Thanh tra, kiểm tra chống thất thu thuế:

Tuân thủ quy trình nghiêm ngặt

Theo thoibaotaichinhvietnam.vn

Để tăng cường hiệu quả công tác quản lý thuế, nâng cao năng lực của cơ quan thuế trong việc phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời hành vi gian lận, trốn thuế, công tác thanh tra, kiểm tra thuế được thực hiện theo quy trình khá chặt chẽ.

Cán bộ Chi cục Thuế TP. Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) kiểm tra hoá đơn trước khi bán cho NNT. Ảnh: NM
Cán bộ Chi cục Thuế TP. Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) kiểm tra hoá đơn trước khi bán cho NNT. Ảnh: NM

Do đó, không có chuyện buông lỏng quản lý công tác thanh tra, kiểm tra thuế hoặc chỉ mang tính hình thức, đối phó như một số ý kiến dư luận.

Quy trình thống nhất

Nói về quy trình kiểm tra thuế, ông Đặng Duy Khanh - Phó Vụ trưởng Vụ Thanh tra Tổng cục Thuế - (TCT) cho biết, để đảm bảo tính toàn diện, thống nhất, hàng năm cơ quan thuế cấp trên giao nhiệm vụ kiểm tra thuế cho cơ quan thuế cấp dưới thực hiện theo chỉ tiêu cụ thể đối với người nộp thuế (NNT). Số lượng các cuộc kiểm tra thuế theo tỷ lệ trên tổng số NNT đang hoạt động mà cơ quan thuế đang quản lý trong vòng 5 năm. Các trường hợp kiểm tra thuế mà cơ quan thuế có thể áp dụng như: Kiểm tra hồ sơ khai thuế, kiểm tra theo dấu hiệu vi phạm, kiểm tra hoàn thuế, kiểm tra theo kế hoạch, chuyên đề...

Theo quy trình kiểm tra thuế đã được TCT ban hành, đối với trường hợp kiểm tra theo kế hoạch, kiểm tra theo chuyên đề, kiểm tra theo dấu hiệu vi phạm, cơ quan thuế thực hiện kiểm tra tại trụ sở NNT không quá 1 lần trong một năm. Đối với trường hợp kiểm tra trước hoàn thuế sau, kiểm tra sau hoàn thuế, kiểm tra theo kế hoạch và kiểm tra theo chuyên đề, trước khi kiểm tra tại trụ sở NNT, cơ quan thuế có thể yêu cầu NNT giải trình, cung cấp thông tin tài liệu như trường hợp kiểm tra hồ sơ khai thuế tại trụ sở cơ quan thuế (nếu cần thiết).

Cơ quan thuế cũng có thể áp dụng phần mềm ứng dụng rủi ro để lập kế hoạch kiểm tra và chuyên đề kiểm tra. Số lượng NNT đưa vào kế hoạch, chuyên đề hàng năm phải đạt tối thiểu 60% số NNT được giao nhiệm vụ kiểm tra hàng năm. Việc lập kế hoạch kiểm tra và chuyên đề kiểm tra phải giao cho một bộ phận chịu trách nhiệm làm đầu mối để tổng hợp, báo cáo và trình thủ trưởng cơ quan thuế phê duyệt kế hoạch kiểm tra và chuyên đề kiểm tra. Căn cứ yêu cầu nhiệm vụ công tác của ngành Thuế, TCT ban hành văn bản hướng dẫn xây dựng kế hoạch kiểm tra trước ngày 15/10 hàng năm; cục thuế ban hành văn bản hướng dẫn xây dựng kế hoạch kiểm tra trước ngày 1/11 hàng năm.

“Việc lập kế hoạch kiểm tra phải theo nguyên tắc phân tích đánh giá rủi ro, trên cơ sở ứng dụng phần mềm quản lý rủi ro được TCT áp dụng thống nhất. Đồng thời căn cứ thực tiễn quản lý thuế tại địa phương, có thể lựa chọn NNT có rủi ro để đưa vào kế hoạch kiểm tra thuế”, ông Khanh thông tin.

