Ứng dụng công nghệ thông tin trong phát triển sản phẩm dịch vụ ngân hàng ở Việt Nam

Bài viết đăng trên Tạp chí Tài chính Kỳ 2 - Tháng 8/2020

Trong xu thế nền kinh tế nước ta đang từng bước thực hiện cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong phát triển các sản phẩm dịch vụ của ngân hàng thương mại là yêu cầu cấp thiết, cần có những bước đi kịp thời, phù hợp trong giai đoạn hiện nay.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Việc ứng dụng công nghệ thông tin góp phần tạo ra những sản phẩm dịch vụ ngân hàng hiện đại, mang lại nhiều lợi ích cho khách hàng, ngân hàng và cả nền kinh tế nhờ tính tiện ích, tiện lợi, nhanh chóng, chính xác và bảo mật. Bài viết nghiên cứu thực trạng và đề xuất các giải pháp nhằm đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong phát triển các sản phẩm dịch vụ của ngân hàng thương mại ở Việt Nam trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0 và hội nhập quốc tế trong lĩnh vực tài chính ngân hàng ngày càng được đẩy mạnh.

Cùng với việc ưu tiên nguồn lực đầu tư phát triển, ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT), thời gian qua, hệ thống ngân hàng Việt Nam đã xây dựng được hạ tầng kỹ thuật CNTT tương đối hiện đại và đồng bộ, kết nối hoạt động kinh doanh của các tổ chức tín dụng (TCTD) với các hoạt động quản lý và điều hành của Ngân hàng Nhà nước (NHNN). Trong xu thế Cách mạng công nghiệp 4.0 (CMCN 4.0), việc đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong hệ thống ngân hàng Việt Nam là một yêu cầu cấp thiết.

Xu hướng ứng dụng công nghệ thông tin trong ngành Ngân hàng trên thế giới

Nghiên cứu của Capgemini (2016) đã chỉ ra xu hướng ứng dụng CNTT trong ngành Ngân hàng trên thế giới ở hiện tại và tương lai gần, cụ thể:

Thứ nhất, sự gia nhập của các công ty tài chính công nghệ (fintech), trở thành đối thủ, đồng thời cũng là đối tác của các ngân hàng thương mại (NHTM) trong việc cung cấp các dịch vụ ngân hàng áp dụng công nghệ cao cho khách hàng. Bằng lợi thế về công nghệ, cộng với sự đầu tư mạnh mẽ, các công ty fintech đang quen thuộc với khách hàng thông qua dịch vụ cho vay P2P (kết nối trực tuyến người đi vay với người cho vay) và dịch vụ thanh toán.

Thứ hai, việc gia tăng sử dụng công nghệ đám mây đối với các dịch vụ cốt lõi để thay thế cho công nghệ lưu trữ truyền thống. Xu hướng này đã trở nên rõ ràng trong ngành Ngân hàng trên thế giới những năm gần đây, giúp các NHTM tiết kiệm được nhiều chi phí, mặt bằng, cũng như tăng cường tính bảo mật trong việc lưu trữ và quản lý dữ liệu.

Thứ ba, đầu tư và nâng cấp hệ thống Core banking (phần mềm ngân hàng lõi), công nghệ bảo mật, hệ thống quản lý rủi ro cũng là yêu cầu bắt buộc trong điều kiện các dịch vụ ngân hàng ngày càng đa dạng, hiện đại trong một môi trường ngày càng bất trắc. Khác với nhiều doanh nghiệp, Core banking là ứng dụng bắt buộc với mỗi ngân hàng, tuy nhiên việc đầu tư này không diễn ra một lần mà phải liên tục được nâng cấp.

