Ứng dụng di động – Miếng bánh thị phần còn lớn
Từ thời điểm bùng nổ cách đây năm năm, cơn sốt ứng dụng di động đến nay chưa hề có dấu hiệu hạ nhiệt. Các ứng dụng ngoại chen chân vào thị trường nội tạo nên sự cạnh tranh quyết liệt. Tuy nhiên, các doanh nghiệp kinh doanh ứng dụng di động, nhất là các công ty khởi nghiệp (startup), cần nghiên cứu thị trường kỹ lưỡng cũng như có các chiến lược kinh doanh bài bản, mới có thể tồn tại lâu dài trong cuộc chiến này.
Từ năm 2015, hàng loạt ứng dụng di động rầm rộ ra mắt thị trường nhưng sau đó nhiều ứng dụng lặng lẽ biến mất không kèn không trống. Nhiều kẻ đến nhưng cũng nhiều người đi nên thị trường này vẫn luôn tấp nập. May mắn là nhờ người sau học hỏi kinh nghiệm từ người trước nên chất lượng các ứng dụng di động ngày càng được nâng cao.
Nhiều doanh nghiệp làm ứng dụng di động nhận thấy muốn phát triển nhưng không đủ tiềm lực về tài chính nên bắt đầu gõ cửa các nhà đầu tư. Trong khi các doanh nghiệp nước ngoài cũng nhận thấy tiềm năng phát triển của thị trường ứng dụng di động tại Việt Nam nên đã nhảy vào cùng tranh giành miếng bánh ngon, tạo nên sự cạnh tranh ngày một khốc liệt.
Bức tranh toàn cảnh nhộn nhịp nói trên vừa là tín hiệu vui vừa là nỗi lo của các doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực này.
Cạnh tranh ở nhiều lĩnh vực
Trước đây, ứng dụng di động thường dành cho lĩnh vực giải trí. Từ năm 2018 trở đi, khái niệm ứng dụng theo nhu cầu (on-demand app) trở nên phổ biến trên toàn thế giới và bắt đầu được áp dụng cho nhiều lĩnh vực hơn, chủ yếu đáp ứng nhanh chóng và tiện lợi các nhu cầu sinh sống và làm việc hằng ngày của cộng đồng. Đến nay, các ứng dụng đã đi vào đời sống người dân để phục vụ cho nhu cầu gọi xe, giao hàng, dọn dẹp, giặt ủi, sửa chữa, mua sắm, đặt lịch hẹn, mua vé trực tuyến… Trong đó, được nhiều người dùng nhất ở Việt Nam là các ứng dụng giải trí, vận chuyển (gọi xe, giao hàng), book phòng du lịch, ứng dụng bất động sản do nhu cầu ở các lĩnh vực này tăng cao. Xu hướng này sẽ tiếp tục phát triển khi người dùng quen với sự tiện lợi, tốc độ và phương thức thanh toán được cung cấp thông qua các on-demand app cho các công việc hằng ngày.
Các ứng dụng ở một số lĩnh vực khác cũng đang được đẩy mạnh như hàng không, ngân hàng, khách sạn (dùng để quản lý nhân viên, số phòng, sổ sách, thông tin khách hàng, khách book lịch phòng…), giáo dục (thông báo và tương tác giữa thầy cô và học sinh, sinh viên, thầy cô và phụ huynh, sinh viên đăng ký môn học), y tế (quản lý bệnh nhân, là cầu nối giữa người khám bệnh, bác sĩ, phòng xét nghiệm, phòng khám và các dịch vụ khám tại nhà), các trung tâm thương mại (khách hàng tích lũy điểm, nhận khuyến mãi)…
Sân chơi nhiều đối thủ “ngoại”
Khi các “ông lớn” ngoại quốc với nguồn vốn khổng lồ và cách kinh doanh bài bản đưa các ứng dụng di động vào Việt Nam, doanh nghiệp Việt mới giật mình và lập tức đầu tư vào ứng dụng công nghệ để cạnh tranh giành thị phần. Trong đó, khá nhiều ứng dụng đã gọi được vốn đầu tư. Sân chơi trở nên chật chội khi các đối thủ nội và ngoại cùng tồn tại. Cuộc đua đến một lúc nào đó sẽ phân định rõ ai sẽ tiếp tục trụ lại và ai sẽ phải biến mất khỏi thị trường.
