Bộ chỉ tiêu thống kê về xóa đói, giảm nghèo, phát triển bền vững của Việt Nam
Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã ban hành Thông tư số 02/2025/TT-BKHĐT quy định Bộ chỉ tiêu thống kê phát triển bền vững của Việt Nam. Theo đó, chấm dứt mọi hình thức nghèo ở mọi nơi; Xóa đói, bảo đảm an ninh lương thực, cải thiện dinh dưỡng; Bảo đảm cuộc sống khỏe mạnh và tăng cường phúc lợi cho mọi người... là các mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam.
“Không để ai bị bỏ lại phía sau” là mục tiêu cốt lõi của phát triển bền vững, đây cũng chính là lời nhắc nhở các cấp, các ngành phải đảm bảo mọi nỗ lực cần tập trung giải quyết sự bất công trong xã hội. Chất lượng thống kê được nâng cao và dữ liệu được phân tổ đầy đủ (theo tuổi, giới tính, thành thị/nông thôn, tỉnh/thành phố, người khuyết tật và các đặc điểm khác) sẽ hỗ trợ các chính sách phát triển và việc ra quyết định hiệu quả hơn.
Nhằm cung cấp những “bằng chứng thực tiễn xác thực” cho quá trình theo dõi, giám sát và đánh giá việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững, ngày 03/01/2025, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã ban hành Thông tư số 02/2025/TT-BKHĐT quy định Bộ chỉ tiêu thống kê phát triển bền vững của Việt Nam.
Thông tư có hiệu lực thi hành kể từ ngày 10/3/2025. Danh mục chỉ tiêu thống kê phát triển bền vững của Việt Nam gồm 145 chỉ tiêu thống kê phản ánh 17 mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam. Trong đó, có thể kể đến như mục tiêu: Chấm dứt mọi hình thức nghèo ở mọi nơi gồm các chỉ tiêu: Tỷ lệ dân số sống dưới chuẩn nghèo quốc tế; Tỷ lệ nghèo đa chiều; Tỷ lệ người lao động tham gia bảo hiểm xã hội; Tỷ lệ người tham gia bảo hiểm y tế; Số người được hưởng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp…
Hay mục tiêu xóa đói, bảo đảm an ninh lương thực, cải thiện dinh dưỡng và thúc đẩy phát triển nông nghiệp bền vững gồm các chỉ tiêu: Tỷ lệ mất an ninh lương thực; Tỷ lệ trẻ em dưới 05 tuổi suy dinh dưỡng (chiều cao theo tuổi – thể thấp còi); Tỷ lệ trẻ em dưới 05 tuổi thừa cân, béo phì…
Và mục tiêu đảm bảo đầy đủ và quản lý bền vững tài nguyên nước và hệ thống vệ sinh cho tất cả mọi người gồm các chỉ tiêu như: Tỷ lệ dân số được sử dụng nguồn nước hợp vệ sinh; tỷ lệ nước thải đô thị được thu gom, xử lý đạt tiêu chuẩn quy chuẩn; tỷ lệ khu công nghiệp đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường; tỷ lệ hồ chứa lớn được kiểm soát, giám sát để bảo đảm duy trì dòng chảy tối thiểu của lưu vực sông…
Bên cạnh đó, còn có các mục tiêu về đảm bảo tăng trưởng kinh tế bền vững, toàn diện, liên tục; tạo việc làm đầy đủ, năng suất và việc làm tốt cho tất cả mọi người; Xây dựng cơ sở hạ tầng có khả năng chống chịu cao, thúc đẩy công nghiệp hóa bao trùm và bền vững, tăng cường đổi mới; Giảm bất bình đẳng trong xã hội; Phát triển đô thị, nông thôn bền vững, có khả năng chống chịu; đảm bảo môi trường sống và làm việc an toàn, phân bổ hợp lý dân cư và lao động theo vùng; Đảm bảo mô hình sản xuất và tiêu dùng bền vững; Ứng phó kịp thời, hiệu quả với biến đổi khí hậu và thiên tai; Bảo tồn và sử dụng bền vững đại dương, biển và nguồn lợi biển để phát triển bền vững; Bảo vệ và phát triển rừng bền vững, bảo tồn đa dạng sinh học, phát triển dịch vụ hệ sinh thái, chống sa mạc hóa, ngăn chặn suy thoái và phục hồi tài nguyên đất; Thúc đẩy xã hội hòa bình, công bằng, bình đẳng vì sự phát triển bền vững, tạo khả năng tiếp cận công lý cho tất cả mọi người; xây dựng các thể chế hiệu quả, có trách nhiệm giải trình và có sự tham gia ở các cấp; Tăng cường phương thức thực hiện và thúc đẩy đối tác toàn cầu vì sự phát triển bền vững.
Thông tư nêu rõ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Tổng cục Thống kê) chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan: Thu thập, tổng hợp thông tin thống kê thuộc Bộ chỉ tiêu thống kê phát triển bền vững của Việt Nam, bảo đảm cung cấp số liệu thống kê đầy đủ, chính xác, kịp thời và đáp ứng yêu cầu so sánh quốc tế; xây dựng cơ sở dữ liệu thống kê phát triển bền vững của Việt Nam và phổ biến thông tin thống kê các chỉ tiêu thống kê phát triển bền vững.