Tư duy đổi mới, cách làm mới

GS.,TSKH. Nguyễn Quang Thái

(Tài chính) Nghị quyết 19/NQ-CP ngày 18/3/2014 mới ban hành của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia đã được đón nhận tích cực, được đánh giá cao.

 Tư duy đổi mới, cách làm mới
Nghị quyết 19/NQ-CP ngày 18/3/2014 mới ban hành của Chính phủ đã được đón nhận tích cực, được đánh giá cao. Nguồn: internet
Nghị quyết 19/NQ-CP đặc biệt cần thiết để góp phần cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, làm cho các doanh nghiệp có khả năng đóng góp lớn hơn cho sự phát triển đất nước. Trên cơ sở đề xuất từ nhiều cơ quan, ban, ngành, ý kiến của các chuyên gia trong và ngoài Hội đồng Quốc gia về phát triển bền vững và nâng cao năng lực canh tranh, Chính phủ đã có các thảo luận trong 2 phiên họp đầu năm 2014 để góp phần hoàn thiện Dự thảo Nghị quyết được Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Chủ tịch Hội đồng trình tại phiên họp toàn thể Chính Phủ.

Do Nghị quyết đã được chuẩn bị khá kỹ lưỡng từ nhiều phía nên sau khi ban hành, bản Nghị quyết đã được đón nhận để thực hiện không chỉ của các ban, ngành tham gia soạn thảo, mà điều đáng mừng là có sự hưởng ứng của đông đảo doanh nghiệp và nhà nghiên cứu do Nghị quyết có tư duy đổi mới, cách làm phù hợp.

Trước hết, người viết bài này hoan nghênh đánh giá thẳng thắn thực trạng thấp kém hiện nay của năng lực cạnh tranh quốc gia và những bất cập về môi trường kinh doanh nói chung. Ngay từ những dòng đầu tiên của Nghị quyết đã nêu rõ bên cạnh các thành tựu đáng ghi nhận của cả nước trong đổi mới: “… Nền kinh tế đang bộc lộ nhiều hạn chế, yếu kém và đứng trước nhiều khó khăn, thách thức; năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh còn thấp”.

Đây là nhận định rất thẳng thắn, tuy đã được nêu ra dưới những hình thức khác nhau trong văn kiện của Đại hội Đảng lần thứ XI và trong nhiều văn bản tiếp theo của Đảng và Nhà nước, nhưng trong Nghị quyết này đã nhấn mạnh cụ thể một thực trạng: Năng lực cạnh tranh quốc gia của nước ta đang bị các tổ chức quốc tế (như Ngân hàng Thế giới, Diễn đàn Kinh tế Thế giới…) đánh giá thấp, mà nguyên nhân chủ yếu là còn yếu kém trong việc xây dựng và thực hiện 4 trụ cột quan trọng hàng đầu có tính chất nền tảng của chỉ số năng lực cạnh tranh quốc gia, nhất là với các nước có trình độ phát triển thấp như nước ta (đó là, về ổn định kinh tế vĩ mô, về thể chế kinh tế, về hạ tầng kinh tế và về nguồn nhân lực chất lượng cao) và các vấn đề cụ thể hơn nhằm tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp.

Chính vì thế, người viết đồng tình với nhận định chính xác của Nghị quyết: “Năng lực cạnh tranh quốc gia của Việt Nam được các tổ chức quốc tế đánh giá và xếp hạng ở mức thấp hơn so với nhiều nước trong khu vực, ở mức trung bình thấp so với các nước ASEAN, chậm được cải thiện, nhất là về thể chế, cơ sở hạ tầng và môi trường kinh doanh…”. Hơn thế, Nghị quyết đã chỉ rõ các yếu kém, vướng mắc “liên quan tới thành lập doanh nghiệp, bảo vệ quyền lợi nhà đầu tư, quyền sở hữu tài sản, quyền sở hữu trí tuệ, hiệu quả hoạt động của bộ máy Nhà nước, nộp thuế, tiếp cận điện năng và xử lý doanh nghiệp mất khả năng thanh toán...”.

Người viết cũng đánh giá tính thẳng thắn trong nhận định nguyên nhân chủ quan là quan trọng nhất, để từ đây có giải pháp đúng đắn và mạnh mẽ nhằm cải thiện tình hình năng lực cạnh tranh: “Trong các nguyên nhân chủ quan có nguyên nhân nhiều Bộ, cơ quan, địa phương, doanh nghiệp chưa nhận thức đầy đủ về vai trò, ý nghĩa của việc nâng cao năng lực cạnh tranh trong điều kiện hội nhập quốc tế sâu rộng và cạnh tranh ngày càng gay gắt. Thiếu chiến lược, chương trình quốc gia và cách tiếp cận hệ thống để nâng cao năng lực cạnh tranh. Việc phát huy vai trò của các tổ chức chính trị-xã hội, các hiệp hội ngành nghề, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân trong nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia chưa đáp ứng yêu cầu”.

