Trường hợp điều chuyển trở lại vị trí công chức
Ông Trần Kiên (Hà Nội) đỗ kỳ thi tuyển công chức ở một cơ quan Nhà nước cấp Cục từ năm 2010. Đến tháng 6/2013, ông được Cục điều chuyển sang Ban quản lý dự án, là đơn vị sự nghiệp trực thuộc Cục, làm việc ở vị trí viên chức.
Tháng 2/2014, Cục có quyết định điều chuyển ông Kiên trở lại làm việc ở vị trí cũ tại cơ quan Cục cho đến nay.
Ông Kiên hỏi, ông được xác định là công chức hay viên chức? Trường hợp là viên chức, thì ông phải làm thế nào để được tuyển lại vào công chức?
Về vấn đề này, Luật sư Trần Văn Toàn, Văn phòng luật sư Khánh Hưng - Đoàn luật sư Hà Nội trả lời như sau:
Theo quy định tại Khoản 3, Điều 5 Nghị định số 06/2010/NĐ-CP ngày 25/1/2010 của Chính phủ quy định những người là công chức, thì Cục trưởng, Phó Cục trưởng, người giữ chức vụ cấp trưởng, cấp phó và người làm việc trong văn phòng, phòng, thanh tra, chi cục thuộc Cục là công chức.
Theo Điểm c, Khoản 2, Điều 10 Thông tư số 13/2010/TT-BNV ngày 30/12/2010 của Bộ Nội vụ quy định chi tiết một số điều về tuyển dụng và nâng ngạch công chức của Nghị định số 24/2010/NĐ-CP ngày 15/3/2010 của Chính phủ quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức thì, đối với người đã là cán bộ, công chức từ cấp huyện trở lên thuộc ngành, lĩnh vực cần tuyển, sau đó chuyển sang công tác tại các đơn vị sự nghiệp công lập, có trình độ đào tạo từ đại học trở lên, có thời gian công tác liên tục (không kể thời gian tập sự, thử việc) từ đủ 60 tháng trở lên và trong thời gian công tác 5 năm gần nhất không vi phạm pháp luật đến mức bị xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu được xem xét tiếp nhận không qua thi tuyển theo quy định tại Điểm b, Khoản 1 Điều này thì người đứng đầu cơ quan quản lý công chức không phải thành lập Hội đồng kiểm tra, sát hạch.
Khoản 3, Điều 1 Thông tư số 05/2012/TT-BNV ngày 24/10/2012 của Bộ Nội vụ đã bổ sung Điểm đ vào Khoản 2, Điều 10 Thông tư số 13/2010/TT-BNV như sau:
Đối với trường hợp là viên chức đang làm việc trong các đơn vị sự nghiệp công lập của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước và tổ chức chính trị-xã hội, nếu có đủ điều kiện, tiêu chuẩn để xem xét tuyển dụng vào công chức không qua thi tuyển theo quy định tại Điểm b, Khoản 1, Điều 10 Thông tư số 13/2010/TT-BNV và cơ quan, tổ chức, đơn vị còn chỉ tiêu biên chế, người đứng đầu cơ quan quản lý công chức xem xét, quyết định tuyển dụng vào công chức không qua thi tuyển và chịu trách nhiệm trước pháp luật về quyết định của mình.
Nếu sự việc đúng như ông Trần Kiên phản ánh, ông đã dự thi tuyển, trúng tuyển và được tuyển dụng, bổ nhiệm ngạch công chức ở một cơ quan Nhà nước cấp Cục từ năm 2010. Đến tháng 6/2013, ông Kiên được Cục điều chuyển sang Ban quản lý dự án là đơn vị sự nghiệp trực thuộc Cục làm việc ở vị trí viên chức. Đến tháng 2/2014, Cục có quyết định điều chuyển ông Kiên trở lại làm việc ở vị trí cũ tại cơ quan Cục cho đến nay.
Căn cứ quy định những người là công chức nêu tại Khoản 3, Điều 5 Nghị định số 06/2010/NĐ-CP và vận dụng hướng dẫn tại Điểm c, Điểm đ, Khoản 2, Điều 10 Thông tư số 13/2010/TT-BNV (đã được bổ sung bởi Khoản 3, Điều 1 Thông tư số 05/2012/TT-BNV), theo luật sư, trường hợp ông Trần Kiên, đã là công chức làm việc tại cơ quan Cục được điều chuyển sang đơn vị sự nghiệp trực thuộc Cục làm việc ở vị trí viên chức, rồi lại được điều chuyển trở lại làm việc ở cơ quan Cục là vị trí việc làm pháp luật quy định là công chức.
Để bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp cho ông Kiên, cần căn cứ hồ sơ trúng tuyển công chức, quyết định tuyển dụng, quyết định bổ nhiệm và xếp lương ngạch công chức đối với ông Kiên đã có từ năm 2010 do cơ quan quản lý công chức, viên chức đang lưu giữ; căn cứ quá trình công tác của ông Kiên tại Cục và đơn vị sự nghiệp thuộc Cục, nếu hoàn thành nhiệm vụ, 5 năm gần nhất không bị xử lý kỷ luật; căn cứ vào ngạch bậc lương đang hưởng, quá trình tham gia, đóng BHXH; nếu cơ quan Cục còn chỉ tiêu biên chế công chức, thì theo thẩm quyền, người đứng đầu cơ quan quản lý công chức xem xét, quyết định bổ nhiệm và xếp lương vào ngạch công chức, áp dụng chế độ phụ cấp công vụ đối với ông Kiên mà không cần phải thực hiện lại thủ tục tuyển dụng (thi tuyển, xét tuyển).