Tuổi hoa giáp và hành trình nhìn lại, đi tới
Ra đời cách đây tròn 60 năm, Tạp chí Tài chính là cơ quan báo chí đầu tiên của ngành Tài chính Việt Nam, trưởng thành và phát triển cùng sự nghiệp Tài chính cách mạng vẻ vang của Đất nước, Dân tộc. Tròn một hoa giáp phát triển và dựng xây, Tạp chí Tài chính hôm nay ngày càng khẳng định là tờ Tạp chí chuyên ngành hàng đầu trong lĩnh vực tài chính - kinh tế, cơ quan báo chí đa loại hình có vị thế xứng đáng trong lòng đông đảo độc giả cả nước.
Những năm tháng phát triển và dựng xây
Tròn 60 năm trước đây, khi ngành Tài chính Việt Nam phải cùng lúc đảm đương hai nhiệm vụ quan trọng: Quản lý, phân phối các nguồn lực của Đất nước phục vụ sự nghiệp xây dựng Chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc; chi viện cho đồng bào, chiến sỹ miền Nam chiến đấu, giành độc lập dân tộc, thống nhất Tổ quốc thì có một sự kiện ý nghĩa với lĩnh vực thông tin - tuyên truyền của toàn Ngành là ngày 7/11/1963, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã quyết định thành lập Tập san Tài chính - Kế toán (tiền thân của Tạp chí Tài chính) - Cơ quan thông tin, lý luận nghiệp vụ của Ngành và cũng là cơ quan báo chí đầu tiên trong hệ thống báo chí ngành Tài chính.
Thời kỳ này, nhiệm vụ cách mạng đặt ra sứ mệnh và đòi hỏi mới với ngành Tài chính cũng như người làm tài chính các cấp là hệ thống tài chính Việt Nam phải nhanh chóng tiến lên chuyên nghiệp, chính quy, theo kịp yêu cầu ngày càng lớn của Đất nước.
Người cán bộ tài chính bởi vậy ngoài phẩm chất cách mạng, nỗ lực rèn luyện, vượt khó còn phải tinh thông nghiệp vụ, kịp thời xây dựng, ban hành cũng như quản lý và thực thi chính sách và pháp luật về tài chính hiệu quả, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ ngày càng to lớn của hai miền Nam – Bắc. Đầu những năm 60 của thế kỷ XX, hàng loạt cục, vụ, viện, trường đại học của ngành Tài chính được chính thức thành lập.
Song song với đó, thực tiễn đòi hỏi cần phải có một cơ quan báo chí chuyên ngành về tài chính, kịp thời tuyên truyền đường lối, chính sách, pháp luật, nghiệp vụ về tài chính – kinh tế của Đảng, Nhà nước tới người làm tài chính các cấp; cổ vũ nhân rộng những điển hình tiên tiến trong toàn Ngành là hết sức cần thiết. Đây là cơ sở để ngày 7/11/1963, Tập san Tài chính - Kế toán ra đời như một tất yếu lịch sử.
Để tạo uy tín cho tờ Tập san, Bộ Tài chính đã bổ nhiệm Thứ trưởng Bộ Tài chính lúc bấy giờ là ông Đào Thiện Thi làm chủ nhiệm; ông Vũ Ngọc Khuê là chủ bút (Tổng Biên tập) đầu tiên. Ông Vũ Ngọc Khuê là một trí thức được đào tạo bài bản trước Cách mạng.
Trong kháng chiến chống Pháp, ông từng được Chính phủ bổ nhiệm chức vụ Tổng Giám đốc Nha thuế Trực thu kiêm quyền Tổng thanh tra Tài chính, một nhân sỹ yêu nước có kiến thức uyên bác, sâu rộng, có rất nhiều công lao đặt nền móng cho ngành Tài chính cách mạng thời kỳ đầu mới thành lập.
Bởi vậy, ngay từ những số xuất bản đầu tiên, Tập san Tài chính - Kế toán đã thu hút được một đội ngũ cộng tác viên hùng hậu và rất đỗi chất lượng. Đó là các nhà quản lý tài chính - kinh tế, các chuyên gia, nhà khoa học hàng đầu trong và ngoài Ngành.
