TTCK năm 2010: Lạc quan và cẩn trọng!

Tuấn Phùng

TCTC Online - Phiên tăng điểm ngay ngày đầu năm dường như là điềm lành cho một năm đầy hứng khởi của TTCK. Giới chuyên môn cũng rất hào hứng về triển vọng của thị trường trong năm nay với những dự báo lạc quan như: Vn-Index đạt 600 đến 650 điểm trong năm 2010 hay tăng khoảng 50% vào cuối năm 2010… Song thực tế cho thấy, phần nhiều dự đoán thường không chính xác và không có sự đảm bảo chắc chắn nào đối với NĐT. Tuy nhiên, những yếu tố thuận lợi và khó khăn dưới đây là cơ sở đáng tin cậy để NĐT nhìn nhận trước khi đưa ra quyết định đầu tư.

4 lạc quan

Sức hút của TTCK Việt Nam vẫn cao. Hiện nay, trên TTCK giá trị nhiều công ty tương đối hấp dẫn. Nếu P/E năm 2009 là 11.5 lần, thì P/E năm 2010 chỉ khoảng 10.5, rất hợp lí để đầu tư trung và dài hạn. Bà Lê Thị Thu Hiền, Tổng giám đốc Công ty Chứng khoán Euro Capital cho biết, theo tính toán, mức tăng trưởng EPS của các DN trên hai sàn niêm yết năm 2009 đạt khoảng 25% so với năm 2008. Dự báo, mức tăng trưởng EPS trong năm 2010 sẽ khoảng 20% (đã tính tới việc phát hành tăng vốn của các DN). Với một nền kinh tế tăng trưởng dự kiến ở trên 6% trong năm 2010 và mức tăng trưởng tiềm năng 8%, thì mức P/E chấp nhận được của TTCK Việt Nam khoảng 20. Ngoài ra, hiện khá nhiều công ty có chỉ số cơ bản tốt thuộc các nhóm ngành được kỳ vọng sẽ hưởng lợi từ việc tăng lãi suất cơ bản và hỗ trợ lãi suất như chế biến và xuất khẩu hàng thủy sản, ngân hàng... và một số cổ phiếu thuộc các nhóm ngành có khả năng đạt lợi nhuận cao, nhưng hiện có mức giá khá hợp lý như: BĐS, chứng khoán... Cuối cùng, TTCK Việt Nam vẫn có tiềm năng và sức hấp dẫn lớn do vẫn đang trong giai đoạn phát triển. Sự kiện đoàn NĐT Thái Lan mới đây đã đến HoSE để tìm hiểu cơ hội đầu tư vào TTCK Việt Nam là một minh chứng. Hơn nữa, mức vốn hóa TTCK trên GDP hiện tại vẫn thấp hơn nhiều so với mức 52% ở Ấn Độ, 72% ở Trung Quốc, 95% ở Malaysia và trên 70% tại các thị trường châu Á phát triển khác.

Luồng tiền sẽ tốt hơn. Việc được phép giao dịch chứng khoán T+2 cộng với nhiều khả năng từ quý II/2010, TTCK sẽ được phép giao dịch ký quỹ, kéo dài thời giao dịch, giao dịch trực tuyến ở sàn Hà Nội…  sẽ góp phần tăng tính thanh khoản của thị trường lên rất nhiều. Luồng tiền vào thị trường dự đoán cũng sẽ tốt hơn vì các ngân hàng sẽ cân đối được các nguồn vốn và sẽ tiếp tục cho vay đầu tư chứng khoán trong khi hiện một số CTCK cũng đã bắt đầu cho vay trở lại. Ngoài ra, theo bà Lê Lệ Hằng, Giám đốc Khối phân tích và tư vấn đầu tư CTCP Chứng khoán Sài Gòn (SSI), việc Việt Nam được các nhà tài trợ cam kết hơn 8 tỷ USD trong năm 2010 là một tín hiệu tích cực cho thấy NĐT ngoại vẫn quan tâm đến Việt Nam. Hơn nữa, nguồn tiền nhàn rỗi (từ sàn vàng, tiết kiệm…) trước đó chưa tìm được nơi dừng chân, cũng đã nhanh chóng trở lại, góp phần tạo nên sự sôi động cho TTCK.

