Tạo đột phá trong hoạt động kiểm tra chuyên ngành
Tiếp tục tạo đột phá trong kiểm tra chuyên ngành là nhiệm vụ Chính phủ đặt ra và giao cho các bộ, ngành đẩy mạnh triển khai rà soát, kịp thời phát hiện bất cập, tháo gỡ vướng mắc, cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính...
Để tiếp tục cải cách kiểm tra chuyên ngành, tháo gỡ chồng chéo trong thực hiện thủ tục kiểm tra chuyên ngành, mới đây, tại Nghị quyết Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 10/2019 Chính phủ đã giao nhiệm vụ cụ thể cho từng bộ, ngành.
Trong đó, Chính phủ yêu cầu Bộ Tài chính cải cách mạnh mẽ thủ tục hải quan theo hướng điện tử hóa, hướng tới hải quan điện tử, phù hợp chuẩn mực quốc tế; chủ trì xây dựng Đề án cải cách kiểm tra chuyên ngành theo hướng cơ quan Hải quan là đầu mối thực hiện kiểm tra chuyên ngành tại cửa khẩu (trừ các mặt hàng liên quan đến an ninh, quốc phòng, kiểm dịch...), bộ quản lý chuyên ngành thực hiện hậu kiểm, trình Chính phủ trong quý I/2020.
Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các bộ rà soát, đề xuất xử lý các vướng mắc do quy định của các luật, pháp lệnh báo cáo Chính phủ để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội; rà soát, đề xuất xử lý các vướng mắc do quy định của các nghị định, thông tư theo trình tự, thủ tục rút gọn.
Bộ Công Thương chủ trì thực hiện kiểm tra chuyên ngành đối với sữa chế biến và sản phẩm chế biến từ sữa theo hướng chỉ định các cơ quan thú y vùng, cơ quan kiểm dịch động vật vùng có đủ điều kiện, năng lực thực hiện việc kiểm tra an toàn thực phẩm đối với mặt hàng này. Cơ quan được chỉ định thực hiện đồng thời việc kiểm tra an toàn thực phẩm và kiểm dịch theo quy định. Đồng thời, có trách nhiệm rà soát, cắt giảm các mặt hàng bột, tinh bột trong danh mục các mặt hàng phải thực hiện kiểm tra chuyên ngành thuộc phạm vi quản lý của Bộ.
Chính phủ cũng chỉ đạo, Bộ Công Thương thực hiện rà soát, cắt giảm sản phẩm, hàng hóa thuộc phạm vi quản lý của Bộ vừa phải kiểm tra an toàn thực phẩm và kiểm dịch để thống nhất một đầu mối là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện kiểm tra chuyên ngành.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì thực hiện kiểm tra chuyên ngành khi nhập khẩu đối với bột, tinh bột; rà soát, loại bỏ các sản phẩm, hàng hóa là chất hỗ trợ chế biến Casein ra khỏi danh mục hàng hóa thuộc diện kiểm tra chuyên ngành thuộc phạm vi quản lý của Bộ; chủ trì, phối hợp với Bộ Y tế rà soát, tiếp tục cắt giảm, đơn giản hóa hoạt động kiểm tra chuyên ngành đối với các mặt hàng dược liệu phải kiểm dịch.
Đối với mặt hàng rađa, Chính phủ giao cơ quan Hải quan căn cứ hồ sơ, giấy tờ nộp cho Hải quan, làm căn cứ kiểm tra, thông quan hàng hóa cho đến khi sửa đổi Nghị định số 74/2018/NĐ-CP
Chính phủ giao Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội nghiên cứu, sửa đổi các văn bản có liên quan theo hướng chuyển kiểm tra chuyên ngành hệ thống lạnh từ trước thông quan sang hậu kiểm sau thông quan. Bộ Khoa học và Công nghệ nghiên cứu, sửa đổi quy định tại Khoản 3 Điều 1 Nghị định số 74/2018/NĐ-CP và Khoản 2a, 2b, 2c Điều 7 Nghị định số 132/2018/NĐ-CP theo hướng giao cơ quan Hải quan căn cứ hồ sơ, giấy tờ nộp để kiểm tra, thông quan hàng hóa.
