Ứng dụng đường trung bình động trong dự báo lợi nhuận trên thị trường chứng khoán Việt Nam

TS. Nguyễn Thị Bảo Ngọc - Trường Đại học Nha Trang

Nghiên cứu này phân tích khả năng sinh lời của các chiến lược giao dịch dựa trên kỹ thuật đường trung bình động (MA) trên thị trường chứng khoán Việt Nam, cụ thể là Sở Giao dịch Chứng khoán TP. Hồ Chí Minh, giai đoạn 1/2007 - 12/2022, thông qua đánh giá hiệu quả của 5 chiến lược (MA10, MA20, MA50, MA100 và MA200) trong các bối cảnh thị trường khác nhau. Kết quả cho thấy chiến lược ngắn hạn như MA10 và MA20 mang lại lợi nhuận cao hơn trong thị trường biến động cao. Trong khi đó, chiến lược dài hạn như MA200 phát huy hiệu quả trong thị trường biến động thấp, cung cấp lợi nhuận ổn định khi thị trường xấu đi. Nghiên cứu góp phần cung cấp thông tin hữu ích cho nhà đầu tư và các tổ chức tài chính trong việc tối ưu hóa chiến lược giao dịch.

Giới thiệu

Kỹ thuật đường trung bình động (MA) là một công cụ phổ biến và hiệu quả được sử dụng trong phân tích kỹ thuật để xác định các tín hiệu mua và bán tiềm năng trên thị trường tài chính. Nghiên cứu này tập trung vào Sở Giao dịch Chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh (HOSE) Việt Nam, một thị trường mới nổi được biết đến với sự biến động và thông tin chưa hoàn hảo. Các thị trường mới nổi như Việt Nam thường phụ thuộc nhiều hơn vào phân tích kỹ thuật do sự hạn chế trong việc cung cấp thông tin cơ bản (Ko và cộng sự, 2014). Do đó, nghiên cứu này đóng vai trò quan trọng trong việc hiểu rõ cách mà các chiến lược MA hoạt động trên thị trường như Việt Nam.

Nghiên cứu này đóng góp ba vấn đề: Thứ nhất, bổ sung vào các nghiên cứu đang phát triển về các chiến lược giao dịch kỹ thuật ở các thị trường mới nổi. Trong khi các nghiên cứu trước đây tập trung vào các thị trường phát triển, nghiên cứu này lấp đầy khoảng trống bằng cách cung cấp bằng chứng thực nghiệm từ Việt Nam, một thị trường đang phát triển nhanh với những đặc điểm riêng biệt. Thứ hai, nghiên cứu mở rộng các công trình trước đây bằng cách đánh giá hiệu quả của chiến lược MA trong giai đoạn thị trường biến động cao và thấp. Cách tiếp cận toàn diện này mang đến sự hiểu biết sâu sắc hơn về cách các yếu tố thị trường cụ thể ảnh hưởng đến sự thành công của chiến lược MA. Thứ ba, nghiên cứu tích hợp chi phí giao dịch vào phân tích, khắc phục một hạn chế lớn trong các nghiên cứu trước. Bằng cách xem xét chi phí giao dịch thực tế, nghiên cứu cung cấp đánh giá thực tế hơn về lợi nhuận của MA.

Tổng quan tài liệu và phát triển giả thuyết nghiên cứu

Nhiều nghiên cứu thực nghiệm đã kiểm tra dạng yếu của giả thuyết thị trường hiệu quả bằng cách đánh giá tính sinh lợi của các chiến lược giao dịch khác nhau. Bằng chứng về lợi nhuận đáng kể từ việc sử dụng các chiến lược MA, đặc biệt trong giai đoạn biến động, đặt ra thách thức đối với khái niệm về tính hiệu quả của thị trường (Brock và cộng sự, 1992).

Nhiều nghiên cứu ủng hộ tính hữu ích của đường trung bình động trong việc tạo ra lợi nhuận vượt trội. Ví dụ, Brock và cộng sự (1992) đã chứng minh sức mạnh dự báo của chiến lược MA đối với lợi suất cổ phiếu, đặc biệt trong các thị trường biến động. Đường trung bình động thậm chí còn sinh lợi cao hơn khi áp dụng vào các thị trường chứng khoán mới nổi (Fifield và cộng sự, 2008). Hung và Zhaojun (2013) xác nhận phát hiện rằng chiến lược MA có khả năng dự báo tốt hơn ở Việt Nam so với các thị trường châu Á khác. Tương tự, Shieh và cộng sự (2022) đã báo cáo lợi nhuận bất thường đáng kể, đặc biệt đối với các cổ phiếu có tính đồng bộ thấp, với lợi suất hàng năm đạt 18,05%. Dựa trên những phát hiện này, nghiên cứu đề xuất kiểm tra giả thuyết:

H1: Công cụ phân tích kỹ thuật dựa trên quy tắc giao dịch đường trung bình động có thể đạt hiệu quả vượt trội trên thị trường chứng khoán Việt Nam.

