TTCK nào nóng nhất thế giới 6 tháng đầu năm?
(Tài chính) Bất chấp nguy cơ vỡ nợ, bất chấp có lúc rơi vào “thị trường con gấu” và bất chấp đà tăng trưởng nóng của thị trường bất động sản, các thị trường chứng khoán này vẫn đạt được mức tăng hai con số kể từ đầu năm đến nay.
1. Argentina
Mức sinh lời từ đầu năm 2014 đến nay: 47%
Dù Argentina đang sống trong tình cảnh vay mượn nhưng TTCK nước này vẫn tiếp tục bùng nổ trong năm nay. Chỉ số Mercado de Valores de Buenos Aires (Merval) đã tăng 47% so với thời điểm đầu năm 2014 và ghi nhận đà phá mạnh nhất trong số 40 chỉ số chứng khoán toàn cầu theo thống kê tại ngày 01/07 của Bespoke Investment Group.
Đây có thể là một điều khá bất ngờ trong bối cảnh những thông tin thời gian qua về Argentina khá tiêu cực. TTCK Argentina đã rơi tự do trong tháng 6/2014 sau khi Tòa án Tối cao Mỹ từ chối xem xét kháng cáo của nước này về quyết định trước đó của các nhà thẩm phán liên bang yêu cầu Argentina thanh toán đầy đủ tiền cho một số trái chủ. Động thái này đã làm dấy lên lo ngại rằng Argentina có thể lần thứ 2 rơi vào vỡ nợ kể từ năm 2001. Bên cạnh đó, mới đây nền kinh tế nước này đã rơi vào suy thoái và đồng peso tăng giá mạnh so với các đồng tiền chủ chốt khác.
Vậy tại sao TTCK Argentina lại tăng trưởng mạnh nhất thế giới?
Nhà chiến lược Paul Christopher của Wells Fargo Advisors cho biết dòng vốn đã dịch chuyển mạnh khỏi các tài sản an toàn và chảy vào các kênh đầu tư rủi ro. Đặc biệt, các quốc gia có định giá hấp dẫn nhất được mua mạnh nhất trong năm nay. Với mức lãi suất thấp kỷ lục tại Mỹ, dòng tiền đã chảy vào các thị trường mới nổi do nhà đầu tư mong muốn tìm kiếm cơ hội tăng trưởng. Tuy nhiên, ông Christopher cảnh báo nhà đầu tư có thể hơi quá đà.
2. Đan Mạch
Mức sinh lời từ đầu năm 2014 đến nay: 20.5%
Đã đến lúc Đan Mạch tỏa sáng.
Nhà đầu tư liên tục đổ tiền vào các TTCK châu Âu trong những năm qua vì muốn săn cổ phiếu với giá hời tại các thị trường từng “bầm dập” vì khủng hoảng nợ công Eurozone.
Tuy nhiên, hiện các TTCK Tây Ban Nha, Ý và Ireland tương đối đắt nên nhà đầu tư đang dịch chuyển sang Đan Mạch. Thêm vào đó, nền kinh tế Đan Mạch đang bộc lộ tín hiệu phục hồi mạnh và thâm hụt ngân sách đang thu hẹp, theo một báo cáo mới đây của các nhà kinh tế Danske Bank.
3. Ấn Độ
Mức sinh lời từ đầu năm 2014 đến nay: 20%
Sau khi dịch chuyển không xu hướng trong 3 năm, thị trường chứng khoán Ấn Độ đã bắt đầu “bén lửa” trong năm nay. Nhà đầu tư bắt đầu lạc quan về Ấn Độ kể từ khi ông Narendra Modi và Đảng Bharatiya Janata (Đảng ủng hộ các doanh nghiệp) giành chiến thắng vang dội tại các cuộc bầu cử diễn ra vào đầu năm nay.
Ông Colin Bell, Giám đốc Auerbach Grayson đồng thời là một nhà môi giới đang giao dịch tại gần 130 thị trường trên thế giới cho biết nhà đầu tư hy vọng ông Modi có thể khôi phục đà tăng trưởng tại nền dân chủ lớn nhất thế giới sau giai đoạn dài trì trệ dưới sự điều hành của Chính phủ trước. Ông Bell cho rằng niềm lạc quan về Ấn Độ dâng cao đến mức khó tin và có thể kỳ vọng đã lên quá cao.
