Từng bước mở lại giao thương tại “vùng xanh”
Việc xây dựng và tiếp tục mở rộng các “vùng xanh”, cho phép nối lại các hoạt động giao thương trên một số địa bàn đã và đang được các địa phương thực hiện trên tinh thần bảo đảm an toàn dịch bệnh, phần nào đáp lại kỳ vọng của người dân, góp phần túc đẩy kinh tế phát triển.
Bảo đảm phòng, chống dịch bệnh
Theo bà Phan Thị Khánh Duyên - Phó Giám đốc Sở Công thương tỉnh Bình Dương, hiện ngành Công Thương tỉnh Bình Dương tiếp tục theo dõi tình hình dự trữ hàng hóa thiết yếu của các doanh nghiệp tham gia bình ổn thị trường, bảo đảm cung ứng hàng hóa thiết yếu cho người dân.
Hiện Sở Công thương đang xây dựng kế hoạch “vùng xanh” thống nhất tại các chợ truyền thống, siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi, bảo đảm an toàn cho doanh nghiệp bán hàng lưu động, giao hàng vận chuyển hàng hóa bằng xe 2 bánh trên địa bàn tỉnh.
Đối với các hộ kinh doanh, cửa hàng buôn bán thực phẩm, dịch vụ ăn uống, chợ truyền thống, buôn bán hàng hóa phục vụ nhu cầu thiết yếu cho người dân, UBND tỉnh giao các huyện, thị, thành phố căn cứ quy định và điều kiện thực tế để quyết định việc mở cửa trở lại phục vụ người dân, bảo đảm các yêu cầu phòng, chống dịch bệnh. Tuy nhiên, các địa phương đang hết sức cẩn trọng trong việc mở lại giao thương.
TP. Thủ Dầu Một cho phép các chợ truyền thống, trung tâm thương mại được hoạt động trở lại với điều kiện phải xây dựng phương án kinh doanh, bảo đảm phòng, chống dịch bệnh và được cơ quan thẩm quyền phê duyệt. Các cơ sở kinh doanh ăn uống được phép hoạt động trở lại nhưng chỉ cho bán mang về.
Tại huyện Bàu Bàng, ông Võ Thành Giàu - Chủ tịch UBND huyện, nhận định việc trở thành “vùng xanh” sẽ tạo điều kiện cho người dân mua sắm các mặt hàng thiết yếu được dễ dàng hơn. Tuy nhiên, huyện chủ trương người dân chỉ được ra ngoài trong trường hợp thật sự cần thiết như mua lương thực, thực phẩm, thuốc men, cấp cứu… nhưng phải bảo đảm công tác phòng chống dịch bệnh theo quy định. Tiểu thương tại các chợ truyền thống trên địa bàn chỉ được buôn bán các mặt hàng thiết yếu. UBND huyện cũng giao các địa phương phát phiếu đi chợ theo ngày chẵn - ngày lẻ để tránh tụ tập đông người.
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Thành Úy - Phó Chủ tịch UBND TP.Thuận An, cho biết Thành phố vừa có quyết định cho 6 phường, xã thuộc địa bàn ven sông Sài Gòn trở về trạng thái bình thường mới cùng với việc tính toán những phương án mở lại hoạt động thương mại - dịch vụ phù hợp. Trước hết thành phố sẽ cho nối lại các chuỗi cung ứng có người giao hàng đến tận nhà, kiểm tra công tác phòng, chống dịch bệnh tại các chợ truyền thống theo quy định hiện hành, bảo đảm việc tạo thuận lợi trong sinh hoạt và đời sống của người dân.
Nỗ lực kiểm soát thị trường
Thời gian qua, ngành Công Thương đã nỗ lực theo dõi tình hình dự trữ hàng hóa thiết yếu, xác nhận doanh nghiệp cung ứng, kinh doanh, vận chuyển, phân phối hàng hóa thiết yếu trên địa bàn tỉnh, hỗ trợ bán hàng lưu động... Tất cả những nỗ lực trên nhằm kéo giảm tình trạng khan hiếm hàng hóa cục bộ, tạo luồng xanh lưu thông hàng hóa thuận lợi.
Ông Võ Nhất Vũ - Giám đốc Siêu thị Big C Bình Dương, cho biết trong dịch bệnh, một số mặt hàng lương thực có tăng giá do nhu cầu mua lương thực dự trữ của người dân tăng cao, trong khi nguồn cung giảm vì việc vận chuyển gặp khó khăn, nhiều cửa hàng tạm thời đóng cửa. Tuy nhiên, Big C cũng nỗ lực làm việc với các nhà cung ứng để giảm thiểu giá cả cung ứng cho người dân với đầy đủ các mặt hàng thiết yếu.
Theo ông Nguyễn Phương Linh - Chủ tịch UBND huyện Dầu Tiếng, trong dịch bệnh giá cả hàng hóa các mặt hàng rau củ quả, thực phẩm tươi sống có sự tăng nhẹ nhưng không có hiện tượng đầu cơ găm hàng, khan hiếm xảy ra trên địa bàn. Huyện đã tạo điều kiện ưu tiên cho phương tiện bán hàng hóa lưu động, cung ứng hàng hóa thiết yếu, bình ổn thị trường.
Thời gian tới, UBND huyện chỉ đạo các ngành thường xuyên kiểm soát ngăn chặn, phát hiện và xử lý kịp thời các vụ việc vận chuyển, kinh doanh hàng cấm, hàng nhập lậu. Bảo đảm hàng hóa thiết yếu phục vụ nhu cầu của người dân.
Do ảnh hưởng của tình hình dịch bệnh, tháng 8/2021, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng toàn tỉnh ước đạt 17.541 tỷ đồng, giảm 2,6% so với tháng trước và giảm 19,2% so với cùng kỳ. Lũy kế 8 tháng năm 2021, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 166.966 tỷ đồng, tăng 2,8% so với cùng kỳ. Trong đó, chỉ số giá tiêu dùng bình quân 8 tháng tăng 3,1% so với cùng kỳ.