Tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn tỉnh Sơn La giảm theo từng năm
Sau 3 năm thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, đến cuối cuối năm 2024, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh Sơn La đã giảm từ 21,66% năm 2021 xuống còn 11,11%.

Xác định công tác giảm nghèo và an sinh xã hội là một nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt, có tác động lớn đến sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, ngày 21/12/2021, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Sơn La đã ban hành Nghị quyết số 20-NQ/TU về đẩy mạnh việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh Sơn La giai đoạn 2021-2025 (Nghị quyết 20-NQ/TU).
Triển khai thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TU, UBND tỉnh Sơn La đã ban hành các quyết định, kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình trong giai đoạn 5 năm và hàng năm; đồng thời, thường xuyên chỉ đạo các sở, ngành, ủy ban nhân dân các huyện, thành phố nghiêm túc tổ chức quán triệt, xây dựng chương trình, kế hoạch triển khai thực hiện các chương trình, dự án, chính sách theo lĩnh vực, nhiệm vụ được phân công phụ trách gắn với thực hiện công tác giảm nghèo bền vững.
Các chính sách an sinh xã hội được quan tâm chỉ đạo sát sao và tổ chức triển khai thực hiện đầy đủ, kịp thời, đúng quy định. Tính đến hết năm 2024, toàn tỉnh có 8.758 người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, người lao động trên địa bàn huyện nghèo được hỗ trợ đào tạo nghề; 100% người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo được hỗ trợ bảo hiểm y tế; giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em dưới 5 tuổi xuống còn 17,4%.
Sau 3 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TU, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh Sơn La đã giảm từ 21,66% năm 2021 xuống còn 11,11% vào cuối năm 2024, đạt chỉ tiêu Nghị quyết đề ra; tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm từ 21,34% năm 2021 xuống còn 10,9% vào cuối năm 2024.
Dự kiến đến hết năm 2025, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm còn khoảng 8,1%; tỷ lệ hộ nghèo của các huyện nghèo giảm bình quân 5%/năm, đạt chỉ tiêu Nghị quyết đề ra. Trong đó, có 4 huyện thoát nghèo (Bắc Yên, Mường La, Vân Hồ, Thuận Châu), vượt chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Sơn La lần thứ XV đề ra.
Cùng với đó, tỉnh đã hỗ trợ kết nối việc làm và chuyển đổi ngành nghề cho hơn 91.000 lao động, đạt 91% kế hoạch, trong đó có trên 50% lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, hộ ở vùng nghèo, vùng khó khăn.
Đến nay, Sơn La còn 2 huyện nghèo là Thuận Châu và Sốp Cộp. Thực hiện hỗ trợ đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội các huyện nghèo, trong giai đoạn 2022-2024, từ nguồn vốn đầu tư của Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, 2 huyện Thuận Châu, Sốp Cộp đã triển khai đầu tư 317 tỷ đồng, xây dựng 55 công trình; duy tu, bảo dưỡng 85 công trình hạ tầng các loại. Nhờ đó, cơ sở hạ tầng thiết yếu ở huyện nghèo ngày càng được củng cố, góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân.
Tiếp tục phát huy những kết quả đạt được, đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về giảm nghèo, thời gian tới, tỉnh Sơn La sẽ tập trung triển khai có hiệu quả 3 nguồn vốn Chương trình Mục tiêu quốc gia; ưu tiên các nguồn vốn đầu tư công ngân sách nhà nước để hoàn thiện cơ sở hạ tầng tại các huyện nghèo, bố trí có trọng tâm, trọng điểm; đầu tư các công trình thiết yếu phục vụ dân sinh, sản xuất, thương mại, lưu thông hàng hóa.
Song song với đó, tỉnh đẩy mạnh công tác tuyên truyền về các tấm gương, điển hình tiên tiến trong thực hiện giảm nghèo bền vững, những mô hình giảm nghèo hiệu quả. Từ đó, ý thức tự giác thoát nghèo của người nghèo, cận nghèo được nâng cao, tránh tư tưởng trông chờ, ỷ lại của một bộ phận người nghèo, cận nghèo.
Đồng thời, tăng cường kiểm tra, giám sát của cấp ủy, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở, nhất là công tác tự kiểm tra, tự giám sát và sự tham gia giám sát của các tổ chức chính trị - xã hội và người dân tại cơ sở trong việc thực hiện chương trình, dự án, mục tiêu giảm nghèo bền vững.
Trong năm 2025, tỉnh Sơn La sẽ tập trung triển khai, hoàn thành công tác xoá nhà tạm, nhà dột nát theo chỉ đạo của Chính phủ.