Mỗi số Tập san ra đời trở thành nơi tập trung trí tuệ, tâm huyết, kinh nghiệm của giới tinh hoa trí thức về tài chính với các bài viết có hàm lượng chuyên môn cao, phong phú, đa dạng, gắn với các lĩnh vực quản lý tài chính đã ngày càng được chuẩn hóa, nâng tầm.
Bên cạnh đó, tờ Tập san còn trở thành diễn đàn báo chí uy tín, kịp thời chuyển tải hơi thở của đời sống qua các bài chia sẻ kinh nghiệm quản lý; qua chuyên mục “Người tốt việc tốt”.
Với những điển hình tiên tiến kịp thời được Tập san biểu dương, nhiều tấm gương rèn luyện, phấn đấu của người cán bộ tài chính các thời kỳ này được tôn vinh, cổ vũ; nhiều cách làm hay, kinh nghiệm hữu ích kịp thời được lan tỏa, nhân rộng.
Thuận lợi lớn từ sự quan tâm của Lãnh đạo Bộ Tài chính, sự cổ vũ, đón nhận của đông đảo cộng tác viên, bạn đọc trong và ngoài Ngành, nhưng khó khăn thử thách cũng không nhỏ. Tập san Tài chính - Kế toán ra đời không lâu thì miền Bắc bước vào thời kỳ bị không quân Mỹ ném bom, đánh phá ác liệt.
Như bao cơ quan tài chính khác, từ Thủ đô, Tòa soạn Tập san phải sơ tán về các vùng nông thôn, vừa đảm bảo an toàn, vừa giữ vững các kỳ xuất bản. Trong điều kiện gian khó, có thời kỳ đội ngũ cán bộ Tòa soạn phải ngược xuôi khó nhọc lo từng lô giấy in bởi Cảng Hải Phòng bị ngư lôi của giặc Mỹ phong tỏa.
Nguồn giấy đen eo hẹp chỉ đủ phục vụ cho các số xuất bản gồm 16 trang/kỳ phát hành. Có thời điểm, do điều kiện sơ tán, bài vở cộng tác viên gửi nhiều tháng mới tới Tòa soạn nhưng các cán bộ Tập san đều cố gắng để các số xuất bản không bị chậm trễ.
Qua nhiều lần đổi tên gọi, khi là Tập san Tài chính - Kế toán, khi là Nội san Tài chính - Kế toán, Nội san Tài chính... đến Tập san Tài chính, năm 1978, kỷ niệm 15 năm thành lập, ghi nhận những đóng góp hiệu quả của quá trình 15 năm phát triển, dựng xây, Tập san vinh dự được nhận Bằng khen của Chính phủ và năm 1983 vinh dự được Chủ tịch Nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba.
Kết quả này ghi nhận chặng đường 20 năm đóng góp của tờ báo mang tính chất một Tạp chí chuyên ngành uy tín cho sự nghiệp tài chính của Dân tộc, Đất nước.
Đặc biệt, với những đóng góp hết sức hiệu quả đó, để Tập san phát triển xứng tầm của một tạp chí khoa học, nghiên cứu, lý luận nghiệp vụ của ngành Tài chính, tháng 1/1984, Tập san Tài chính chính thức đổi tên thành Tạp chí Tài chính.
Khẳng định vị thế của cơ quan báo chí đa loại hình
Từ năm 1997 đến nay, cùng với sự đổi mới của báo chí cả nước, Tạp chí Tài chính bước vào thời kỳ phát triển vượt bậc với mô hình Tòa soạn hội tụ - Cơ quan báo chí đa loại hình.
Nhận thức rõ yêu cầu của đổi mới, sáng tạo, để xứng đáng là cơ quan báo chí uy tín trong giai đoạn bùng nổ thông tin, các thế hệ cán bộ, phóng viên, biên tập viên thời kỳ này đã trăn trở, vượt lên, nắm bắt kịp thời nhiệm vụ của tờ Tạp chí trong bối cảnh mới.
GS.,TS. Nguyễn Công Nghiệp - nguyên Thứ trưởng thường trực Bộ Tài chính, nguyên Tổng Biên tập Tạp chí Tài chính đã đặt nền móng cho giai đoạn phát triển quan trọng này của Tạp chí khi luôn đề cao sự sáng tạo, mở rộng biên độ thông tin và truyền thông, nâng tầm ấn phẩm, phục vụ đa dạng các đối tượng bạn đọc.
Bên cạnh ấn phẩm truyền thống giàu hàm lượng khoa học – nghiệp vụ về các vấn đề học thuật, nghiên cứu, lý luận của tài chính đất nước, từ vĩ mô đến vi mô, tùy từng thời kỳ, bối cảnh, Tòa soạn cho ra đời những sản phẩm phù hợp, được sự đón nhận và cổ vũ của độc giả cả nước.
Là nhịp cầu quan trọng nối giữa lý luận với thực tiễn, Tạp chí Tài chính thời kỳ này là kênh truyền thông quan trọng để ngành Tài chính Việt Nam thực hiện sứ mệnh cải cách, đổi mới và hội nhập quốc tế toàn diện, khơi thông mọi nguồn lực cho kinh tế Việt Nam phát triển, hướng tới tăng trưởng nhanh, bền vững, xây dựng ước mơ hùng cường.
Với hàng loạt chuyên đề giàu thời sự cũng như hàm lượng tri thức, tờ ấn phẩm truyền thống đã luôn phát huy vị thế hàng đầu trong chuyển tải thông tin, góp phần hoàn thiện chính sách tài chính của nền kinh tế thị trường định hướng XHCN.
Đó là hành trình tuyên truyền từ lúc dự thảo cho đến khi ban hành, đi vào đời sống đối với hàng chục luật và bộ luật lớn do ngành Tài chính xây dựng, trình các cấp có thẩm quyền ban hành.
Có thể kể đến Luật Thuế giá trị gia tăng, Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, Luật Thuế Thu nhập cá nhân, Luật Quản lý thuế, Luật Ngân sách nhà nước, Luật Chứng khoán, Luật Giá, Luật Hải quan, Luật Kinh doanh bảo hiểm, Luật Quản lý nợ công, Luật Quản lý tài sản công, Luật Giá, Luật Dự trữ quốc gia, Luật Quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh… và hàng loạt hệ thống luật chuyên ngành về tài chính phù hợp với quá trình vận động, phát triển của kinh tế đất nước.
Bên cạnh ấn phẩm khoa học – lý luận, các ấn phẩm chuyên đề luôn là thế mạnh nổi bật, làm nên dấu ấn của cơ quan báo chí đa loại hình. Thời kỳ 2006 - 2016 là ấn phẩm chuyên đề Tài chính - Ngày nay rồi Tài chính & Đầu tư, xuất bản định kỳ theo tháng, nội dung thông tin chuyên sâu, đặc sắc về thị trường tài chính, chứng khoán, thị trường bất động sản, tài chính doanh nghiệp...
Với nội dung bám sát diễn biến các hoạt động của thị trường tài chính, cùng phong cách thiết kế hiện đại, trẻ trung, chuyên nghiệp, các ấn phẩm này đã thu hút sự quan tâm của đông đảo các doanh nghiệp, nhà quản lý, nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Những năm gần đây, về mảng khoa học, lý luận, Tạp chí Tài chính đã cho ra đời ấn phẩm tiếng Anh (Review of Finance), được cộng đồng các nhà khoa học trong nước và quốc tế đánh giá cao.
Những vấn đề "nóng", mang tính thời sự như xu hướng toàn cầu hóa, xu thế hội nhập kinh tế quốc tế, tăng trưởng xanh gắn với với sự phát triển sôi động của các thị trường như tài chính, tiền tệ, chứng khoán, trái phiếu… trở thành nguồn đề tài phong phú, hấp dẫn được trao đổi, thảo luận dựa trên các nền tảng lý thuyết, luận cứ khoa học trên ấn phẩm Tạp chí Tài chính tiếng Anh.
Vai trò của cơ quan báo chí đa loại hình thể hiện rõ ở khả năng tổ chức xuất bản lượng ấn phẩm chuyên đề rất lớn, phục vụ hiệu quả nhiệm vụ của Ngành. Đơn cử như từ năm 2011 đến nay, hằng năm là Đặc san đối ngoại Kinh tế - Tài chính (song ngữ Việt – Anh) chất lượng, sang trọng của Bộ Tài chính do Tạp chí Tài chính phối hợp cùng Vụ Hợp tác Quốc tế tổ chức xuất bản được cộng đồng các định chế tài chính quốc tế, các nhà đầu tư nước ngoài đánh giá cao.
Từ năm 2013 đến nay, Tạp chí đã phối hợp với Đảng ủy Bộ Tài chính xuất bản 2 tháng/kỳ ấn phẩm Đặc san Thông tin Công tác Đảng nhận được sự đánh giá cao của Ban Tuyên giáo Trung ương, Đảng bộ Khối các cơ quan Trung ương...
Từ năm 2016 đến nay, thêm một ấn phẩm được Tạp chí Tài chính thực hiện cùng Tổng cục Dự trữ Nhà nước đó là Bản tin Dự trữ Nhà nước đã nâng sự chuyên nghiệp, tính năng động của một tập thể không nhiều về số lượng con người nhưng đầy sức sáng tạo, đổi mới, chuyên nghiệp, năng động.
Ngoài ra, việc quản lý, tổ chức nội dung xuất bản các chuyên trang, chuyên mục điện tử của Đảng bộ Bộ Tài chính, Công đoàn Bộ Tài chính trên Cổng thông tin điện tử Bộ Tài chính đã khiến nhiều cơ quan báo chí có số lượng nhân sự gấp 2-3 lần Tạp chí cũng nể phục vì khối lượng công việc mà tập thể Tạp chí Tài chính thực hiện.
Đặc biệt, là cơ quan báo chí đầu tiên của ngành Tài chính Việt Nam, Tạp chí Tài chính cũng là tòa soạn đi đầu trong phát triển Tạp chí điện tử. Năm 2008, trang Thông tin điện tử ra đời, sau đó nâng cấp thành Trang thông tin điện tử tổng hợp và nay là Tạp chí Tài chính điện tử (tapchitaichinh.vn) với giao diện hiện đại, nội dung phong phú.
Bên cạnh kênh thông tin online sôi động về các lĩnh vực của thị trường tài chính – chứng khoán - bất động sản, các chuyên đề giàu sáng tạo chuyển tải thông tin bằng Infographic, eMagazine bằng các dữ liệu tổng hợp được độc giả cả nước đánh giá rất cao.
Tạp chí Tài chính điện tử không chỉ cung cấp thông tin tài chính trong và ngoài nước mà quan trọng hơn là những đánh giá, nhận định sâu sắc về chính sách tài chính, về tình hình tài chính, ngân sách nhà nước tại từng thời điểm và trong từng giai đoạn phát triển của Đất nước.
Đặc biệt, thời gian qua, nhiều hoạt động của ngành Tài chính, Bộ Tài chính nhận được sự quan tâm theo dõi lớn của dư luận xã hội như thông tin liên quan đến cả nước “chung tay” cùng Đảng, Chính phủ đồng lòng chống dịch COVID-19, triển khai các gói tài khóa, giãn giảm thuế, hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi, phát triển kinh tế được Tạp chí Tài chính điện tử bám sát, phản ánh một cách toàn diện, có chiều sâu, có sức thuyết phục cao.
Các bài viết, bài phân tích, bài phỏng vấn chuyên gia đã thực sự giúp người dân, cộng đồng doanh nghiệp hiểu rõ hơn về những nỗ lực của ngành Tài chính trong việc quyết tâm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị được giao, đồng thời, cũng giúp nhiều độc giả quan tâm và tìm đọc các bài viết chất lượng đó.
Chính vì vậy, thời gian rất dài, Tạp chí Tài chính điện tử luôn nằm trong Top 200-400 tờ báo, trang tạp chí và thông tin điện tử được truy cập nhiều nhất Việt Nam.
Nhằm kịp thời giải đáp các chính sách tài chính mới, tham gia tháo gỡ các “nút thắt” trong thực thi giữa cơ quan xây dựng chính sách với đối tượng được quản lý từ nhiều năm nay, Tạp chí Tài chính tổ chức từ 2-3 hội thảo, tọa đàm khoa học uy tín với sự tham gia giải đáp của hàng chục nhà quản lý, nhà khoa học hàng đầu.
Các hội thảo, tọa đàm giải đáp chính sách thuế mới; Giải đáp vướng mắc của các đơn vị hành chính sự nghiệp do Tạp chí tổ chức đã thu hút đại diện hàng ngàn doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức tham gia. Hầu hết đều đánh giá chất lượng các hội thảo, tọa đàm do Tạp chí Tài chính tổ chức vượt mong muốn, kỳ vọng.
Gần đây nhất, ngày 17/5/2022, hội thảo “Giải pháp thúc đẩy quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp công lập và thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp” do Tạp chí Tài chính phối hợp với Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính) tổ chức với sự tham gia của Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc và các nhà quản lý, nhà khoa học đầu ngành đã xác định rất nhiều nguyên lý mấu chốt còn mơ hồ trước đó, gắn với hoàn thiện thể chế, chính sách của lĩnh vực cổ phần hóa, thoái vốn của doanh nghiệp nhà nước.
Ghi nhận những thành tích đạt được của giai đoạn phát triển mới, thời kỳ này Tạp chí Tài chính tiếp tục được tặng thưởng nhiều danh hiệu cao quý: Năm 1998, được Chủ tịch Nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhì; Năm 2003 được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhất; Năm 2013 được tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Ba.
Điều ý nghĩa không kém các phần thưởng cao quý là sự ghi nhận của Lãnh đạo Bộ Tài chính các thời kỳ đối với những nỗ lực đổi mới không ngừng, khẳng định thương hiệu và vị thế của Tạp chí trong góp phần xây dựng, hoàn thiện chính sách, góp phần vào thành công chung của sự nghiệp tài chính quốc gia vì “dân giàu, nước mạnh, công bằng, dân chủ, văn minh” mà toàn Đảng, toàn dân ta đã và đang vươn tới.
Tự tin trong chặng đường đi tới
Hành trình 60 năm phát triển và dựng xây không ngừng, không thể kể hết hàng ngàn công trình khoa học, các đề tài nghiên cứu cấp quốc gia, cấp Bộ công bố trên tờ Tạp chí yêu thương.
Nhìn lại để đi tới, Tạp chí Tài chính tự hào với chặng đường vẻ vang đã qua. Tuy nhiên, thành công lớn không vì thế mà chủ quan, tự mãn với những gì đạt được.
Theo chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, nhiệm vụ quan trọng đặt ra cho toàn ngành Tài chính trong thời gian tới là phải đẩy mạnh hoàn thiện và nâng cao chất lượng thể chế tài chính, đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ và hội nhập quốc tế sâu rộng và hiệu quả của toàn Ngành.
Bên cạnh đó, Ngành phải cơ cấu lại ngân sách nhà nước, phát triển thị trường tài chính hiện đại, minh bạch và bền vững; đẩy mạnh hiện đại hóa, phát triển nền tảng tài chính số trên cơ sở ứng dụng công nghệ thông tin gắn với chuyển đổi số.
Đồng thời, tập trung khơi thông và phát huy tiềm lực tài chính cho phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội; ưu tiên nguồn lực để thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế…
Trong bối cảnh yêu cầu nhiệm vụ của ngành Tài chính ngày càng cao, cùng với đó là bối cảnh chuyển đổi số đang phát triển rất mạnh mẽ, báo chí ngành Tài chính nói chung và Tạp chí Tài chính nói riêng cần tiếp tục đổi mới mạnh mẽ hơn, sáng tạo và chuyên nghiệp hơn nữa, tiếp tục phát triển theo cả chiều rộng và chiều sâu, đáp ứng nhu cầu thông tin ngày càng cao của độc giả.