Điều “khác biệt” đáng hoan nghênh so với các Nghị quyết trước đây của Chính phủ là sau khi nêu lên các phương hướng chung, Nghị quyết đã không nêu ra mấy chục chỉ tiêu hoặc các mục tiêu rất khái quát như tăng bao nhiêu phần trăm GDP, giảm bao nhiêu phần trăm lạm phát… nhưng mỗi ngành khó hiểu rõ đâu là nhiệm vụ cụ thể của ngành mình, cơ quan mình để thực hiện Nghị quyết. Cách làm được đánh giá phù hợp của Nghị quyết lần này chính là đã nêu rất cụ thể và phần nào có tính chất “áp đặt” các chỉ tiêu mục tiêu cả định tính và định lượng mà từng ngành, từng đơn vị cần phấn đấu.

Từ việc đạt tới sự cải thiện môi trường đầu tư và kinh doanh như vậy, các doanh nghiệp và các ngành kinh tế của nước ta có thể phát triển mạnh hơn, và làm cho đất nước ngày càng khởi sắc. Kết quả là, năng lực cạnh tranh quốc gia có thể từng bước được cải thiện với sự nỗ lực chủ quan của cả nước (nhân tố bên trong) xét trong mối tương quan so sánh với các nước láng giềng và với cả thế giới (để có đánh giá về chỉ số cạnh tranh quốc gia).

Như vậy, Nghị quyết đã tác động vào đúng các rào cản đang kìm hãm sự phát triển, để tạo nên sự năng động mới của đất nước.

Chẳng hạn, đã nêu ra hàng loạt mục tiêu cụ thể về cải cách thủ tục hành chính, đã nêu mục tiêu đạt mức trung bình của các nước ASEAN vào năm 2015, trong đó có các tiêu chí cụ thể như về đơn giản hóa và rút ngắn thời gian thành lập doanh nghiệp xuống 6 ngày; cải cách quy trình hồ sơ và thủ tục nộp thuế đạt mức trung bình của nhóm nước ASEAN-6 (mức trung bình của nhóm nước ASEAN-6 là 171 giờ/năm); rút thời gian tiếp cận điện năng đối với các doanh nghiệp, dự án đầu tư xuống còn tối đa là 70 ngày (mức trung bình của nhóm nước ASEAN-6 là 50,3 ngày); hoàn thiện quy định về quyền sở hữu và bảo vệ nhà đầu tư vào các Luật theo hướng tăng cường bảo vệ quyền sở hữu, nhà đầu tư, cổ đông thiểu số theo chuẩn mực quốc tế;

Tạo thuận lợi, bình đẳng, công khai, minh bạch trong tiếp cận tín dụng theo cơ chế thị trường giữa mọi thành phần kinh tế; đơn giản hóa quy trình, hồ sơ và thủ tục xuất nhập khẩu, thủ tục hải quan và giảm thời gian thông quan hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu cho doanh nghiệp, phấn đấu thời gian xuất khẩu và thời gian nhập khẩu bằng mức trung bình của các nước ASEAN-6 (mức trung bình thời gian xuất khẩu của nhóm nước ASEAN-6 là 14 ngày và thời gian nhập khẩu là 13 ngày); rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục phá sản doanh nghiệp xuống còn tối đa 30 tháng (mà lâu nay còn chưa thực hiện nhiều); công khai hóa, minh bạch hóa tình hình hoạt động, tài chính doanh nghiệp theo quy định của pháp luật và phù hợp với thông lệ quốc tế.

Đồng thời , Nghị quyết cũng nêu ra các giải pháp cụ thể về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, với 19 đầu việc lớn mà các bộ ngành, các địa phương cần phấn đấu.

Nghị quyết đã được ban hành và nay là lúc toàn thể hệ thống chính trị và bộ máy quản lý cùng chung lòng dốc sức thực hiện, tạo điều kiện tốt hơn cho các doanh nghiệp và người dân. Hy vọng Nghị quyết này sẽ mang đến một sự đổi mới mạnh mẽ và đi vào chiều sâu để có được những điều kiện tiền đề quan trọng cho đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Chính trong lúc kinh tế đang khó khăn và đang có dấu hiệu khởi sắc, thì đây cũng là cơ hội để thực hiện các cải cách rất cụ thể, đạt tới cải cách toàn diện của quốc gia trong thời kỳ cả nước phấn đấu hoàn thành các mục tiêu của Chiến lược 2020.