Từ năm 2020 Bảo hiểm xã hội bắt đầu chi trả dịch vụ an sinh xã hội qua ngân hàng


Ngày 23/05/2019, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam đã ban hành Kế hoạch thực hiện đẩy mạnh chi trả dịch vụ an sinh xã hội qua phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Theo kế hoạch của Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, từ năm 2020 phấn đấu 20% số tiền chi trả an sinh xã hội tại địa bàn thành phố, quận, thị xã thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương được thực hiện qua ngân hàng.

Mục tiêu đến năm 2021, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam đạt 50% số người nhận lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, mai táng phí, tử tuất... sử dụng phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt ở khu vực đô thị.

Để đáp ứng được mục tiêu, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đề xuất giải pháp phối hợp với các ngân hàng, đơn vị cung ứng dịch vụ công có cơ chế ưu đãi cho người hưởng lương hưu, trợ cấp Bảo hiểm Xã hội, trợ cấp thất nghiệp nhận tiền qua tài khoản cá nhân.

Bên cạnh đó, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam giao cũng chỉ tiêu chi trả an sinh xã hội qua tài khoản cá nhân cho bảo hiểm xã hội tỉnh, thành phố hàng năm.

Đồng thời, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam đề xuất với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội trình Chính phủ ban hành quy định bắt buộc đối với người hưởng mới vùng đô thị, nhận tiền qua tài khoản cá nhân. Đối với người hưởng vùng đô thị hiện đang nhận các chế độ bằng tiền mặt thì đến năm 2021 nhận qua tài khoản cá nhân phù hợp.

Kế hoạch đẩy mạnh chi trả dịch vụ an sinh xã hội qua phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt thực hiện theo Quyết định số 241/QĐ-TTG của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt đề án đẩy mạnh thanh toán qua ngân hàng đối với các dịch vụ công; Nghị quyết số 2/NQ-CP của Chính phủ về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2019, định hướng đến năm 2021.