Về quy trình cũng như kế hoạch thanh tra thuế, đại diện TCT cho biết, căn cứ vào yêu cầu công tác quản lý thuế, văn bản hướng dẫn lập kế hoạch thanh tra năm của Bộ Tài chính, Thanh tra TCT lập danh mục này có mức độ rủi ro từ cao xuống thấp để đưa vào kế hoạch thanh tra hàng năm của TCT, trình Tổng cục trưởng TCT trước ngày 20/10 hàng năm. Tổng cục trưởng TCT duyệt danh mục này đưa vào kế hoạch thanh tra năm của TCT, gửi đến Thanh tra Bộ Tài chính chậm nhất vào ngày 1/11 hàng năm.

Căn cứ quyết định của Bộ trưởng Bộ Tài chính về việc phê duyệt kế hoạch thanh tra năm, Thanh tra TCT trình Tổng cục trưởng TCT ra thông báo kế hoạch thanh tra năm của TCT cho các cục thuế quản lý trực tiếp đối tượng thanh tra biết và phối hợp thực hiện.

Đại diện TCT cũng cho biết, ngoài thanh tra theo kế hoạch, còn một số trường hợp thanh tra đột xuất khi phát hiện cơ quan, tổ chức, cá nhân có dấu hiệu vi phạm pháp luật về thuế; giải quyết khiếu nại, tố cáo về thuế; chia tách, sáp nhập, hợp nhất, giải thể, phá sản; thanh tra NNT theo yêu cầu của thủ trưởng cơ quan thuế các cấp, hoặc Bộ trưởng Bộ Tài chính.

Tập trung vào các lĩnh vực, doanh nghiệp có rủi ro 

Để công tác thanh tra, kiểm tra đạt kết quả cao, đúng đối tượng, ngành Thuế tập trung vào các ngành nghề, các doanh nghiệp (DN) có rủi ro cao về thuế; các DN hoàn thuế lớn; thanh tra, kiểm tra đối với những DN có giao dịch đáng ngờ; những DN liên kết có dấu hiệu chuyển giá. Đại diện TCT cũng cho biết, hiện nay ngành Thuế đang xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu để tăng cường việc kiểm tra rà soát, phân loại những ngành nghề có rủi ro cao, nhằm kịp thời đưa ra các biện pháp đấu tranh với các hành vi gian lận.
Ngành Thuế chú trọng công tác xây dựng cơ sở dữ liệu trong thanh tra, kiểm tra, phân công nhập dữ liệu vào phần mềm ứng dụng TTR đến từng phòng, từng cán bộ và phải có đầu mối theo dõi, đôn đốc, kiểm tra đảm bảo việc nhập dữ liệu thanh tra, kiểm tra chính xác, kịp thời để có đủ dữ liệu phục vụ công tác báo cáo thường xuyên, định kỳ, đột xuất, công tác phân tích rủi ro trong thanh tra, kiểm tra.

“Việc triển khai công tác thanh tra, kiểm tra đảm bảo đúng trình tự, thủ tục theo quy định, quy trình thanh tra, kiểm tra thuế. Có sự kiểm soát việc tuân thủ đối với hoạt động công vụ của các đoàn thanh tra, đội thanh tra và cán bộ thực thi nhiệm vụ thanh tra, kiểm tra DN để đề phòng, ngăn chặn, xử lý kịp thời vi phạm. Có thể nói quy trình thanh tra, kiểm tra thuế hiện nay là khá chặt chẽ và nghiêm ngặt, vì thế không có chuyện buông lỏng dẫn đến thất thu thuế”, ông Khanh nói.

Đại diện TCT cũng cho biết, ngoài quy trình chặt chẽ, cơ quan thuế còn tổ chức phối hợp chặt chẽ và có hiệu quả với cơ quan công an để đấu tranh chống các hành vi trốn thuế, gian lận thuế, tội phạm về thuế. Cơ quan thuế tham mưu cấp ủy, chính quyền cùng cấp chỉ đạo cơ quan công an và các cơ quan ban ngành triển khai thực hiện quy chế phối hợp để đấu tranh chống các hành vi trốn thuế, gian lận thuế, tội phạm về thuế, do đó công tác chống thất thu thuế ngày càng phát huy hiệu quả.