Đà phục hồi của DN sẽ khá hơn. Năm 2009, Việt Nam duy trì được tăng trưởng GDP 5,32% là một thành tích rất ấn tượng so với nhiều nước khác trên thế giới. Điều đó cho thấy nội lực, sự thích nghi của các DN trong nước là rất cao. Bà Lê Lệ Hằng khẳng định, dựa trên những DN mà SSI đang theo dõi, chất lượng thu nhập của các DN trong năm 2010 sẽ có khác biệt so với năm 2009. Cụ thể, nguồn thu từ hoạt động kinh doanh chính sẽ chiếm tỷ trọng lớn hơn trong khi nguồn thu từ đầu tư tài chính, hoàn nhập dự phòng và định giá lại tài sản sẽ không cao như năm ngoái. Xét về yếu tố cơ bản, điều này cho thấy chất lượng thu nhập của DN sẽ tốt hơn trong năm 2010. Sự phục hồi kinh tế thế giới, sự giảm giá của VND, biện pháp đẩy mạnh xuất khẩu của Chính phủ… sẽ “tiếp sức” cho các ngành xuất khẩu của Việt Nam - thủy sản, cao su, may mặc, khai khoáng, than…

Hài hòa giữa tăng trưởng và ổn định kinh tế vĩ mô. Năm 2009, khi kinh tế Việt Nam vượt qua được những bất ổn, thực hiện các giải pháp kích thích kinh tế, chúng ta cũng hiểu khá rõ những tác động tới kinh tế vĩ mô của lạm phát, cán cân thanh toán quốc tế, thâm hụt ngân sách và một số rủi ro khác của hệ thống tài chính ngân hàng. Năm nay, Quốc hội đã thông qua các chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế thể hiện tăng trưởng ổn định chứ không phải hy sinh để tăng trưởng, không chủ quan với lạm phát. Mặc dù các NĐT ngoại dự đoán Việt Nam có thể tăng trưởng 7% trong năm 2010 song chúng ta chỉ đặt chỉ tiêu 6,5%. Những động thái gần đây của Chính phủ cho thấy bài học về ổn định kinh tế vĩ mô sẽ tiếp tục được coi trọng, chẳng hạn như tăng trưởng tín dụng cố gắng mức 25%.

5 cẩn trọng

Lo ngại ổn định vĩ mô và những yếu kém nội tại của nền kinh tế. Trong ngắn hạn, các chính sách vĩ mô thường gây ảnh hưởng mạnh đến xu thế trong ngắn hạn và gây ra sốc cho TTCK, trong khi các chính sách vĩ mô ở Việt Nam rất khó lường trước được. Cũng không thể đổ lỗi cho nhà hoạch định bởi họ cũng phải xem xét sự hồi phục của nền kinh tế thế giới cũng như nền kinh tế Việt Nam, từ đó mới đưa ra chính sách phù hợp nhất. Theo nhiều chuyên gia kinh tế, về mặt kinh tế vĩ mô của nước ta, không ít lo ngại do thâm hụt ngân sách, thâm hụt mậu dịch, về sự mất giá đồng tiền, nhập siêu… Sự giảm giá của VND sẽ làm cho Việt Nam trong vai trò một nước xuất khẩu trở nên hấp dẫn hơn khi kinh tế toàn cầu phục hồi. Tuy nhiên, trong ngắn hạn, điều này sẽ làm giảm giá trị tài sản của NĐT nước ngoài và có thể ảnh hưởng xấu đến giải ngân nguồn vốn và mức độ tiêu thụ cá nhân… Nói tóm lại, những yếu kém nội tại lâu nay của nền kinh tế vẫn chưa thể khắc phục được và sẽ còn tiếp diễn trong năm 2010 này, trở thành nỗi lo tiềm ẩn, thậm chí sẽ là nguyên nhân tháo chạy của bất cứ NĐT chứng khoán nào.

Chính sách tiền tệ “giật cục”. Chính phủ đã quyết định dừng gói hỗ trợ lãi suất đúng hạn, không kéo dài, cộng với quyết định tăng lãi suất cơ bản của NHNN để kiểm soát tăng trưởng tín dụng, cung tiền đã khiến cho NĐT trở nên bi quan về khả năng tăng trưởng của luồng tiền và sự đi lên của thị trường. Ngoài ra, việc NHNN công bố sẽ giới hạn tăng trưởng tín dụng năm 2010 xuống mức 25% với mục tiêu thắt chặt tiền tệ để kìm hãm nền kinh tế phát triển quá nóng cũng sẽ khiến các NH “ngại” cho vay để đầu tư chứng khoán. Những động thái này đã phát ra tín hiệu rõ ràng về sự thắt chặt tiền tệ của NHNN. Tuy nhiên, cũng có một băn khoăn khác: Việt Nam đang trong giai đoạn hồi phục nên rất cần vốn để đầu tư và có thể, việc nới lỏng tiền tệ cũng sẽ được tính đến. Chính những mâu thuẫn đó khiến cho các NĐT lo ngại về chính sách tiền tệ “giật cục”, khiến thị trường đảo chiều nhanh chóng và tất nhiên, mất mát của NĐT cũng sẽ đến nhanh và nhiều hơn.

