Truy thu thuế hàng ngàn người kinh doanh online

Theo Hoài Phương/bizlive.vn

Việc xử lý truy thu và phạt hơn 9 tỷ đồng đối với 1 cá nhân kinh doanh qua facebook ở TP. Hồ Chí Minh được coi là trường hợp điển hình của ngành thuế trong năm 2017.

Ảnh minh họa. Nguồn: interrnet
Ảnh minh họa. Nguồn: interrnet

Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội (QH), Ủy ban Tài chính ngân sách của QH về việc thực hiện Nghị quyết của QH liên quan đến giám sát chuyên đề và chất vấn về lĩnh vực tài chính từ đầu nhiệm kỳ đến hết kỳ họp thứ 4, QH khóa XIV.

Văn bản cho hay năm 2017, ngành Thuế đã triển khai rà soát các cá nhân kinh doanh qua mạng xã hội nhưng chưa kê khai, nộp thuế.

Cụ thể, ngành Thuế Hà Nội đã rà soát, thu thập cơ sở dữ liệu của 13.422 chủ tài khoản trên mạng xã hội có hoạt động quảng cáo, bán hàng qua mạng, trong đó 1.950 cá nhân đã đăng ký và được cấp mã số thuế để kê khai, nộp thuế.

Cục thuế TP. Hồ Chí Minh cũng đã gửi 13.145 giấy mời với trên 15.297 website và tài khoản Facebook do cơ quan thuế thu thập được tới các tổ chức, cá nhân có kinh doanh thương mại điện tử.

Tại Đà Nẵng, ngành Thuế đã rà soát 11.072 chủ tài khoản; Khánh Hòa có 6.729 chủ tài khoản; Nghệ An có 3.545 chủ tài khoản trên mạng xã hội có hoạt động quảng cáo, bán hàng qua mạng.

Bên cạnh đó, cơ quan thuế cũng thực hiện nhiều giải pháp khác như gửi tin nhắn trên hệ thống SMS đến các chủ tài khoản được xác định là chưa đăng ký thuế, hướng dẫn truy cập trang thông tin của cơ quan thuế; thực hiện thu thập dữ liệu và chuyển cho các phòng kiểm tra thuộc Cục Thuế,...

Văn bản của Văn phòng Chính phủ cũng điểm tên một số trường hợp được cho là điển hình về trốn tránh nghĩa vụ thuế. Cụ thể, tại TP.HCM, cơ quan thuế đã xử lý truy thu và phạt hơn 9 tỷ đồng đối với 1 cá nhân kinh doanh qua Facebook nhưng không kê khai đầy đủ doanh thu kinh doanh. Sự việc bị phát hiện thông qua đơn tố cáo. Từ đó, ngành thuế đã xác minh tài khoản ngân hàng của cá nhân này và phát hiện doanh thu thực tế trong giai đoạn 2014-2016 lên hơn 439 tỷ đồng.

Sau khi hồ sơ được cơ quan thuế chuyển qua cơ quan công an, cá nhân này mới chịu đến làm việc và xác nhận toàn bộ số tiền này là doanh số bán hàng. Đồng thời, người này cũng tự xác định số thuế khai thiếu và nộp vào ngân sách 9,19 tỷ đồng bao gồm: nộp tiền thuế giá trị giá tăng gần 4,5 tỷ đồng; thuế thu nhập cá nhân hơn 2,3 tỷ đồng, tiền phạt gần 1,4 tỷ đồng và tiền chậm nộp hơn 1 tỷ đồng.

Nêu giải pháp kiểm soát và truy thu thuế với người bán hàng qua mạng trong thời gian tới, Văn phòng Chính phủ cho biết Chính phủ đã chỉ đạo ngành thuế xây dựng cơ sở dữ liệu riêng về hộ kinh doanh của từng địa phương.

Đồng thời, thực hiện cập nhật thông tin quản lý rủi ro về hộ kinh doanh vào Hệ thống quản lý thuế tập trung của ngành thuế (Hệ thống TMS) để phục vụ cho công tác xây dựng doanh thu và mức thuế khoán đối với hộ kinh doanh. Từ đó, dễ dàng kết nối với cơ sở dữ liệu của Tổng cục Thuế, làm tiền đề cho việc xây dựng cơ sở dữ liệu quản lý rủi ro đối với hộ kinh doanh tập trung tại Tổng cục Thuế trong thời gian tới.

Về quản lý hóa đơn đối với hộ khoán, doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, ngành thuế đã triển khai thí điểm thực hiện hóa đơn điện tử có mã xác thực của cơ quan thuế đối vói nhóm hộ kinh doanh có quy mô lớn có doanh thu năm trước liền kề từ 3 tỉ đồng trở lên phải sử dụng hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ.

Hộ, cá nhân kinh doanh trong lĩnh vực nhà hàng, khách sạn, bán lẻ tân dược, bán lẻ hàng tiêu dùng, cung cấp dịch vụ trực tiếp đến người tiêu dùng có doanh thu năm liền trước liền kề từ 1 tỉ đồng trở lên phải sử dụng hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế được khởi tạo từ máy tính tiền có kết nối với cơ quan thuế hoặc hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế được khởi tạo từ thiết bị thanh toán không dùng tiền mặt có kết nối với ngân hàng.