Thực tế, trong thời gian qua, các bộ, ngành đã tích cực thực hiện cải cách toàn diện hoạt động kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu (loại bỏ những quy định chồng chéo trong hoạt động kiểm tra chuyên ngành; rà soát cắt giảm danh mục hàng hóa thuộc diện quản lý, kiểm tra chuyên ngành; ban hành Danh mục hàng hóa thuộc diện quản lý và kiểm tra chuyên ngành kèm mã số HS; ban hành tiêu chuẩn, quy chuẩn đối với các nhóm hàng phải kiểm tra chuyên ngành...) thông qua việc sửa đổi, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật về kiểm tra chuyên ngành theo chỉ đạo tại Quyết định số 1254/QĐ-TTg.
Với vai trò là cơ quan đầu mối, Bộ Tài chính đã phối hợp với các bộ, ngành rà soát các quy định pháp luật về quản lý và kiểm tra chuyên ngành để kịp thời phát hiện những bất cập, vướng mắc; tập hợp để kiến nghị các đơn vị chuyên môn thuộc các Bộ, ngành sửa đổi, bổ sung các quy định về quản lý và kiểm tra chuyên ngành hoặc có ý kiến để kịp thời hướng dẫn các Cục Hải quan và doanh nghiệp thực hiện thống nhất.
Để thực hiện các nhiệm vụ được giao, từ ngày 29/10 đến 01/11/2019, Tổng cục Hải quan đã làm việc với các bộ, ngành có liên quan để tiếp tục rà soát các mặt hàng còn chồng chéo trong quản lý chuyên ngành và kiểm tra chuyên ngành.
Theo đó, các đơn vị đã rà soát kết quả cắt giảm danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu thuộc diện quản lý chuyên ngành, kiểm tra chuyên ngành của các bộ, ngành đến 20/10/2019; Rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật quy định về quản lý và kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu có hiệu lực đến ngày 20/10/2019.
Cùng với đó, thực hiện rà soát, thống kê hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý và kiểm tra chuyên ngành của các bộ, ngành cần sửa đổi, bổ sung; Rà soát, thống kê Danh mục thuộc diện quản lý chuyên ngành của các Bộ, ngành phải ban hành kèm theo mã số HS; Rà soát, thống kê hàng hóa thuộc diện kiểm tra chuyên ngành nhưng chưa có tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật làm cơ sở kiểm tra.
Bên cạnh đó, Tổng cục Hải quan đã cùng các bộ, ngành rà soát, áp mã số HS đối với 06 Danh mục hàng hóa thuộc diện quản lý và kiểm tra chuyên ngành của Bộ Công Thương; Danh mục hàng hóa nhóm 2 thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ Khoa học và Công nghệ; Danh mục sản phẩm, hàng hóa vật liệu xây dựng của Viện Vật liệu xây dựng- Bộ Xây dựng; Danh mục hàng hóa cấm xuấ khẩu, cấm nhập khẩu thuộc diện quản lý chuyên ngành của Bộ Quốc phòng; Danh mục sản phẩm hàng hóa có khả năng gây mất an toàn thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ Công an.
Sau 3 ngày làm việc các nhóm đã rà soát được 469 văn bản (tăng 35 văn bản so với đợt rà soát gần nhất thực hiện vào tháng 5/2019); rà soát được 236 danh mục với xấp xỉ 59.275 mặt hàng; 1.767 mặt hàng không có mã HS.
Trong quá trình rà soát, các nhóm đã thảo luận được 5 mặt hàng còn chồng chéo theo chỉ đạo của Chính phủ tại Công văn 7957/VPCP-KSTT; rà soát áo mã HS 14 danh mục thuộc quản lý của 5 Bộ: Công Thương, Khoa học và Công nghệ; Xây dựng, Công an, Quốc phòng…
Với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ và sự nỗ lực của Bộ Tài chính, sự phối hợp của các Bộ, ngành, công tác kiểm tra chuyên ngành được kỳ vọng sẽ có nhiều chuyển biến tích cực trong thời gian tới, từng bước tạo thuận lợi cho người dân và cộng đồng doanh nghiệp.