Tỷ giá tăng: Kẻ cười, người khóc
(Tài chính) Sau 1 năm giữ nguyên, vừa qua, tỷ giá đã được nâng lên 1%. Đây được coi là đòn bẩy cho xuất khẩu 6 tháng cuối năm. Tuy nhiên, trong khi doanh nghiệp (DN) xuất khẩu phấn khởi thì DN nhập khẩu lại có phần lo lắng vì “ đầu vào” cho sản xuất đang khó nay càng thêm khó.
Từ ngày 19/6 vừa qua, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã chính thức nới tỷ giá bình quân liên ngân hàng giữa đồng Việt Nam và đô la Mỹ từ mức 21.036 VND/USD lên 21.246 VND/USD (tăng 1%) nhằm góp phần hỗ trợ xuất khẩu và qua đó hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.
Chia sẻ về động thái này, TS. Cao Sỹ Kiêm, Chủ tịch Hiệp hội DN nhỏ và vừa cho rằng: "Việc điều chỉnh tăng tỷ giá vào bất cứ thời điểm nào cũng luôn luôn có tác động hai mặt tới nền kinh tế. Bởi vì, tỷ giá tăng có thể có lợi cho xuất khẩu nhưng lại có hại cho nhập khẩu”.
Ông Phạm Quốc Khánh, Giám đốc Công ty TNHH Tiến Động (Hà Nội) cho biết: Những tháng cuối năm là thời điểm để các DN xuất khẩu tăng tốc nhằm hoàn thành các mục tiêu đề ra. Trong bối cảnh khó khăn như hiện nay việc tăng tỷ giá thực sự có tác động rất tích cực đến các DN chuyên xuất khẩu như chúng tôi. Bởi khoản thu dôi ra sẽ giúp DN thực hiện được nhiều giải pháp vượt khó, tăng cường năng lực sản xuất, đầu tư cho thiết kế, xúc tiến thương mại tại các thị trường mới,...
Đối với DN có nguồn nguyên liệu nội địa ổn định, chuyên xuất khẩu như Công ty TNHH chế biến Chè xuất khẩu Đại Đồng thì tăng tỷ giá mang lại nhiều lợi ích. Ông Nguyễn Minh Lý, Giám đốc Công ty chia sẻ: Hiện sản lượng chè của công ty đạt hơn 2.000 tấn/năm và trong đó có 70% xuất khẩu. Doanh thu hàng năm của Công ty đạt hơn 40 tỷ đồng.Thị trường xuất khẩu chủ yếu của Công ty là Pakixtan, Nga, Ấn Độ, Hà Lan, Mỹ, Đức,…
"Việc tăng tỷ giá là tín hiệu rất đáng mừng, giúp Công ty tích lũy thêm nguồn vốn, từ đó đầu tư mở rộng nhà xưởng, máy móc hiện đại, sản xuất chè xanh, chè đen đạt tiêu chuẩn quốc tế", ông Lý nói.
Nhiều ý kiến đã tỏ ra lo lắng đối với nhiều DN ngành dệt may, da giày khi tỷ giá tăng, bởi ngành này tỷ lệ phụ thuộc nguyên liệu nước ngoài vẫn còn rất lớn. Tuy vậy, bà Nguyễn Thị Thanh Hương, Giám đốc Công ty TNHH Thanh Hương chia sẻ, trên thực tế, ngành dệt may hiện phụ thuộc nhiều vào nguồn nguyên, phụ liệu nhập khẩu nhưng bù lại là cũng xuất khẩu nhiều. Vì vậy, những DN vừa nhập, vừa xuất như chúng tôi thì vẫn “dễ thở” hơn DN chỉ nhập khẩu.
Mặc dù vậy, không phải bất cứ DN nào cũng cảm thấy "nhẹ nhàng" khi tỷ giá được điều chỉnh tăng. Bởi với các DN nhập khẩu thuần túy, thì tỷ giá tăng, kéo theo nguyên phụ liệu tăng giá khiến hoạt động sản xuất bị ảnh hưởng không nhỏ.
Ông Bùi Đức Huyên, Giám đốc Công ty cổ phần Dinh dưỡng Việt Tín chia sẻ, hiện chúng tôi có hai nhà máy ở Sóc Sơn với công suất hơn 80 ngàn tấn/năm và ở Yên Bái với công suất 40 ngàn tấn/năm. Thời gian qua, Công ty đã nỗ lực để đảm bảo nguồn nguyên liệu, chủ động nguồn nguyên liệu trong nước, giảm sự phụ thuộc vào bên ngoài. Tuy nhiên, đến nay, hơn 50% nguyên liệu cho sản xuất thức ăn chăn nuôi vẫn phải nhập khẩu. Trong khi đó, thị trường tiêu thụ vẫn đang "ì ạch", giá thành sản phẩm không tăng mà tỷ giá lại tăng thì chắc chắn chi phí đầu vào sẽ tăng mạnh, nên DN sẽ thực sự gặp khó.
Tuy nhiên, TS. Cao Sỹ Kiêm nhấn mạnh, riêng đối với thời điểm hiện tại, việc tăng tỷ giá là bước đi đúng của Ngân hàng Nhà nước. Bởi vì chúng ta đang tiếp tục tăng cường xuất khẩu 6 tháng cuối năm để đạt mục tiêu tăng trưởng trên 10% của năm nay.Tuy thời gian qua, chúng ta vẫn phải nhập rất nhiều nguyên phụ liệu cho sản xuất nhưng rõ ràng con số này đang giảm dần, tỷ lệ nội địa hóa trong sản phẩm đang tăng dần. Từ đầu năm đến nay, Việt Nam đang duy trì ở trạng thái xuất siêu với mức trên 1,6 tỷ USD.