Tự chủ để phát triển kinh tế bền vững

Theo daibieunhandan.vn

(Tài chính) Nhiều giải pháp được Chính phủ đưa ra nhằm phát triển kinh tế - xã hội đã được các đại biểu Quốc hội đồng tình. Trong đó, trọng tâm là tái cấu trúc nền kinh tế theo hướng phát huy các nguồn lực nội sinh, tự chủ kinh tế và xóa đói giảm nghèo bền vững.

Tự chủ để phát triển kinh tế bền vững
Nhiều giải pháp được Chính phủ đưa ra nhằm phát triển kinh tế - xã hội đã được các đại biểu Quốc hội đồng tình. Nguồn: internet

Ghi nhận những kết quả đạt được trong phát triển kinh tế - xã hội năm 2013 và 4 tháng đầu năm 2014 (với 12/15 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch), đa số các đại biểu đồng tình với sự thẳng thắn của Chính phủ khi thừa nhận vẫn còn những tồn tại, yếu kém trong cách thức quản lý, điều hành thời gian qua - dẫn đến bội chi ngân sách, và tỷ lệ giảm nghèo chưa đạt mục tiêu.

Đại biểu cũng đánh giá cao các giải pháp của Chính phủ về ổn định vĩ mô, phát triển kinh tế trong thời gian tới khi gắn với tình hình thời sự của đất nước.  Đặc biệt, đã đặt trọng tâm vào công tác tái cấu trúc nền kinh tế theo hướng tự chủ các nguồn lực để không bị phụ thuộc bên ngoài. Song, để đạt được mục tiêu này, các đại biểu yêu cầu Chính phủ cần tập trung các biện pháp một cách thực chất hơn. Trong đó, cải cách thể chế và quy hoạch ngành nghề là trọng tâm, trọng điểm và then chốt nhất.

Bởi thực tế, thời gian qua, cơ chế một cửa vào nhưng vẫn còn nhiều cửa ra gây phiền hà cho doanh nghiệp. Rất nhiều vấn đề trọng tâm được đưa ra cho phát triển công nghiệp hỗ trợ nhưng lại thiếu những đầu tư trọng điểm, dẫn đến một nền công nghiệp gia công, lắp ráp ở hầu hết các ngành nghề, lĩnh vực; trăm hoa đua nở các loại thương hiệu, sản phẩm hàng hóa… nhưng người tiêu dùng lại thiếu cả những sản phẩm thiết yếu nhất trong cuộc sống thường nhật.

Dẫn chứng cho điều này, nhiều đại biểu chua xót: Việt Nam nhập từ que tăm, hạt cám - trong điều kiện của một đất nước có thế mạnh về cây tre và là một trong những quốc gia nằm trong tốp đầu thế giới về xuất khẩu lúa gạo. Và đi đến kết luận rằng, phải đổi mới về tư duy kinh tế để phát triển công nghiệp hỗ trợ trên cơ sở của một đất nước có thế mạnh về nông nghiệp, đi lên từ con cá, củ khoai từ nguồn đất đai và tài nguyên biển.

Ví như ngành dệt may, chỉ cần chủ động liên kết với người nông dân trồng bông, dệt vải, trồng dâu, nuôi tằm - sẽ vừa giúp bảo tồn và phát triển nghề truyền thống, tạo thu nhập ổn định và xóa nghèo bền vững cho hàng triệu lao động nông thôn vùng sâu, vùng xa; đồng thời sẽ giảm đáng kể con số hơn 70% nguồn nguyên liệu đang phải phụ thuộc vào nhập khẩu. Cụ thể là, sẽ có khoảng hơn 6 tỷ m2 vải, nhiều triệu cọc sợi, chỉ, bông và băng chun… chắc chắn sẽ không còn phải nhập khẩu, với hàng tỷ USD mỗi năm.

Giảm sự phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu, phát triển công nghiệp hỗ trợ cũng chính là gia tăng giá trị sản phẩm hàng hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực để tự chủ kinh tế, đón đầu cơ hội Hiệp định kinh tế đối tác thương mại xuyên Thái Bình Dương một khi được ký kết. Đi trước, đón đầu là giải pháp được đề ra. Nhưng vì sao chiến lược phát triển công nghiệp hỗ trợ của từng ngành nghề, lĩnh vực được đề cập lâu nay vẫn không đạt được? Phải chăng chúng ta chưa có đủ các ưu tiên chính sách, ưu đãi đầu tư? Hay, còn có lợi ích nhóm trong quá trình nhập khẩu? Chính phủ cần làm rõ vấn đề này cũng là yêu cầu của không ít đại biểu và cử tri.

Tự chủ kinh tế, phải tự chủ từ tư duy của mỗi ngành, mỗi cấp và mỗi người dân. Tự chủ trong điều kiện hội nhập, yêu cầu các giải pháp hỗ trợ cụ thể và mạnh mẽ hơn cho cộng đồng doanh nghiệp, để mỗi chủ thể của nền kinh tế không chỉ đủ sức cạnh tranh, đứng vững trên chính sân nhà; để khẩu hiệu người Việt ưu tiên dùng hàng Việt được cả triệu người trân trọng, tin yêu, thành hiện thực ngày ngày.

Tự chủ kinh tế phải mạnh mẽ tổng thể tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh trong điều kiện mới. Đại biểu Quốc hội hy vọng những khuyến nghị và giải pháp trọng tâm nếu được Chính phủ kiên quyết thực thi, sẽ đồng thời chủ động trong phát triển kinh tế gắn với xóa đói, giảm nghèo bền vững.