Thứ tư, công nghệ sổ cái, công cụ khai phá dữ liệu cùng các phân tích chuyên sâu trong xây dựng kế hoạch kinh doanh, chiến lược phát triển dài hạn là xu hướng mới của hệ thống ngân hàng trên thế giới. Đầu tư theo hướng này sẽ giúp các NHTM ghi nhận chi tiết, đầy đủ các dữ liệu mà NHTM muốn có về giao dịch, thói quen, hành vi khách hàng… qua đó biến các dữ liệu này trở thành nguồn thông tin hữu ích trong việc đánh giá, phân tích hành vi của khách hàng nhằm đưa ra các kế hoạch, chiến lược kinh doanh phù hợp, hiệu quả.

Thứ năm, đầu tư vào hệ thống CNTT của ngân hàng không thể không kể đến mục tiêu gia tăng các tiện ích để nâng cao sức cạnh tranh, gia tăng các trải nghiệm của khách hàng, cũng như thúc đẩy các chương trình tiếp cận khách hàng một cách sâu rộng. Nhờ đó, các NHTM ngày càng đa dạng hóa các dịch vụ theo hướng mang lại cho khách hàng sự trải nghiệm ngày càng mới mẻ, tiện ích và hiện đại.

Thực trạng ứng dụng công nghệ thông tin trong phát triển sản phẩm dịch vụ ngân hàng ở Việt Nam

Thực hiện chủ trương, chính sách của Nhà nước về ứng dụng và phát triển CNTT, thời gian qua, NHNN đã ban hành nhiều văn bản hướng dẫn thi hành, định hướng việc ứng dụng CNTT trong hệ thống ngân hàng, như: Kế hoạch ứng dụng CNTT của NHNN giai đoạn 2011-2015 ban hành kèm theo Quyết định số 627/QĐ-NHNN ngày 06/4/2011; Kế hoạch ứng dụng CNTT trong ngành Ngân hàng giai đoạn 2013 - 2015 ban hành kèm theo Quyết định số 2752/QĐ-NHNN ngày 27/11/2013; Kế hoạch ứng dụng CNTT của các TCTD giai đoạn 2017-2020 ban hành kèm theo Quyết định số 488/QĐ-NHNN ngày 27/3/2017; Kế hoạch ứng dụng CNTT của NHNN Việt Nam năm 2019 ban hành kèm theo Quyết định số 2620/QĐ-NHNN ngày 28/12/2018...

Các văn bản này cùng với các văn bản pháp luật của Nhà nước đã tạo ra khung pháp lý tương đối đầy đủ, đồng bộ, tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động ứng dụng và phát triển CNTT trong toàn bộ hệ thống ngân hàng, góp phần tạo ra những thành tựu của hệ thống ngân hàng trong những năm qua.

Các ngân hàng Việt Nam đã nghiên cứu, đầu tư mạnh mẽ các công nghệ mới vào sản phẩm, dịch vụ, hoạt động và quản trị. Nổi bật nhất là việc triển khai ứng dụng các công nghệ số của các ngân hàng như điện toán đám mây, phân tích dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo... nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động, gia tăng trải nghiệm khách hàng.

Hiện tại, hầu hết kênh phân phối, tiếp cận người tiêu dùng được các ngân hàng sử dụng trên nền tảng số, các điểm tương tác với khách hàng qua ứng dụng điện thoại thông minh, mạng xã hội... Nhờ việc ứng dụng công nghệ này mà các ngân hàng hiểu rõ hơn về thói quen, sở thích khách hàng để cung ứng sản phẩm, dịch vụ phù hợp. Chẳng hạn như: Vietcombank thử nghiệm mô hình kinh doanh số; TPBank triển khai dịch vụ ngân hàng tự động LiveBank; VietinBank xây dựng dữ liệu lớn...

Một số thành tựu trong ứng dụng CNTT phát triển sản phẩm dịch vụ ngân hàng ở Việt Nam:

Một là, chất lượng và tiện ích dịch vụ ngân hàng điện tử ngày càng được nâng cao. Đến nay, hầu hết các NHTM đều xây dựng và phát triển một ứng dụng Mobile Banking riêng. Đồng thời, khuyến khích khách hàng sử dụng thường xuyên mobile banking, internet Banking thay vì thực hiện giao dịch tại quầy. 

