Vướng mắc trong kiểm tra chuyên ngành

Theo Hoàng Duân/congthuong.vn

Dù các bộ, ngành đã chủ động, tích cực thực hiện Quyết định số 2026/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về Đề án nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động kiểm tra chuyên ngành (KTCN) đối với hàng hóa xuất, nhập khẩu (XNK), tuy nhiên, trên thực tế vẫn còn nhiều vướng mắc cần có sự phối hợp chặt chẽ hơn của các cơ quan chức năng.

Các bộ, ngành đã sửa đổi, bổ sung 84/87 văn bản quy phạm pháp luật về quản lý và KTCN theo yêu cầu tại Quyết định số 2026/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Các bộ, ngành đã sửa đổi, bổ sung 84/87 văn bản quy phạm pháp luật về quản lý và KTCN theo yêu cầu tại Quyết định số 2026/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Thực tế từ Quảng Ninh

Theo Cục Hải quan Quảng Ninh, số lượng các mặt hàng XNK qua địa bàn tỉnh phải KTCN rất đa dạng. Qua thực tế, Hải quan Quảng Ninh chỉ rõ hiện vẫn còn 5 nhóm mặt hàng chịu sự quản lý của hai bộ chuyên ngành hoặc hai đơn vị thực hiện.

Đơn cử như nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi để được kiểm dịch thực vật và chứng nhận công bố hợp quy thì vừa phải kiểm tra chất lượng do Cục Chăn nuôi thực hiện, vừa phải kiểm dịch thực vật do Cục Bảo vệ thực vật và giống cây trồng tiến hành.

Tương tự với mặt hàng thủy sản đông lạnh vừa phải kiểm tra an toàn thực phẩm do Cục Quản lý chất lượng nông lâm và thủy sản tiến hành, vừa phải thực hiện kiểm dịch động vật do Cục Thú y thực hiện… Điều đáng nói là tất cả các đơn vị trên đều cùng của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Một số mặt hàng NK thuộc diện phải KTCN vẫn thực hiện thủ công
Một số mặt hàng NK thuộc diện phải KTCN vẫn thực hiện thủ công
 

Trong khi đó, một số mặt hàng NK thuộc diện phải KTCN vẫn thực hiện thủ công dù trên hệ thống một cửa quốc gia đã tích hợp thủ tục, như: Cấp giấy chứng nhận quy chuẩn quốc gia đối với mặt hàng sắt thép phế liệu của Bộ Tài nguyên và Môi trường; cấp kết quả chất lượng mặt hàng xăng dầu nhập khẩu của Bộ Khoa học và Công nghệ; kiểm dịch động vật đối với các mặt hàng ba ba nuôi, cá sống các loại, chân, cánh gà đông lạnh… của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; kết quả kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm mặt hàng bát đĩa bằng sứ của Bộ Y tế…

Tiếp tục cải cách

Thời gian qua, Bộ Tài chính đã tham gia góp ý các dự án xây dựng văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến công tác quản lý và KTCN do các bộ, ngành xây dựng. Đồng thời, rà soát các quy định pháp luật về quản lý và KTCN kịp thời phát hiện những bất cập, vướng mắc, kiến nghị các đơn vị chuyên môn sửa đổi, bổ sung các quy định về quản lý và KTCN hoặc có ý kiến để kịp thời hướng dẫn hải quan và doanh nghiệp thực hiện thống nhất.

Về kết quả, đến nay các bộ, ngành đã sửa đổi, bổ sung 84/87 văn bản quy phạm pháp luật về quản lý và KTCN theo yêu cầu tại Quyết định số 2026/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Trong năm 2019, Bộ Tài chính (trực tiếp là Tổng cục Hải quan) đã chủ trì, phối hợp với một số bộ, ngành thực hiện rà soát pháp luật chuyên ngành, nhiệm vụ cải cách hoạt động KTCN theo chỉ đạo của Chính phủ về Kế hoạch hành động thúc đẩy Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN, cải cách công tác KTCN đối với hàng hóa XNK và tạo thuận lợi thương mại giai đoạn 2018-2020; rà soát áp mã số hàng hoá (mã HS) đối với các danh mục chuyên ngành của các bộ, ngành và rà soát các mặt hàng còn chồng chéo trong KTCN hoặc cùng lúc phải thực hiện nhiều thủ tục, hình thức trong quản lý, KTCN.

Bộ Tài chính cũng triển khai nhiều giải pháp, từ việc hoàn thiện Nghị định quy định về thực hiện các thủ tục hành chính theo Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN và KTCN đối với hàng hóa XK, NK; xây dựng Cổng thông tin thương mại quốc gia (VTIP); hoàn thiện các nội dung về bảo lãnh thông quan… đến việc xây dựng dự thảo Đề án quản lý hoạt động thương mại điện tử đối với hàng hóa XNK…

Theo số liệu thống kê của cơ quan hải quan, đến nay, các bộ, ngành đã cắt giảm được 12.600 mặt hàng (từ 82.698 mặt hàng năm 2015 xuống còn 70.087 mặt hàng) thuộc diện quản lý và KTCN trước thông quan.