Tỷ trọng khu vực dịch vụ trong GDP khoảng 43-44% vào năm 2025
Đề án “Kế hoạch cơ cấu lại ngành dịch vụ đến năm 2020, định hướng đến năm 2025” vừa được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ký phê duyệt, với mục tiêu cơ cấu lại ngành dịch vụ theo hướng nâng cao năng lực cạnh tranh, tập trung nguồn lực phát triển một số ngành dịch vụ tiềm năng, có hàm lượng tri thức và công nghệ cao.
Những ngành sẽ được cơ cấu lại gồm: tài chính, ngân hàng, logistics và vận tải, công nghệ thông tin và truyền thông, khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo, y tế, du lịch. Mục tiêu nhằm tăng cường xuất khẩu dịch vụ, giảm thâm hụt cán cân xuất nhập khẩu dịch vụ, hướng tới thặng dư trong cán cân xuất nhập khẩu dịch vụ, phục vụ quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Đề án phấn đấu tốc độ tăng trưởng khu vực dịch vụ giai đoạn 2016-2020 đạt khoảng 6,6%-7,1%, giai đoạn 2021-2025 đạt khoảng 7%-7,5%. Tỷ trọng khu vực dịch vụ trong GDP khoảng 43%-44% vào năm 2025. Về tài chính - ngân hàng, đến năm 2025, ít nhất 2-3 ngân hàng thương mại nằm trong tốp 100 ngân hàng lớn nhất (về tổng tài sản) khu vực châu Á. Đến năm 2025, công nghệ thông tin trở thành ngành kinh tế có tốc độ phát triển nhanh, bền vững, doanh thu cao, giá trị xuất khẩu lớn.
Cũng theo đề án, mục tiêu đến năm 2025 thu hút khoảng 32 triệu lượt khách du lịch quốc tế, trên 130 triệu lượt khách du lịch nội địa; du lịch đóng góp trên 10%GDP; tổng thu từ khách du lịch đạt khoảng 45 tỷ USD; giá trị xuất khẩu thông qua du lịch đạt 27 tỷ USD; tạo ra 6 triệu việc làm, trong đó có 2 triệu việc làm trực tiếp...