Tự chủ - đòn bẩy phát triển giáo dục đại học
Tự chủ đại học không phải là một vấn đề mới mẻ, mà đã chính thức được đặt ra tại Việt Nam từ những năm đầu của thập niên trước. Mặc dù vậy, quá trình triển khai mô hình tự chủ đại học ở nước ta hoàn toàn không dễ dàng. Mãi vài năm gần đây, việc áp dụng mô hình tự chủ tại các trường công lập mới được thí điểm. Với cơ chế hiện nay, vẫn còn nhiều vướng mắc cần tháo gỡ.
Chưa có chính sách đột phá
Khách quan nhìn nhận, những khó khăn trong việc chuyển đổi từ một mô hình được Nhà nước bao cấp và kiểm soát chặt chẽ sang mô hình tự chủ không chỉ có ở Việt Nam mà tồn tại ở rất nhiều nơi trên thế giới. Tâm lý trông chờ vào sự bao cấp của Nhà nước và sự quản lý chi li chặt chẽ của các cơ quan hữu quan trong một thời gian dài đã khiến cho các cơ sở giáo dục đại học (GDĐH) mất đi sự năng động và sáng tạo cần thiết. Ngay ở Ma-lai-xi-a, một quốc gia trong khu vực với một nền GDĐH khá phát triển so với Việt Nam, cũng tồn tại những khó khăn và vướng mắc tương tự. Bởi, tự chủ đại học không thể diễn ra theo cách “đùng một cái”, mà các trường muốn sử dụng sự tự chủ như một đòn bẩy để thúc đẩy sự phát triển của nhà trường thì cũng phải cần những điều kiện cần thiết. Những điều kiện đó là gì?
Cần khẳng định rằng tự chủ đại học bao hàm nhiều khía cạnh chứ không chỉ là tự chủ về tài chính, và hoàn toàn không đồng nghĩa với việc cắt mọi hỗ trợ tài chính từ Nhà nước. Chỉ có điều, nếu cứ cấp ngân sách theo kiểu chia đều cho tất cả các trường công lập thì sẽ không bao giờ có đủ ngân sách để đáp ứng mọi nhu cầu hoạt động của tất cả các trường, dẫn đến việc đầu tư manh mún, nhỏ giọt và không hiệu quả. Vì vậy, cần cắt giảm nguồn kinh phí cho hoạt động thường xuyên để có thể tập trung vào các mục tiêu quan trọng, như đầu tư vào các phòng thí nghiệm trọng điểm, hoặc đầu tư nghiên cứu những ngành công nghệ cao đóng góp cho sự phát triển kinh tế của đất nước.
Nhưng nếu chỉ đầu tư vào cơ sở vật chất, thiết bị hiện đại để rồi không có nguồn nhân lực đủ mạnh để khai thác thì lại là một sự lãng phí khác. Rõ ràng, để có thể tự chủ thì trước hết các trường phải bảo đảm được một lực lượng giảng viên và nhà khoa học giỏi, có khả năng tạo ra các sản phẩm khoa học và giáo dục có giá trị tương xứng với những đầu tư của Nhà nước.
Như vậy, có thể thấy điều kiện đầu tiên để tự chủ là người đứng đầu nhà trường phải có đủ thẩm quyền và điều kiện để thu hút các giảng viên và các nhà khoa học giỏi về làm việc, bổ nhiệm họ vào các vị trí xứng đáng với năng lực. Đồng thời, họ cũng cần thẩm quyền loại bỏ những người đang có trong biên chế, thậm chí có chức vụ trong hệ thống nhưng không có đủ năng lực hoặc trách nhiệm để thực hiện tốt công việc.
Đáng tiếc là các chính sách hiện nay chưa thật sự cho phép các trường công lập thực hiện điều này, khi cơ cấu quyền lực của các thành phần vẫn còn chưa rõ ràng, khi tồn tại song song vai trò chỉ đạo chung của Đảng ủy (nơi có thẩm quyền cao nhất về mặt nhân sự, đặc biệt là các vị trí chủ chốt) và vai trò định hướng chuyên môn của Hội đồng trường - mà vai trò thực tế đã được mọi người chỉ ra là hoàn toàn hình thức!
Bên cạnh đó, chính sách lương bổng cào bằng và thiếu hấp dẫn trong thời gian dài vừa qua, cùng cách quản lý nặng về hành chính, thậm chí đôi khi quan liêu, của hệ thống đại học công lập của Việt Nam, đã làm nản lòng rất nhiều nhà khoa học. Tất nhiên, trong những năm gần đây một số trường, đặc biệt là các trường được tự chủ tài chính, cũng đã có nhiều chính sách đẩy mạnh nghiên cứu và công bố quốc tế và có nhiều thành quả đáng ghi nhận. Tuy nhiên, những thành tựu của các trường này cũng chỉ mới nằm ở các công bố hàn lâm mà chưa có những phát minh sáng chế mang tính ứng dụng và có thể đưa ra thị trường để tạo ra thu nhập cho các trường.
Đây cũng là một khó khăn lớn khác chỉ có thể được tháo gỡ nếu có những chính sách mang tính đột phá về quản lý nhân sự trong trường đại học, cụ thể là trao cho Hiệu trưởng quyền tự chủ hoàn toàn trong việc tuyển dụng, bổ nhiệm, xác định mức lương và các đãi ngộ khác, cũng như bãi nhiệm các nhân sự chủ chốt trong hệ thống, miễn sao có thể đạt được các mục tiêu phát triển của nhà trường.
Sinh viên Đại học Bách khoa Hà Nội trong giờ thực hành. Ảnh: HẢI THANH
Tạo thế “kiềng ba chân” trong nhà trường
Trong mô hình quản trị đại học tại các nước tiên tiến trên thế giới không chỉ có yếu tố tự chủ, mà là một bộ ba luôn đi kèm với nhau, đó là: tự chủ - trách nhiệm giải trình - đồng quản trị (shared governance). Nếu không có hai yếu tố còn lại thì tự chủ đại học sẽ mất đi toàn bộ giá trị và không thể nào là đòn bẩy để thúc đẩy sự phát triển của các trường đại học được.
Quyền tự chủ càng cao thì trách nhiệm giải trình càng lớn, điều này đối với nhiều người có lẽ cũng đã nghe quen và sẽ không ai phản đối. Nhưng khái niệm “đồng quản trị” có thể vẫn còn khá mới mẻ đối với Việt Nam, ít ra là về ngôn từ.
Tờ Chronicle of Higher Education đã định nghĩa khái niệm này như sau: Đồng quản trị là đạt được sự cân bằng giữa một bên là sự tham gia của các giảng viên và nhân viên trong mọi quá trình lập kế hoạch và ra quyết định của nhà trường, và bên kia là trách nhiệm giải trình của bộ phận quản lý. Dùng ngôn ngữ dễ hiểu hơn, ta có thể nói đồng quản trị là cho phép những người không nằm trong bộ máy quản lý tham gia trực tiếp vào việc điều hành và giám sát nhà trường. Hoặc, dùng một cụm từ quen thuộc hơn nữa, đồng quản trị chính là đẩy mạnh “dân chủ hóa” trong môi trường giáo dục.
Trong Báo cáo mới đây của Bộ Giáo dục và Đào tạo tổng kết thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động đối với các cơ sở GDĐH công lập theo Nghị quyết số 77/NQ-CP ngày 24/10/2014 của Chính phủ giai đoạn 2014-2017 đã nhận định: Chính sách pháp luật về tự chủ đã và đang được xây dựng và hoàn thiện với mục tiêu khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho các trường. Tuy nhiên, Báo cáo cũng chỉ ra những hạn chế về cơ chế chính sách: Còn thiếu quy định cụ thể về tự chủ; và quyền của các trường đại học trong việc xác định quyền tự chủ và tự chịu trách nhiệm của trường; nhiều quy định, văn bản pháp lý chưa thay đổi kịp để hỗ trợ các trường đại học tự chủ; các trường cũng không nhận được sự hướng dẫn cụ thể từ phía cơ quan quản lý nhà nước khi triển khai thí điểm tự chủ,…
Khi đã xác định được những điều kiện cần để có thể chuyển đổi từ một mô hình hoàn toàn bao cấp sang mô hình tự chủ cao, thì với quyết tâm hiện nay của Chính phủ, những nút thắt chính sách sẽ dần được tháo gỡ, đưa các trường đại học của Việt Nam vào quỹ đạo phát triển chung của các trường đại học trên thế giới.