Tạp chí Tài chính tiếp tục có đột phá mới, liên tục đổi mới, nâng cao chất lượng nội dung và hình thức các sản phẩm truyền thông của Tòa soạn.
Theo đó, Tạp chí Tài chính sẽ chú trọng bám sát thực tiễn sự nghiệp đổi mới, phát triển của Đất nước, của Ngành, các vấn đề thời sự; phản ánh sâu sắc, sinh động hơi thở, nhịp đập của cuộc sống để có nhiều tác phẩm báo chí chất lượng, giá trị nhân văn sâu sắc, chân thực, góp phần định hướng dư luận, tạo đồng thuận xã hội, không ngừng củng cố niềm tin của Nhân dân vào Đảng, Nhà nước, vào sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước.
Tạp chí Tài chính tiếp tục phát huy lợi thế là cơ quan ngôn luận của Bộ Tài chính để truyền tải đa dạng thông tin, những vấn đề được dư luận quan tâm như: tình hình thu - chi ngân sách; chính sách tài khóa thúc đẩy phục hồi sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp; cải cách, hiện đại hóa thuế, hải quan; chuyển đổi số trong ngành Tài chính mang lại lợi ích cho người dân, doanh nghiệp…
Thông tin phân tích, phản biện, phản ánh từ nhiều góc độ của Tạp chí Tài chính góp phần tích cực vào sự lành mạnh của nền tài chính quốc gia, sự công khai, minh bạch của tài chính và ngân sách nhà nước.
Trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, Tạp chí Tài chính tiếp tục khẳng định vai trò, sức mạnh của mình bằng chất lượng thông tin mang tính chuyên sâu, có tính thuyết phục, lan tỏa cao với những vấn đề “nóng” được dư luận quan tâm.
Không ngừng đổi mới phương thức truyền thông, đẩy mạnh chuyển đổi số trong hoạt động báo chí; trau dồi tư duy, phong cách và cập nhật kiến thức công nghệ, làm báo hiện đại, ngày càng có nhiều sản phẩm báo chí hay, cung cấp thông tin nhanh chóng, chính xác, kịp thời đến mọi tầng lớp nhân dân.
Những thông tin kinh tế - tài chính của Đất nước tiếp tục được Tạp chí Tài chính truyền tải một cách đa dạng trên các sản phẩm in, điện tử, trên các nền tảng số, góp phần làm cho bạn đọc, người dân, có cách hiểu, cách nhìn thấu đáo, tạo được sự đồng thuận cao trong xã hội.
Đồng thời, phát huy truyền thống tốt đẹp được bồi đắp hơn 60 năm qua, đạo đức nghề nghiệp với người làm báo tiếp tục được phát huy cao nhất, nhằm bồi đắp lòng yêu nước, sự trung thực, đề cao trách nhiệm công dân của nhà báo.
Tạp chí Tài chính tiếp tục giữ vững bản lĩnh, tuân thủ tôn chỉ, mục đích và ngày càng gần với đông đảo người đọc, được người đọc quan tâm bởi chính những lợi ích thiết thực do thông tin Tạp chí mang đến.
Là cơ quan báo chí có tuổi đời và bề dày thành tích lớn nhất của ngành Tài chính Việt Nam, Tạp chí Tài chính sẽ ngày càng khẳng định vị thế trong lòng độc giả cả nước, biến khó khăn, thách thức thành động lực vươn tới.
Điểm tựa của 60 năm phát triển và dựng xây, kinh nghiệm và bài học vượt khó, thành công từ các thế hệ đi trước là hành trang để mỗi cán bộ, phóng viên, biên tập viên hôm nay tự tin bước vào thời kỳ mới với những dấu son đẹp đang chờ đợi ở phía trước, đồng thời, không ngừng nỗ lực, lao động, cống hiến, tích cực thông tin, tuyên truyền toàn diện đời sống chính trị, kinh tế, xã hội của Đất nước nói chung và ngành Tài chính nói riêng, đáp ứng nhu cầu thông tin ngày càng cao của xã hội, góp phần cùng toàn Ngành thực hiện thắng lợi mọi nhiệm vụ.