Ứng dụng AI: Giải pháp đột phá cho chuỗi cung ứng và xuất khẩu xuyên biên giới
Nhiều chuyên gia nhận định, trong bối cảnh các công nghệ mới thay đổi từng ngày, trí tuệ nhân tạo (AI) đang mang lại cơ hội lớn cho doanh nghiệp xuất khẩu trong việc tối ưu hóa chuỗi cung ứng, rút ngắn thời gian xử lý đơn hàng, dự báo thị trường chính xác hơn và cá nhân hóa trải nghiệm khách hàng quốc tế.

Lợi thế khi ra nhập các hiệp định thương mại tự do
Trong bối cảnh toàn cầu hóa và sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ, chuỗi cung ứng quốc tế ngày càng trở thành một yếu tố quyết định sự thành công của doanh nghiệp. Việt Nam hiện là một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất tại khu vực Đông Nam Á, sở hữu dân số đông, lực lượng lao động trẻ và sáng tạo, cùng với vị trí địa lý chiến lược. Những yếu tố này tạo ra nền tảng vững chắc để phát triển chuỗi cung ứng và thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa ra thế giới.
Việt Nam đã gia nhập nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA) quan trọng như CPTPP, EVFTA và RCEP, mở ra cơ hội lớn để xuất khẩu hàng hóa sang các thị trường quốc tế. Các sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam bao gồm điện tử, dệt may, thủy sản và nông sản, có cơ hội tiếp cận nhiều thị trường lớn với các ưu đãi thuế, giảm bớt rào cản thương mại, từ đó tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp Việt Nam mở rộng hoạt động xuất khẩu.
Doanh nghiệp Việt Nam hiện có cơ hội phát triển mạng lưới đối tác chiến lược tại các thị trường tiềm năng, từ các quốc gia trong khu vực ASEAN đến các nền kinh tế phát triển như Mỹ, EU và Nhật Bản. Hợp tác quốc tế không chỉ giúp gia tăng nguồn lực mà còn cải thiện chất lượng sản phẩm và xây dựng chuỗi cung ứng toàn cầu.
Đồng thời, việc đầu tư vào cơ sở hạ tầng, đặc biệt trong lĩnh vực giao thông vận tải và logistics, đang giúp cải thiện khả năng kết nối Việt Nam với thế giới. Các cảng biển, sân bay và tuyến đường giao thông hiện đại giúp tăng cường khả năng vận chuyển hàng hóa, giảm chi phí logistics, thúc đẩy quá trình xuất khẩu. Các doanh nghiệp Việt Nam có thể tận dụng những lợi thế này để nâng cao hiệu quả chuỗi cung ứng của mình.
AI giúp tối ưu hóa chuỗi cung ứng và xuất khẩu
Theo các chuyên gia, AI đóng vai trò then chốt trong việc tối ưu hóa chuỗi cung ứng và các quy trình xuất khẩu. AI không chỉ giúp cải thiện hiệu quả vận hành mà còn tạo ra cơ hội mới để gia tăng giá trị và mở rộng thị trường. Cụ thể, AI có thể hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam trong việc dự báo nhu cầu và tối ưu hóa tồn kho. Các hệ thống AI có khả năng phân tích dữ liệu lớn để dự đoán các xu hướng và nhu cầu tiêu thụ, giúp doanh nghiệp chuẩn bị nguồn hàng đầy đủ, tránh tình trạng thiếu hụt hoặc tồn kho quá mức.
Ngoài ra, AI còn giúp cải thiện quá trình giao nhận hàng hóa, giảm thiểu sự chậm trễ và tổn thất. Việc ứng dụng các thuật toán AI để tối ưu hóa lịch trình vận chuyển, lựa chọn tuyến đường hiệu quả nhất và dự báo các sự cố có thể xảy ra trong quá trình vận chuyển sẽ giúp doanh nghiệp tiết kiệm chi phí và nâng cao hiệu quả hoạt động.
Ông Phí Đăng Khoa – Chuyên gia Chiến lược Công nghệ tại Microsoft cho rằng, nhu cầu ứng dụng AI đang trở thành xu hướng tất yếu trên toàn cầu. Theo đó, AI có thể phân tích hàng triệu dữ liệu giao dịch quốc tế chỉ trong vài giây, phát hiện những mô hình hành vi tiêu dùng đang thay đổi, cảnh báo rủi ro logistics, hay thậm chí hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận thị trường mới thông qua công cụ phân tích ngôn ngữ, văn hóa và thói quen tiêu dùng bản địa.
Quan trọng hơn, AI đang mở ra cơ hội để các doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận thị trường mới: từ phân tích hành vi người tiêu dùng ở nước ngoài, dịch tự động tài liệu, cho đến đề xuất các mẫu hợp đồng phù hợp từng thị trường.
Theo ông Phí Đăng Khoa, rõ ràng, với lợi thế về nguồn lực trẻ, vị trí địa lý chiến lược và mức độ hội nhập sâu vào nền kinh tế toàn cầu, doanh nghiệp Việt Nam đang đứng trước một cơ hội lớn để ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong xuất khẩu xuyên biên giới và phát triển chuỗi cung ứng quốc tế.
Tuy nhiên, để AI thực sự phát huy sức mạnh trong lĩnh vực xuất khẩu, Việt Nam cần đi trước một bước về thể chế. Từ việc chuẩn hóa dữ liệu logistics, đến xây dựng các quy định minh bạch, hiện đại về bảo mật, lưu trữ và chia sẻ dữ liệu xuyên biên giới, tất cả cần được cụ thể hóa trong một khung pháp lý dễ thực thi, linh hoạt và kịp thời.
Song song đó, cần thúc đẩy mô hình hợp tác công - tư, khuyến khích doanh nghiệp liên kết với các đối tác công nghệ như Microsoft, FPT… để cùng nhau xây dựng một hệ sinh thái số bền vững, linh hoạt và mang bản sắc Việt.