Ứng dụng công nghệ thông tin trong phát triển sản phẩm dịch vụ ngân hàng ở Việt Nam thời gian qua đã và đang làm thay đổi cấu trúc, phương thức hoạt động và cung cấp nhiều dịch vụ hiện đại của hệ thống ngân hàng, hình thành những sản phẩm dịch vụ tài chính mới; tạo thuận lợi cho khách hàng trong việc sử dụng dịch vụ ngân hàng hiện đại và tiết kiệm chi phí giao dịch.

Hai là, hoạt động thanh toán phát triển cả về chất và lượng với nhiều sản phẩm, dịch vụ thanh toán mới, tiện ích và hiện đại. Hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng hoạt động an toàn, hiệu quả và thông suốt, vì vậy hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt phát triển mạnh mẽ, nhất là thanh toán qua điện thoại di động và internet.

Theo NHNN, đến cuối năm 2019, giao dịch qua internet tăng 64% về số lượng giao dịch và tăng 37% về giá trị giao dịch; giao dịch qua kênh điện thoại di động tăng tương ứng 198% và 210% về số lượng và giá trị giao dịch so với cùng kỳ năm 2018. Tỷ trọng giao dịch tại ATM năm 2018 thông qua hệ thống Napas chiếm 62%, năm 2019 giảm còn 42%, trong khi tỷ trọng giao dịch thanh toán liên ngân hàng năm 2018 là 26%, năm 2019 tăng lên 48%, thể hiện sự thay đổi thói quen từ việc rút tiền qua ATM phục vụ cho việc chi tiêu hàng hàng ngày bằng tiền mặt sang thanh toán không dùng tiền mặt qua các kênh ngân hàng điện tử.

Ba là, công tác an ninh, an toàn cho hệ thống CNTT của các NHTM luôn được chú trọng nhằm đảm bảo hoạt động của toàn bộ hệ thống NHTM được liên tục, quyền lợi của khách hàng luôn được đảm bảo.

Bốn là, ứng dụng CNTT trong hệ thống ngân hàng luôn được cập nhật và nâng cao chất lượng nhằm đáp ứng tiêu chuẩn và thông lệ quốc tế về CNTT.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, thực tiễn hoạt động ứng dụng CNTT trong phát triển sản phẩm dịch vụ ngân hàng ở Việt Nam còn tồn tại một số bất cập, chưa đáp ứng yêu cầu của thực tiễn như:

-  Ứng dụng CNTT trong nâng cao năng lực quản trị điều hành cũng như kiểm soát rủi ro theo chuẩn mực của Basel II còn nhiều hạn chế. Bên cạnh đó, việc triển khai các dự án CNTT ở một số một số NHTM còn bị kéo dài do các NHTM này chưa thực sự được chuẩn hóa theo thông lệ quốc tế.

- Hệ thống ngân hàng lõi truyền thống phức tạp đang là rào cản lớn đối với sự thành công của ngân hàng số. Hệ thống CNTT lỗi thời với cấu trúc không linh hoạt và hoạt động nguyên khối cũng đang cản trở các ngân hàng phát triển lên ngân hàng số, trong khi đó việc thay đổi hệ thống rất phức tạp mất nhiều thời gian và chi phí.

- Sự phát triển ngày càng tinh vi của công nghệ số kéo theo sự gia tăng những lỗ hổng bảo mật, tạo điều kiện cho tội phạm công nghệ cao, tin tặc hoạt động. 

- Các NHTM còn thiếu hụt về nhân lực CNTT trình độ cao. Một số NHTM chưa có chính sách ưu tiên, đãi ngộ, tôn vinh nhân lực trình độ cao.