Bóng ma của lạm phát vẫn ám ảnh. Lạm phát là “khắc tinh” của TTCK. Khi lạm phát tăng mạnh, nhiều loại tài sản mất giá, rủi ro cao làm NĐT có khuynh hướng “trú ẩn” ở những tài sản an toàn như: BĐS, vàng, ngoại tệ... khiến chứng khoán kém hấp dẫn. Ngoài ra, một tác động trực tiếp của lạm phát cao là cần phải tăng lãi suất cơ bản để kiềm chế lạm phát. Lãi suất tăng cao sẽ hút tiền vào ngân hàng, giảm dòng tiền vào chứng khoán. Theo dự báo của nhiều chuyên gia, lạm phát năm 2010 sẽ cao hơn năm 2009 do được “kế thừa” những yếu tố gây lạm phát từ năm trước. Theo TS.Vũ Đình Ánh, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Khoa học Thị trường giá cả (Bộ Tài chính), lạm phát cao đến mức nào lại phụ thuộc nhiều vào việc điều hành chính sách của Chính phủ và sẽ có hai kịch bản lớn cho lạm phát trong năm 2010: Khoảng từ 7-10% nếu tính quy luật của diễn biến thị trường giá cả được duy trì trong năm 2010 kết hợp với những chính sách kinh tế vĩ mô và quản lý giá cả thị trường hợp lý, ứng phó tốt với tình hình biến động của kinh tế thế giới, cân đối giữa ổn định và tăng trưởng; hoặc 12-15% nếu một hoặc một số các điều kiện trên không đảm bảo.

Áp lực giải chấp khi đòn bẩy tài chính vẫn tiếp tục bị lạm dụng. Theo ông Nguyễn Quang Bảo, Phó tổng giám đốc CTCP Chứng khoán Bản Việt, mỗi CTCK có chính sách cho vay cầm cố cổ phiếu khác nhau, tùy thuộc vào hợp đồng hợp tác của CTCK đó với các ngân hàng. Năm 2009, một số CTCK đã cho các NĐT thực hiện repo và magin trading với số tiền tương đối lớn, lên đến hàng ngàn tỷ đồng. Tình hình này rơi đúng vào thời điểm thị trường tăng mức cao và những chính sách vĩ mô của Nhà nước gây bất lợi cho thị trường. Ông Quách Mạnh Hào, Phó tổng giám đốc CTCP Chứng khoán Thăng Long cho biết thêm, những tin đồn về giải chấp tại Thăng Long cũng như tại một số CTCK khác thực tế cuối năm 2009 đã bị thổi phồng quá mức. NĐT cần phân biệt giữa việc ép bán giải chấp và việc khách hàng chủ động bán do họ nhận định thị trường không tốt. Tuy nhiên, phải thừa nhận rằng, việc sử dụng đòn bẩy tài chính luôn có rủi ro trong khi các quy định về sử dụng đòn bẩy tài chính vẫn chưa thực sự rõ ràng. Do phần lớn NĐT nội thường hành động theo đám đông và không có tâm lí vững, nên nếu thị trường có xu hướng xấu, nhiều NĐT đã phải bán chứng khoán để trả nợ. Lúc đó, áp lực giải chấp lại càng khiến thị trường ảm đạm hơn nữa.

Loạn tin đồn thất thiệt trên thị trường. Năm 2009 là năm TTCK có tần suất tin đồn xuất hiện nhiều nhất từ trước tới nay. Đa số những tin đồn này tập trung ở những điều chỉnh về chính sách tiền tệ có khả năng ảnh hưởng lớn tới TTCK. Đáng chú ý là có những tin đồn… chính xác và hiện chưa có trường hợp nào liên quan bị xử lý. Trong năm mới 2010, dự đoán tin đồn vẫn tiếp tục “loạn”. Ông Nguyễn Đoan Hùng, Phó Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) cho biết, cơ quan này đang phối hợp chặt chẽ với Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công an và các báo đài để giám sát các thông tin đảm bảo tính trung thực của thông tin. Ngoài ra, UBCKNN cũng thường xuyên cảnh báo trên website của UBCNN, yêu cầu các sở giao dịch chứng khoán, CTCK, công ty niêm yết tuân thủ các quy định về công bố thông tin. Hiện nay, UBCKNN đang dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 36 nâng cao mức xử phạt hành chính nhằm ngăn ngừa các vi phạm dẫn tới hành vi giao dịch thao túng gian lận tại thị trường. Đồng thời, Bộ Tài chính chuẩn bị ban hành thông tư thay thế Thông tư 38/2007 về công bố thông tin trên thị trường để nâng cao chất lượng công bố thông tin. Nếu vi phạm, các cá nhân tổ chức sẽ bị xử phạt, tùy tính chất và mức độ từ xử phạt hành chính tới truy cứu trách nhiệm hình sự và bồi thường nếu gây thiệt hại.