Dù TTCK Ấn Độ có thể đối mặt với nguy cơ điều chỉnh trong ngắn hạn nhưng ông Bell cho biết sự thay đổi của tình hình chính trị tại nước này có thể tạo tiền đề cho các cuộc cải cách kinh tế về dài hạn. Nền kinh tế Ấn Độ đang nhận được động lực tăng trưởng từ lĩnh vực dịch vụ, với hoạt động thuê ngoài dịch vụ công nghệ thông tin (IT), các công ty dược phẩm và công nghệ đang trạnh tranh trên thị trường toàn cầu.
Thế nhưng, ông Bell cho biết nhà đầu tư đã và đang dịch chuyển vào cổ phiếu của các công ty được hưởng lợi từ đà tăng trưởng trong nước, chẳng hạn như các doanh nghiệp sản xuất và ngân hàng.
Dù vậy, số liệu mới nhất về đà tăng trưởng của nền kinh tế Ấn Độ lại không mấy ấn tượng và cần phải theo dõi liệu ông Modi có thể đưa ra các chiến lược cải cách đúng như kỳ vọng của nhà đầu tư. Theo nhận định của ông Christopher: “Đây là một quốc gia còn tồn tại rất nhiều vấn đề”.
4. Pakistan
Mức sinh lời từ đầu năm 2014 đến nay: 17.4%
TTCK Pakistan liên tục nằm trong top các thị trường tăng trưởng mạnh nhất thế giới các năm gần đây nhờ dòng vốn đầu tư vào các thị trường biên. Khi bỏ qua các thị trường mới nổi truyền thống, nhà đầu tư ngày càng sẵn lòng chấp nhận rủi ro tại các quốc gia như Pakistan, vốn có tiền sử về bất ổn chính trị.
TTCK Pakistan từng bị tác động mạnh trong suốt cuộc khủng hoảng tài chính theo sau vụ ám sát Thủ tướng Benazir Bhutto vào năm 2007. Tuy nhiên theo ông Bell, kể từ năm 2012 đến nay, môi trường chính trị đã cải thiện và nhà đầu tư đã quay trở lại Pakistan nhờ mức định giá hấp dẫn.
Ngoài ra, ông Bell cho biết thêm TTCK Pakistan còn được hưởng lợi từ năm 2012 khi Chính phủ tuyên bố sẽ không điều tra về nguồn gốc của dòng vốn đầu tư vào TTCK.
5. Dubai
Mức sinh lời từ đầu năm 2014 đến nay: 17%
Dù rơi vào “thị trường con gấu” vào tháng 6 vừa qua nhưng TTCK Dubai vẫn còn duy trì được mức tăng mạnh trong năm nay. Được biết, TTCK Dubai đã hạ thả phanh hơn 20% so với mức đỉnh gần đây xác lập vào tháng 5/2014 khi bạo loạn lan rộng từ Syria sang Iraq. Một số nhà đầu tư lo lắng rằng quốc gia giàu dầu mỏ này có thể rơi vào cuộc xung đột rộng hơn tại Trung Đông.
Hơn nữa, mối lo ngại về đà tăng trưởng nóng trên thị trường bất động sản của Các tiểu Vương quốc Arập Thống nhất (UAE) cũng đè nặng lên TTCK Dubai và quốc gia láng giềng Qatar. Cổ phiếu của công ty từng tham gia xây dựng Burj Khalifa, tòa nhà cao nhất thế giới, đã rớt giá đặc biệt thảm hại thời gian gần đây.
Tuy nhiên, đà bán tháo diễn ra sau khi TTCK nước này đã đạt được đà tăng trưởng ấn tượng và hiện vẫn còn tăng gần 200% so với thời điểm năm 2012. Hầu hết các chuyên viên giao dịch tại Dubai đều là những nhà đầu tư trong nước nên họ rất dễ bán ra khi xuất hiện tín hiệu bất ổn, ông Bell nhận định. Ông cho biết: “Đây là một thị trường chạy theo xu hướng. Khi mọi việc tốt đẹp, thị trường sẽ rất tốt đẹp”.