Một số giải pháp đề xuất

Để ứng dụng CNTT trong phát triển sản phẩm dịch vụ ngân hàng ở Việt Nam trong thời gian tới, các NHTM cần quan tâm đến một số giải pháp sau:

Thứ nhất, tập trung nghiên cứu, ứng dụng các công nghệ của CMCN 4.0 để từng bước hiện đại hóa, hỗ trợ hiệu quả cho việc chuyển đổi cơ cấu tổ chức, nâng cao năng lực quản trị, điều hành; Tăng tỷ trọng dịch vụ phi tín dụng, nâng cao năng lực cạnh tranh và tăng sự minh bạch.

Thứ hai, nâng cấp hệ thống ngân hàng lõi thế hệ mới theo thiết kế của ngân hàng số, với các quy trình được số hóa, quản trị thông minh, tự động hóa xử lý và kiểm soát rủi ro, gian lận dựa trên các công nghệ trí tuệ nhân tạo, phân tích dữ liệu lớn và robot tự động, để hỗ trợ hiệu quả công tác quản lý, điều hành, kinh doanh và phòng ngừa rủi ro, đáp ứng lộ trình áp dụng Basel II.

Thứ ba, đảm bảo an toàn an ninh mạng. Mỗi ngân hàng cần bảo mật về quy trình nội bộ, việc bảo mật phải được thực hiện từ chính ý thức của từng nhân viên ngân hàng.

Thứ tư, xây dựng chiến lược phát triển CNTT theo hướng chuyên nghiệp hóa; đồng thời, xây dựng cơ chế chi trả lương phù hợp để thu hút nguồn nhân lực CNTT, cũng như để họ yên tâm công hiến và gắn bó lâu dài với ngân hàng.

Thứ năm, mở rộng mạng lưới kênh dịch vụ truyền thống kết hợp với phát triển các kênh giao dịch ngân hàng hiện đại như ngân hàng trực tuyến, thanh toán qua internet, điện thoại di động, thanh toán không tiếp xúc, thanh toán qua QR Code, máy ATM thế hệ mới, đa chức năng như một phòng giao dịch ngân hàng... phù hợp với xu hướng thanh toán trên thế giới, đảm bảo thanh toán nhanh, an toàn, tiện lợi và có chi phí hợp lý.

Thứ sáu, tăng cường hợp tác với các tập đoàn, công ty CNTT trong và ngoài nước để chia sẻ kinh nghiệm, trao đổi thông tin, chuyển giao công nghệ, cập nhật các xu thế phát triển CNTT phù hợp cho ngành Ngân hàng.

Nhìn chung, ứng dụng công nghệ thông tin trong phát triển sản phẩm dịch vụ ngân hàng ở Việt Nam thời gian qua đã và đang làm thay đổi cấu trúc, phương thức hoạt động và cung cấp nhiều dịch vụ hiện đại của hệ thống ngân hàng, hình thành những sản phẩm dịch vụ tài chính mới; tạo thuận lợi cho khách hàng trong việc sử dụng dịch vụ ngân hàng hiện đại và tiết kiệm chi phí giao dịch.

 

Tài liệu tham khảo:
1. Thủ tướng Chính phủ (2017), Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 4/5/2017 về việc tăng cường năng lực tiếp cận cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0;
2. Viện Chiến lược ngân hàng (2016), Báo cáo đánh giá tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 và một số định hướng hoạt động của ngành Ngân hàng Việt Nam;
3. Tô Huy Vũ và Vũ Xuân Thanh (2016), Ngành Ngân hàng trước tác động của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, Tạp chí Ngân hàng số 15/2016;
4. Đỗ Danh Thanh (2018), Chuyển đổi số: Xu hướng tất yếu của ngành Ngân hàng, Thời báo Ngân hàng;
5. Nguyễn Thị Diệu Hồng, Phạm Thanh Hà, Nguyễn Thị Thành Vinh (2018), Định hướng phát triển ngành ngân hàng trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0, Tạp chí Kinh tế châu Á – Thái Bình Dương.