Trường hợp nào được miễn kiểm tra chuyên ngành trước khi thông quan?
Đây là vấn đề thu hút sự quan tâm của nhiều doanh nghiệp có hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa. Nội dung này đã được giải đáp cụ thể tại Nghị định số 85/2019/NĐ-CP ngày 14/11/2019 quy định thực hiện thủ tục hành chính theo Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN và kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu.
Theo đó, các trường hợp miễn kiểm tra chuyên ngành trước thông quan bao gồm: Các trường hợp miễn kiểm tra chuyên ngành theo quy định của pháp luật, các trường hợp miễn kiểm tra chuyên ngành theo quy định của Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
Bên cạnh đó, miễn kiểm tra nhà nước về an toàn thực phẩm đối với các trường hợp: Hàng hóa nhập khẩu gửi qua dịch vụ bưu chính, chuyển phát nhanh có trị giá hải quan được miễn thuế theo quy định của pháp luật về thuế; Hàng hóa nhập khẩu trong danh mục và định lượng miễn thuế theo quy định của pháp luật phục vụ cho công tác và sinh hoạt của tổ chức nước ngoài được hưởng quyền ưu đãi miễn trừ ngoại giao; Hành lý của người nhập cảnh trong định mức miễn thuế; Hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu tại chỗ.
Miễn kiểm tra nhà nước về chất lượng đối với các trường hợp: Hàng hóa nhập khẩu gửi qua dịch vụ bưu chính, chuyển phát nhanh có trị giá hải quan được miễn thuế theo quy định của pháp luật về thuế; Hàng hóa tạm nhập khẩu để bán tại cửa hàng miễn thuế; Hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu tại chỗ.
Tại Nghị định 85/2019/NĐ-CP, Chính phủ cũng quy định các loại hàng hóa nêu trên không được miễn kiểm tra trong trường hợp các bộ quản lý ngành, lĩnh vực có cảnh báo về an toàn thực phẩm, lây lan dịch bệnh, gây nguy hại cho sức khỏe, tính mạng con người, gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến đạo đức xã hội, thuần phong mỹ tục, nguy hại cho kinh tế, cho an ninh quốc gia hoặc có văn bản thông báo dừng áp dụng chế độ miễn kiểm tra chuyên ngành trước thông quan.
Việc miễn kiểm tra an toàn thực phẩm, trước đây được thực hiện theo Nghị định số 15/2018/NĐ-CP ngày 2/2/2018 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật an toàn thực phẩm (Điều 13); Miễn kiểm tra nhà nước về chất lượng thực hiện theo quy định tại Nghị định số 74/2018/NĐ-CP ngày 15/5/2018 (Khoản 7 Điều 1) sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 132/2008/NĐ-CP ngày 31/12/2008 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật chất lượng sản phẩm, hàng hóa.
Trong quá trình thực hiện, phát sinh một số vấn đề mà các quy định về miễn kiểm tra tại Nghị định trên như chưa điều chỉnh cho một số loại hình, trường hợp nhập khẩu tương tự cùng với đó, nội dung chưa rõ dẫn đến vướng mắc khi thực hiện. Bên cạnh đó quy định về mức miễn kiểm tra chuyên ngành đối với hành lý của người nhập cảnh tại Nghị định 15/2015/NĐ-CP, Nghị định số 74/2018/NĐ-CP và Nghị định số 59/2018/NĐ-CP ngày 20/4/2018 có nội dung không thống nhất.
Theo đó, nhằm thống nhất việc miễn kiểm tra chuyên ngành, đồng bộ quy định tại các văn bản nêu trên, minh bạch trong việc áp dụng, tại Nghị định số 85/2019/NĐ-CP đã điều chỉnh các trường hợp miễn kiểm tra chuyên ngành.
Để kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh, cơ quan kiểm tra chuyên ngành sẽ thực hiện kiểm tra chuyên ngành trên cơ sở tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật tương ứng áp dụng cho mặt hàng kiểm tra được bộ quản lý ngành, lĩnh vực công bố trên Cổng thông tin một cửa quốc gia. Tùy theo yêu cầu quản lý, các bộ quản lý ngành, lĩnh vực có thể chỉ định tổ chức đánh giá sự phù hợp đáp ứng các điều kiện theo quy định của pháp luật thực hiện một số công việc trong kiểm tra chuyên ngành.
Việc miễn, giảm kiểm tra chuyên ngành được áp dụng đối với hàng hóa đã được chứng nhận hợp chuẩn, chứng nhận hợp quy, công bố hợp chuẩn, công bố hợp quy, chứng nhận đã áp dụng các hệ thống quản lý tiên tiến theo tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn khu vực theo quy định của bộ quản lý ngành, lĩnh vực; Hàng hóa đã có kết quả đánh giá sự phù hợp được thừa nhận theo điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
Với việc quy định rõ các trường hợp miễn kiểm tra chuyên ngành trước khi thông quan của Nghị định số 85/2019/NĐ-CP đã góp phần làm giảm số lượng mặt hàng phải tuân thủ tục hành chính về kiểm tra chuyên ngành trước thông quan. Đồng thời, giảm khối lượng công việc phải kiểm tra chuyên ngành của cơ quan kiểm tra chuyên ngành, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp tham gia hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa.