Tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm 3,95%
Chương trình Giảm nghèo bền vững đã đạt chỉ tiêu Quốc hội, Chính phủ giao. Theo đó, tỷ lệ hộ nghèo đa chiều đến năm 2024 là 1,93%; tỷ lệ hộ nghèo tại các huyện nghèo là 24,86%; tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số còn 12,55% (giảm 3,95%).

Đó là thông tin được đưa ra tại cuộc làm việc trực tiếp kết hợp trực tuyến với các bộ, ngành, địa phương về tình hình, kết quả thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia: Xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi do Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, Phó Thủ tướng Mai Văn Chính đã chủ trì, chiều 31/3.
Theo báo cáo tổng hợp của Bộ Tài chính, tổng số vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 dành cho 3 chương trình là 102.000 tỷ đồng (100.000 tỷ đồng vốn trong nước, 2.050 tỷ đồng vốn nước ngoài; vốn sự nghiệp nguồn ngân sách Trung ương bố trí đạt gần 97.900 tỷ đồng).
Kết quả thực hiện Chương trình Xây dựng nông thôn mới đến tháng 3/2025, tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới đạt 77,9% (mục tiêu giai đoạn 2021-2025 là 80%); tỷ lệ huyện đạt chuẩn nông thôn mới là 47,6% (mục tiêu là 50%); 6 tỉnh hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới (mục tiêu là 15 tỉnh).
Chương trình Giảm nghèo bền vững đã đạt chỉ tiêu Quốc hội, Chính phủ giao gồm: Tỷ lệ hộ nghèo đa chiều đến năm 2024 là 1,93%; tỷ lệ hộ nghèo tại các huyện nghèo là 24,86%; tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số còn 12,55% (giảm 3,95%).
Trong số 9 nhóm mục tiêu của Chương trình Phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, có 6 nhóm mục tiêu đã cơ bản hoàn thành và vượt: Tỷ lệ giảm nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số; thu nhập bình quân; giáo dục; lao động qua đào tạo nghề; bảo tồn, phát triển giá trị, bản sắc văn hóa truyền thống; tăng cường công tác y tế.
Tại cuộc làm việc, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường cũng kiến nghị, tích hợp 2 chương trình Xây dựng nông thôn mới, Giảm nghèo bền vững thành 1 chương trình trong giai đoạn 2026-2030; xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về chương trình mục tiêu quốc gia để nâng cao hiệu quả công tác quản lý Nhà nước…
Phát biểu trực tuyến tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Dân tộc và Tôn giáo Đào Ngọc Dung cho biết, 2 mục tiêu về giảm số huyện nghèo, số xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển của Chương trình Giảm nghèo bền vững khó đạt chỉ tiêu đề ra. Tuy nhiên, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho rằng Chương trình Giảm nghèo bền vững cơ bản hoàn thành sứ mệnh lịch sử, vì vậy, các nội dung, tiêu chí về hộ thoát nghèo ở đô thị, nông thôn, xã bãi ngang, vùng ven biển... có thể tích hợp vào Chương trình Xây dựng nông thôn mới. Các nội dung tiêu chí thoát nghèo của địa bàn thôn, xã, bản đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số có thể tích hợp vào Chương trình Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Đại diện lãnh đạo các Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Xây dựng, Ngân hàng Nhà nước… đề nghị Chính phủ tiếp tục duy trì chính sách hỗ trợ phù hợp, tập trung cho từng đối tượng, địa bàn đặc thù, bảo đảm sự phát triển bền vững và tránh tình trạng tái nghèo; giải ngân nguồn vốn hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát, tạo việc làm cho người dân ở vùng đồng bào dân tộc và miền núi…
Phó Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành, địa phương đóng góp các ý kiến tổng kết, rút kinh nghiệm về công tác điều phối, phân cấp, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để hoàn thành mục tiêu của 3 chương trình; không để xảy ra khoảng trống, vướng mắc khi các địa phương thực hiện sáp nhập cấp xã, tỉnh, bỏ cấp huyện; đồng thời khẩn trương chuẩn bị xây dựng các chương trình mục tiêu quốc gia cho giai đoạn tiếp theo.
Từ nay đến cuối năm 2025, các bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục phấn đấu để cơ bản hoàn thành các mục tiêu đặt ra mang tính tổng hợp, rất có ý nghĩa trong công tác giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới. Tuy nhiên, việc đạt chỉ tiêu về giảm số huyện nghèo, số xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, số huyện đạt chuẩn nông thôn mới còn nhiều thách thức.
Để đạt được yêu cầu sử dụng hiệu quả, thiết thực, cấp bách nguồn vốn mà Nhà nước đầu tư, Phó Thủ tướng giao Bộ Tài chính làm việc với các bộ, ngành, địa phương để tổng hợp, đề xuất phân bổ nguồn vốn đầu tư, kinh phí thường xuyên còn lại dành cho 3 chương trình mục tiêu quốc gia, nhất là Chương trình Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.