hồ thủy điện Sơn La.

Theo Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, để phát triển thủy sản theo hướng công nghiệp có khả năng cạnh tranh cao, tỉnh Sơn La cần kiên trì theo hướng bền vững, bảo vệ môi trường, gắn chế biến tiêu thụ trong nước và xuất khẩu, tạo việc làm và tăng thu nhập cho nhân dân. Tỉnh cần tính toán với các bước đi chắc chắn, phù hợp với quy hoạch, đề án cơ chế và chính sách, tạo cơ chế thông thoáng, mời gọi các nhà đầu tư có năng lực để đầu tư nuôi, chế biến và xuất khẩu cá tầm trên các hồ thuỷ điện của địa phương.

Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Vương Đình Huệ công tác tại Sơn La - Ảnh 3
Ông Vương Đình Huệ  khảo sát khu nuôi cá tầm trên đập thủy điện Sơn La

Ðến thăm vườn cao su Phiêng Tìn thuộc Ðội cao su Ít Ong huyện Mường La, nơi cách đây 3 năm cây cao su được trồng thử nghiệm và là nơi đặt nền móng đầu tiên cho cây cao su của cả vùng Tây Bắc, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Vương Đình Huệ đánh giá cao sự nỗ lực cố gắng của cán bộ, công nhân Công ty Cổ phần Cao su Sơn La nói chung và đội cao su Ít Ong nói riêng, chúc mừng đơn vị đã có nhiều sáng kiến trong xây dựng mô hình cổ phần hóa doanh nghiệp, phân phối lợi ích đến tay người lao động.

Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Vương Đình Huệ công tác tại Sơn La - Ảnh 4

Ông Vương Đình Huệ tại vườn cao su Phiêng Tìn thuộc Ðội cao su Ít Ong (Sơn La)

Trưởng Ban Kinh tế Trung ương đề nghị Ban Chỉ đạo phát triển cây cao su của Tỉnh, các ban ngành chức năng phối hợp với Công ty cổ phần cao su Sơn La thực hiện tốt các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thực hiện tốt các chính sách trong quá trình thực hiện chủ trương phát triển cây cao su; chú trọng công tác đào tạo nâng cao trình độ cho cán bộ, công nhân là người dân địa phương; tích cực hướng dẫn, chuyển giao kỹ thuật giúp đỡ đồng bào lao động sản xuất góp phần xóa đói, giảm nghèo, mở hướng sản xuất mới, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần...