Đầu tư của nhà nước cho giáo dục, đào tạo: Thực trạng và một số đề xuất
Tỷ lệ chi ngân sách cho giáo dục hàng năm của Việt Nam ở mức xấp xỉ 20%, tương đương 5% GDP. Để giảm bớt áp lực chi tiêu từ ngân sách nhà nước, huy động được các nguồn lực phát triển và nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo, Nhà nước cần đẩy mạnh xã hội hoá lĩnh vực giáo dục, đào tạo, đặc biệt trong đào tạo đại học thuộc các ngành kỹ thuật – công nghệ và dạy nghề.
Đầu tư của Nhà nước cho giáo dục, đào tạo
Tại Việt Nam, trong các mô hình tăng trưởng kinh tế dài hạn, các nhà kinh tế thường đề cập đến khái niệm hàm sản xuất, theo đó sản lượng của nền kinh tế là hàm số phụ thuộc vào các biến số sản xuất như vốn con người, nguồn lực tài chính, nguồn lực tự nhiên.
Gần đây, nhiều mô hình tăng trưởng kinh tế, điển hình là mô hình tăng trưởng nội sinh với các tác giả Uzawa (1965), Lucas (1988) và Romer (1990) đó làm nổi bật vai trò của vốn con người và nhấn mạnh rằng kiến thức cũng như lợi ích ngoại ứng của giáo dục là động cơ chính thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Đảng và Nhà nước ta nhất quán quan điểm xem giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu. Quan điểm này được thể hiện xuyên suốt trong các văn kiện của Đảng. Nghị quyết Trung ương 3, (khoá VII) năm 1993 khẳng định: “Khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu; đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho phát triển”. Nghị quyết Trung ương 8, (khoá XI) một lần nữa khẳng định: “Giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu, là sự nghiệp của Đảng, Nhà nước và của toàn dân”.
Với nhận thức rằng, chính sách giáo dục, đào tạo cùng với chính sách khoa học, công nghệ là hai chính sách quốc gia cần được ưu tiên cao nhất để thực hiện mục tiêu phát triển bền vững trong dài hạn, trong những năm qua, chính sách giáo dục, đào tạo ở nước ta đã được quan tâm chú ý và đổi mới, tạo ra nhiều kết quả quan trọng, đóng góp vào sự phát triển chung của đất nước.
Lĩnh vực, giáo dục, đào tạo được ưu tiên đầu tư nguồn lực lớn từ ngân sách nhà nước (NSNN). Tỷ lệ chi ngân sách cho giáo dục hàng năm của Việt Nam ở mức xấp xỉ 20%, tương đương 5% GDP. Đây là mức rất cao so với nhiều nước trên thế giới, kể cả các nước có trình độ phát triển kinh tế cao hơn Việt Nam rất nhiều (Hình 1).
Năm 2015, tổng nguồn NSNN dành cho lĩnh vực giáo dục, đào tạo là 224.826 tỷ đồng, chiếm khoảng 20% tổng chi NSNN. Chi thường xuyên lĩnh vực giáo dục đào tạo năm 2015 là 184.070 tỷ đồng. Theo đó, dự toán chi từ ngân sách địa phương (NSĐP) là 152.000 tỷ đồng để thực hiện nhiệm vụ giáo dục đào tạo của địa phương; chi từ ngân sách trung ương (NSTW) là 32.070 tỷ đồng.
Trong tổng chi từ NSTW 32.017 tỷ đồng, cũng bố trí 10.398 tỷ đồng hỗ trợ hoạt động thường xuyên của các cơ sở giáo dục đào tạo thuộc các bộ, cơ quan trung ương. Chi đầu tư phát triển giáo dục, đào tạo năm 2015 là 33.756 tỷ đồng; trong đó, chi của NSTW là 14.096 tỷ đồng; chi NSĐP là 19.660 tỷ đồng.
Nguồn kinh phí được ưu tiên xây dựng thêm phòng học cho giáo dục mầm non và phổ thông để xóa phòng học tạm thời, xây dựng các phòng học bộ môn, phòng thí nghiệm, hỗ trợ đầu tư xây dựng trường trung cấp chuyên nghiệp và dạy nghề trọng điểm ở các địa phương…
So với các nước, trong khu vực, tỷ lệ chi tiêu công cho giáo dục trên GDP của Việt Nam cao hơn hẳn nhiều nước, thậm chí so với các nước có trình độ phát triển kinh tế cao hơn, chẳng hạn như Singapore (3,2% năm 2010), Malaysia (5,1%), Thái Lan (3,8%), Hàn Quốc (5,2% năm 2011), Hồng Kông (3,5%).
Tính theo GDP, chi tiêu từ nguồn lực nhà nước cho giáo dục, đào tạo ở Việt Nam khá cao so với các nước, khu vực được đem ra so sánh. Số liệu hình 2 cho thấy chi tiêu công cho giáo dục, đào tạo/GDP của Việt Nam năm 2012 chiếm 6,3%, cao hơn rất nhiều so với các nước có cùng trình độ phát triển.
Ngoài ưu tiên chi tiêu ngân sách cho giáo dục, Chính phủ còn có nhiều chính sách hỗ trợ khác như thực hiện chính sách miễn, giảm học phí và hỗ trợ chi phí cho học sinh, sinh viên nghèo; kinh phí hỗ trợ phát triển giáo dục mầm non; kinh phí hỗ trợ phát triển giáo dục đối với con em đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa; kinh phí hỗ trợ học bổng và hỗ trợ phương tiện, đồ dùng học tập thực hiện chính sách giáo dục đối với người khuyết tật…
Ngoài ra, Chương trình Tín dụng ưu đãi dành sinh viên thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội đã tạo điều kiện cho hàng triệu học sinh, sinh viên thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập và lập nghiệp. Đến năm 2016, tổng doanh số cho vay của Chương trình đạt trên 56 nghìn tỷ đồng, tổng dư nợ gần 21 nghìn tỷ đồng với trên 3,3 triệu lượt học sinh, sinh viên được vay vốn học tập và lập nghiệp.
Hạn mức cho vay đối với học sinh, sinh viên được điều chỉnh tăng qua từng năm, từ mức vay 8 triệu đồng/sinh viên/năm năm 2008 lên mức 11 triệu đồng/năm. Đồng thời, mức lãi suất cũng được điều chỉnh từ 0,65%/tháng còn 0,55%/tháng, đáp ứng nhu cầu thực tế của học sinh, sinh viên và điều kiện kinh tế xã hội hiện nay.
Những tồn tại, hạn chế của chính sách đầu tư cho giáo dục đào tạo
Bên cạnh những thành công đã đạt được, chính sách đầu tư cho giáo dục, đào tạo của Việt Nam còn có những hạn chế, bất cập như:
Một là, cơ cấu đầu tư cho giáo dục đào tạo chưa hợp lý.
Cơ cấu đầu tư cho giáo dục, đào tạo ở nước ta chưa hợp lý thể hiện ở cơ cấu chi cho các nhiệm vụ, giữa các bậc học, nội dung chi trong từng bậc học và ngành nghề trong từng bậc học.
Bảng 1 cho thấy, tỷ lệ chi thường xuyên chiếm trên dưới 82% tổng chi NSNN cho giáo dục, đào tạo. Trong chi thường xuyên, chi cho con người chiếm 80% tổng chi, còn lại chi cho hoạt động dạy học, nâng cao chất lượng giáo trình. Chi đầu tư xây dựng cơ bản còn thấp so với nhu cầu nâng cao cơ sở trường học, mua sắm thiết bị dạy học, phòng thí nghiệm...
Cơ sở vật chất, thiết bị của nhiều cơ sở dạy nghề thiếu về số lượng và lạc hậu về chất lượng. Vẫn còn khoảng 31% số phòng học và 50,7% số xưởng thực hành là nhà tạm; chỉ khoảng 20% số trường được trang bị một số thiết bị ở mức độ công nghệ khá, còn lại mới chỉ được trang bị cho thực hành, về cơ bản chưa hình thành được các trường dạy nghề chất lượng cao....
Chất lượng đội ngũ giáo viên chưa được quan tâm đúng mức. Cơ cấu chi chưa hợp lý dẫn đến chất lượng giáo dục thấp. Học sinh tốt nghiệp còn hạn chế về tư duy sáng tạo, kỹ năng thực hành, năng lực vận dụng những kiến thực được học vào giải quyết các vấn đề thực tiễn, thiếu kiến thức và kỹ năng cần thiết cho hội nhập, khả năng thích ứng với công việc, ý thức tổ chức kỷ luật còn hạn chế.
Hai là, trong cơ cấu chi tiêu cho giáo dục, đào tạo có sự không tương xứng trongđầu tư cho các bậc học.
Trên thực tế NSNN dành cho giáo dục đại học còn hạn chế với 12% tổng ngân sách dành cho giáo dục, chỉ bằng gần một nửa so với kinh phí dành cho bậc tiểu học. Phân loại theo cấp học, chi tiêu cho giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông chiếm xấp xỉ 70% tổng chi cho giáo dục. Trong đó, chi cho giáo dục tiểu học chiếm gần 30% tổng chi NSNN cho các cấp học. So với thế giới, tỷ lệ chi tiêu công cho giáo dục trên mỗi học sinh tiểu học ở Việt Nam năm 2010 đạt mức hơn 25%, cao hơn so với Hoa Kỳ là 22%, Singapore chỉ 11%.
Chi tiêu dành cho dạy nghề, trung cấp, cao đẳng, đại học, giáo dục thường xuyên chiếm 30% tổng chi cho giáo dục. Trong đó, chi cho đào tạo cao đẳng và đại học chiếm trên 12%. Năm 2010, tỷ lệ chi ngân sách trên mỗi sinh viên đại học ở Việt Nam bằng xấp xỉ 40% thu nhập bình quân đầu người, trong khi ở Hoa Kỳ, tỷ lệ này là 21%, Singapore là 28%, Hàn Quốc là 13%, Nhật Bản là 25%. Điều này cho thấy, mức ưu tiên mà Chính phủ Việt Nam dành cho giáo dục khá lớn so với khả năng tài chính của quốc gia.
Cơ cấu đầu tư cho giáo dục, đào tạo chưa hợp lý còn thể hiện ở cơ cấu đào tạo không cân đối. Theo số liệu của Bộ Giáo dục và Đào tạo, ngành kinh tế, luật chiếm tới 43% số sinh viên, trong khi đó khoa học cơ bản và khoa học công nghệ mỗi ngành chỉ chiếm tỷ lệ 15%; các ngành nông, lâm, ngư nghiệp – lĩnh vực được coi là chủ lực của kinh tế Việt Nam chỉ chiếm 3,1% số sinh viên.
Tình trạng mất cân đối về cơ cấu giáo dục đại học và chi tiêu cho giáo dục đại học dẫn đến thiếu lực lượng lao động chất lượng cao trong hầu hết các ngành công nghiệp, công nghệ thông tin, các ngành khoa học công nghệ - điều kiện quan trọng quyết định phát triển nhanh và bền vững ở Việt Nam.
Ba là, định mức phân bổ ngân sách cho dạy nghề hiện nay quá thấp, đào tạo chưa thật gắn kết với mục tiêu, không dựa vào căn cứ hiệu quả đầu ra.
Mức ngân sách bố trí cho dạy nghề chỉ xấp xỉ 10% tổng chi NSNN cho các cấp học. Định mức chi giáo viên/học sinh, định mức chi thực hành chưa sát thực tế. Theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định, mức chi cho mỗi học sinh học nghề trong một năm chỉ là 4,3 triệu đồng, tuy nhiên, không phải tất cả học sinh đều được hưởng như vậy.
Trên thực tế, chỉ có khoảng từ 55 - 60% học sinh đang được tham gia trong các cơ sở đào tạo nghề hiện nay được thụ hưởng mức quy định nêu trên. Số tham gia hệ đào tạo nghề ngắn hạn thì hoàn toàn không được ngân sách đầu tư.
Bất cập này dẫn đến hệ thống trường nghề ít được nâng cấp đầu tư, chất lượng đào tạo nghề thấp, không đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp (DN). Không chỉ bất cập về định mức và cơ cấu phân bổ, hiệu quả sử dụng vốn đầu tư vào hoạt động dạy nghề còn rất thấp thể hiện ở cơ cấu đào tạo chưa xuất phát từ yêu cầu thực tế của DN và nền kinh tế.
Bên cạnh đó, việc đầu tư đào tạo nghề bất cập ngay từ dự toán và tầm nhìn ngắn hạn, phân bố kinh phí dàn trải. Bất cập này dẫn đến nguồn nhân lực ở nước ta ở trong tình trạng thừa lao động chưa được đào tạo nhưng lại thiếu lao động có kỹ năng. Nhiều DN gặp khó khăn do thiếu nguồn tuyển nhân lực.
Hiện tượng thiếu nhân lực có tay nghề diễn ra ở hầu hết các khu công nghiệp và khu chế xuất, xu hướng nhập khẩu lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam có chiều hướng tăng lên. Phần lớn các DN phải đào tạo bổ sung và đào tạo lại tay nghề cho người lao động, đặc biệt là trong những ngành sử dụng công nghệ hiện đại, phức tạp, dẫn đến gia tăng chi phí của DN.
Đề xuất một số giải pháp
Đầu tư cho giáo dục, đào tạo được coi là yếu tố then chốt thúc đẩy phát triển kinh tế nhanh, bền vững. Vì vậy, đầu tư của Nhà nước cho giáo dục và đào tạo cần chú ý giải quyết một số vấn đề sau:
Một là, điều chỉnh cơ cấu đầu tư cho giáo dục, đào tạo theo hướng tăng chi đầu tư phát triển, giảm chi thường xuyên. Trước hết, đầu tư mua giáo trình các môn học khoa học tự nhiên, công nghệ của các cấp học từ các nước có nền giáo dục hiện đại. Đầu tư có trọng tâm, ưu tiên, đặc biệt cho những ngành đào tạo khoa học cơ bản, có nhu cầu xã hội hạn chế, khả năng xã hội hóa không cao.
Hai là, điều chỉnh cơ cấu chi giữa các bậc học, ngành học. Cần ưu tiên phát triển hài hòa tỷ lệ giữa các ngành đào tạo, thực hiện tiêu chuẩn hóa và hiện đại hóa giáo dục. Nhà nước cần dự báo, từ đó xây dựng, thực hiện kế hoạch phát triển nguồn nhân lực theo ngành nghề. Có thể coi đây là hoạt động cơ bản để xác định nhu cầu và bố trí vốn đầu tư cho giáo dục, đào tạo.
Trước hết, đầu tư nguồn lực cho phát triển nguồn nhân lực cần tập trung vào một số nghề đang có nhu cầu cao về lao động như dệt may, da giày, vận hành máy và thiết bị, cơ khí, lắp ráp máy móc, xây dựng, chế biến đồ gỗ, sửa chữa, lắp ráp thiết bị điện, điện tử, thủ công mỹ nghệ...
Đồng thời, cần chú ý đầu tư có trọng điểm, phát triển đào tạo một số nghề khác, nhu cầu hiện tại chưa cao nhưng lại đang rất thiếu lao động trình độ cao và nhu cầu trong tương lai chắc chắn tăng thêm như lập trình viên, điện, điện tử, cơ - điện tử, chế biến nông sản và các sản phẩm công nghiệp...
Khối giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp (đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp và dạy nghề) là cấp học đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động.
Theo đó, cần thực hiện quyết liệt các giải pháp về cơ cấu lại chi NSNN đối với khối giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp theo hướng: Không bao cấp dàn trải đối với tất cả các cơ sở đào tạo; Thực hiện nguyên tắc từng bước tăng thu từ người học để bù đắp chi phí đào tạo theo lộ trình điều chỉnh giá, phí quy định tại Nghị định 16/2015/NĐ-CP của Chính phủ.
Nhà nước hỗ trợ trực tiếp học phí đối với một số đối tượng thuộc diện chính sách; cho vay tín dụng ưu đãi đối với sinh viên thuộc gia đình nghèo, cận nghèo. Phương thức phân bổ NSNN cho các trường đại học chuyển sang cơ chế đặt hàng. Trường nào tốt thì Nhà nước sẽ đặt hàng, trường nào làm không tốt NSNN sẽ không cấp kinh phí.
Ba là, tăng chi tiêu cho đào tạo nghề. Cơ chế tài chính cho các cơ sở giáo dục, đào tạo cần được đổi mới theo hướng tăng quyền tự chủ. NSNN đầu tư theo thực tế đối tượng thụ hưởng chính sách, không nên tính bình quân một mức cho tất cả các trường, ngành học và các nghề.
Ngoài ra, để giảm bớt áp lực chi tiêu từ NSNN, huy động được các nguồn lực phát triển và nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo, Nhà nước cần đẩy mạnh xã hội hoá lĩnh vực giáo dục, đào tạo, đặc biệt trong đào tạo đại học thuộc các ngành kỹ thuật – công nghệ và dạy nghề.
Trên cơ sở đảm bảo tính thống nhất trong những nguyên tắc lớn và sự quản lý thống nhất của Nhà nước đối với giáo dục, đào tạo, Nhà nước cần đơn giản hóa những quy định về thủ tục và điều kiện tham gia cung cấp dịch vụ giáo dục, đào tạo, đồng thời khuyến khích tính cạnh tranh trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo.
Tài liệu tham khảo
1. Đảng Cộng sản Việt Nam (1993), Nghị quyết Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương (khóa VII) về tiếp tục đổi mới sự nghiệp giáo dục và đào tạo;
2. Đảng Cộng sản Việt Nam (2013), Nghị quyết TW 8, (khoá XI) về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo;
3. Đinh Văn Ân, Hoàng Thu Hoà (2008), Giáo dục và đào tạo chìa khoá của sự phát triển, NXB Tài chính;
4. Bộ Tài chính, Báo cáo quyết toán NSNN các năm 2008, 2009, 2010, 2011, 2012, 2015;
5. Bộ Giáo dục và Đào tạo (2014), Báo cáo quốc gia giáo dục cho mọi người 2015 của Việt Nam, Hà Nội;
7. The World Bank (2016), World Development Indicator.