Sự cạnh tranh khốc liệt nhất có thể thấy rõ ở các ứng dụng vận chuyển. Khi Uber rút khỏi Việt Nam, thị trường để lại một khoảng trống cho các ứng dụng mới điều vào. Hàng loạt ứng dụng gọi xe được trình làng, nhưng sau một năm, địa bàn được chia đều cho bộ tứ Grab, Go-Viet, Be và FastGo. Các doanh nghiệp Việt rầm rộ đầu tư vào ứng dụng gọi xe công nghệ như Aber, VATO, Mai Linh Bike, MLV, Go-ixe, Xelo… để cạnh tranh với Grab. Không lâu sau, một số tân binh đã mất hút trên thị trường. Điều đó cho thấy “nội lực” của doanh nghiệp Việt còn yếu trong cuộc đua đòi hỏi sức mạnh về tài chính và chiến lược kinh doanh. Hiện tại, ngoài bộ tứ còn có Aber, VATO, Tada là còn hoạt động.
Không thua kém ứng dụng gọi xe, các ứng dụng giao hàng cũng tranh đua quyết liệt. Lala rời cuộc chơi. Grab tăng tốc chiếm thị trường, sở hữu grabfood.com. Foody (Now.vn) mua tên miền grabfood.vn. Grab bắt tay với VinID để giao hàng tạp hóa, tương tự như dịch vụ đi chợ của Now. Go-Viet với phương châm cạnh tranh về giá hiện đang là đối thủ ngang ngửa với Grab. Vietnammm đổ tiền vào tiếp thị (marketing). Không lâu sau, một startup tại Hàn Quốc là Woowa Brothers Corp đã mua lại Vietnammm và cho ra đời ứng dụng giao đồ ăn Baemin. Với tiềm lực tài chính lớn nhờ kêu gọi đầu tư và kinh nghiệm hơn tám năm trong lĩnh vực giao đồ ăn, Baemin trở thành một đối thủ rất đáng gờm.
Khi thị trường trở nên chật chội, chọn thị trường ngách để kinh doanh là ý tưởng khôn ngoan. Công ty ADiDi cũng tấn công vào thị trường giao hàng, nhưng ứng dụng ADiDi lại chuyên giao hàng và lắp đặt hàng điện tử, điện máy và điện gia dụng. Ứng dụng gọi xe cũng được mở rộng ra cho lĩnh vực vận tải gồm Ahamove, Logivan, Bonbon24h. Các lĩnh vực khác cũng cạnh tranh không kém, đáng kể nhất là các ứng dụng về đặt phòng du lịch, ứng dụng bất động sản và sắp tới đây sẽ là thời kỳ bùng nổ của các ứng dụng về y tế.
Miếng bánh không dễ xơi
Người ta dễ có cảm giác là việc thiết kế một ứng dụng di động rất dễ, vì chỉ cần vài chục triệu đồng là người mua đã có ngay được một ứng dụng bán hàng. Đó là lý do hàng loạt các ứng dụng di động ra đời ồ ạt. Tuy nhiên, sau khi vận hành một thời gian, những ứng dụng kém chất lượng, không thân thiện và không đáp ứng được nhu cầu của người dùng đã bị thị trường đào thải.
Quy trình thiết kế một ứng dụng di động hoàn chỉnh rất phức tạp. Doanh nghiệp cần hiểu rõ mới có thể lựa chọn giải pháp đúng đắn. Bên cạnh đó, phải có nguồn vốn mạnh để tiếp sức cho một chiến lược dài hơi. Nhưng yếu tố quyết định lại nằm ở việc doanh nghiệp hiểu nhu cầu thị trường sâu đến đâu. Rất nhiều startup đầu tư vài tỉ đồng vào việc xây dựng ứng dụng, nhưng sau khi tung ra thị trường, ứng dụng không tìm được người dùng do không hiểu người dùng muốn gì, cần gì, cuối cùng phải “chết yểu”.
Trong bối cảnh các nhà đầu tư nước ngoài đang dòm ngó thị trường ứng dụng di động Việt Nam, mảnh đất dành cho ứng dụng di động trở nên màu mỡ. Các doanh nghiệp Việt, nhất là các startup cần có lộ trình nghiên cứu thị trường, xây dựng, phát triển sản phẩm của mình một cách bài bản, đồng thời cũng hiểu rõ hành lang pháp lý cũng như cập nhật các chính sách của nhà nước để đủ sức kêu gọi vốn đầu tư, đồng thời cạnh tranh ngang ngửa với các đối thủ mạnh.