Tỷ giá tăng liệu có tác động lên lãi suất?
Tỷ giá USD/VND có dấu hiệu tăng nhanh từ cuối tháng 4 cho đến nửa đầu tháng 5 đang gây ra lo ngại sẽ có những tác động tiêu cực lên lãi suất, khi hai biến số kinh tế vĩ mô quan trọng này thường ảnh hưởng lẫn nhau.
Tác động lên lãi suất
Về cơ bản, khi tỷ giá tăng nhanh thì dòng tiền gửi ngân hàng có thể bị rút ra đổ vào thị trường ngoại hối để lướt sóng kiếm lời, do đó sẽ ảnh hưởng đến việc huy động vốn của các nhà băng. Khi đó các ngân hàng có thể buộc phải tăng lãi suất đảm bảo đủ mức hấp dẫn hơn so với biến động của tỷ giá.
Thống kê gần nhất cho thấy tăng trưởng huy động vốn đến ngày 17/4 chỉ đạt 2,69%, thấp hơn so với cùng kỳ và cũng thấp hơn nhiều so với mức tăng trưởng tín dụng 3,23%. Điều này không chỉ phản ánh việc huy động vốn của các ngân hàng trong những tháng đầu năm nay là khá chậm mà còn thể hiện cung vốn không theo kịp cầu vốn, do đó bất kỳ cú sốc nào ảnh hưởng lên tiền gửi cũng có thể buộc các ngân hàng phải ngay lập tức tăng lãi suất huy động để tránh rơi vào tình trạng căng cứng thanh khoản.
Điều này đã từng xảy ra, nhất là vào thời điểm tiền đồng có xu hướng mất giá mạnh so với USD trong những năm trước đây. Tuy nhiên, hiệu quả điều hành tỷ giá ổn định trong những năm qua đã phần nào giúp hạn chế hiện tượng này, khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) luôn có những chính sách, giải pháp can thiệp khi cần thiết để hóa giải áp lực cũng như kỳ vọng của thị trường.
Hiện tại lãi suất tiền gửi VND mà các ngân hàng niêm yết ở mức cao nhất là 5,5%/năm đối với các kỳ hạn dưới 6 tháng và từ 7 - 7,5%/năm đối với các kỳ hạn từ 12 tháng trở lên. Mức lãi suất này vẫn cao hơn nhiều so với mức độ tăng tỷ giá kể từ đầu năm đến nay, khi tỷ giá trung tâm chỉ điều chỉnh tăng 1% trong 5 tháng rưỡi qua.
Tuy nhiên, nếu tỷ giá tiếp tục biến động mạnh trong thời gian tới thì tiền đồng có thể phá giá cao hơn, nhất là trong bối cảnh đồng nhân dân tệ của Trung Quốc liên tục mất giá mạnh gần đây, do tiền đồng bị tác động khá lớn từ đồng nhân dân tệ. Nếu áp lực tỷ giá ngày càng gia tăng và đối mặt với tốc độ mất giá mạnh hơn, tất yếu sẽ ảnh hưởng đến dòng vốn vào ngân hàng và sau đó là lãi suất.
Tỷ giá tăng sẽ kéo chi phí giá nhập khẩu tăng, tạo ra những áp lực lạm phát, nhất là cộng thêm việc giá điện và xăng liên tiếp tăng mạnh gần đây cùng với giá dầu tăng cao trên thị trường thế giới. Đến lượt mình, lạm phát sẽ ảnh hưởng lên mặt bằng lãi suất như là hệ quả tất yếu.
Khi phải đối mặt với rủi ro và thiệt hại từ tỷ giá, những doanh nghiệp vay ngoại tệ lớn có thể tìm cách chuyển bớt thiệt hại sang người tiêu dùng bằng cách tăng giá sản phẩm, dịch vụ, do đó cũng có thể kéo giá hàng hóa lên.
Chênh lệch lãi suất
Không chỉ ảnh hưởng lên thị trường huy động vốn từ dân cư, khi tỷ giá tăng nhanh sẽ tác động lên thị trường liên ngân hàng, thúc đẩy tăng lãi suất tiền đồng để đảm bảo mức chênh lệch đủ lớn so với lãi suất vay mượn USD giữa các ngân hàng. Bởi khi mức chênh lệch này thấp sẽ khuyến khích các nhà băng vay tiền đồng đầu tư lướt sóng USD và gây áp lực lên tỷ giá.Thống kê cho thấy từ mức chênh lệch 1,6 - 1,8 điểm phần trăm vào cuối tháng 3, chênh lệch giữa lãi suất tiền đồng và USD đã giảm về 0,6 - 0,8% trong tuần cuối tháng 4, thậm chí có kỳ hạn một tuần chênh lệch còn dưới 0,1%.
Không loại trừ khả năng mức chênh lệch thấp như vậy đã khuyến khích một số nhà băng đẩy mạnh vay tiền đồng để lướt sóng USD, nhất là trong bối cảnh thị trường ngoại hối đối mặt với nhiều áp lực, như nhập siêu trở lại, một số ngân hàng rơi vào trạng thái ngoại hối âm do cho vay ngoại tệ quá mức. Hệ quả là càng đẩy tỷ giá tăng nhanh trong nửa đầu tháng 5 này.
Tính đến ngày 15/5, lãi suất qua đêm trên thị trường 2 ở mức 3,3%, kỳ hạn một tuần đến một tháng từ 3,5 - 3,6%, cũng khá thấp so với giai đoạn trước. So với mức lãi suất USD bình quân 2,5 - 2,6%, thì mức chênh lệch lãi suất giữa VND và USD dù có tăng so với cuối tháng 4 nhưng cũng ở mức khá thấp, quanh 1%.
Điều này cũng đã từng diễn ra trong năm 2018, khi lãi suất USD trên thị trường liên ngân hàng tăng theo xu hướng tăng của lãi suất thế giới trong khi lãi suất VND liên ngân hàng vẫn ở mức thấp, khiến điểm chênh lệch lãi suất VND và USD tăng mức âm đã dẫn đến đầu cơ tỷ giá tại các nhà băng.
Nếu tỷ giá tiếp tục tăng thì khả năng lãi suất tiền đồng trên thị trường liên ngân hàng sẽ được đẩy lên để mở rộng chênh lệch này trở lại, tránh việc các ngân hàng lại tiếp tục đầu cơ tỷ giá. Khi lãi suất thị trường 2 tăng cũng có thể lan tỏa lên mặt bằng lãi suất thị trường 1 như là hệ quả tất yếu.
Có thể thấy mặt bằng lãi suất ngày càng phải đối mặt với nhiều áp lực, từ lạm phát, tỷ giá cho đến chênh lệch tăng trưởng tín dụng, huy động mở rộng. Từ đầu năm đến nay, nhiều ngân hàng liên tiếp tăng lãi suất. Trước tình hình này, việc giữ ổn định được lãi suất trong năm nay có thể xem là một thành công của ngành ngân hàng.
Tỷ giá tăng sẽ kéo chi phí giá nhập khẩu tăng, tạo ra những áp lực lạm phát, nhất là cộng thêm việc giá điện và xăng liên tiếp tăng mạnh gần đây, cùng với giá dầu tăng cao trên thị trường thế giới. Đến lượt mình, lạm phát sẽ ảnh hưởng lên mặt bằng lãi suất như là hệ quả tất yếu.