Mô tả dữ liệu

Dữ liệu nghiên cứu bao gồm chỉ số VN-index đo lường sự biến động về giá của toàn bộ các mã cổ phiếu được niêm yết trên HOSE, kéo dài từ ngày 2/1/2007 đến ngày 30/12/2022.

Kết quả thực nghiệm

Bảng 1: Kiểm định tính dừng

Kiểm định Augmented Dickey-Fuller

Độ trễ (n)

Thống kê Tau

p-value

5

−23.40***

<0.01

10

−18.26***

<0.01

20

−12.78***

<0.01

Kiểm định Phillips-Perron

Độ trễ (n)

Thống kê Tau

p-value

5

−55.31***

<0.01

10

−55.73***

<0.01

20

−56.17***

<0.01

Nguồn: Tác giả tính toán từ SAS

Bảng 2: Ứng dụng chiến lược MA trên HOSE

Bảng A: Kết quả giao dịch MA (không bao gồm chi phí giao dịch)

Chiến lược MA

Số giao dịch

Lợi nhuận trung bình/giao dịch

Thời gian trung bình nắm giữ (ngày)

Lợi nhuận

hàng năm

MA10

254

1.521% [4.45]***

9.67

39.306%

MA20

165

2.165% [4.71]***

14.22

38.058%

MA50

91

2.861% [4.86]***

25.12

28.469%

MA100

81

1.782% [2.21]**

27.72

16.072%

MA200

49

2.524% [3.08]***

44.41

14.209%

Bảng B: Kết quả giao dịch MA (đã bao gồm chi phí giao dịch)

Chiến lược MA

Số giao dịch

Lợi nhuận trung bình/giao dịch

Thời gian trung bình nắm giữ (ngày)

Lợi nhuận

hàng năm

MA10

254

1.115% [3.28]***

9.67

28.827%

MA20

165

1.757% [3.84]***

14.22

30.886%

MA50

91

2.449% [4.18]***

25.12

24.381%

MA100

81

1.375% [1.71]*

27.72

12.405%

MA200

49

2.115% [2.59]**

44.41

11.904%

Nguồn: Tác giả tính toán từ SAS

Bảng 3: Ứng dụng chiến lược MA trên HOSE: Thời kỳ thị trường biến động cao và thấp

 

Thời kỳ biến động cao

Thời kỳ biến động thấp

Cao-Thấp

Chiến lược MA

Số giao dịch

Lợi nhuận trung bình/giao dịch

Thống kê T

Số giao dịch

Lợi nhuận trung bình/giao dịch

Thống kê T

Lợi nhuận trung bình/giao dịch

Thống kê T

MA10

111

1.911%

[2.79]***

143

0.498%

[1.77]*

1.414%

[2.07]**

MA20

65

3.503%

[2.75]***

100

0.622%

[1.54]

2.881%

[2.52]**

MA50

37

4.623%

[2.14]**

54

0.961%

[1.39]

3.662%

[1.86]*

MA100

34

2.632%

[0.89]

47

0.466%

[0.38]

2.166%

[1.70]*

MA200

17

7.182%

[1.40]

32

−0.578%

[−1.19]

7.760%

[2.06]**

Nguồn: Tác giả tính toán từ SAS

Kiểm định tính dừng

Để đánh giá sự tồn tại của gốc đơn vị trong chuỗi thời gian của mẫu dữ liệu, cả hai kiểm định Augmented Dickey-Fuller (ADF) (Dickey và Fuller, 1981) và kiểm định Phillips-Perron (PP) (Phillips và Perron, 1988) đã được áp dụng bằng cách ước lượng mô hình sau:

Trong đó, RETt là lợi suất hàng ngày của chỉ số VN-Index vào ngày t. Các độ trễ bậc n của sai phân bậc nhất xấp xỉ động thái mô hình trung bình động tự hồi quy (ARMA) của chuỗi thời gian. β_0 là hằng số và t là xu hướng thời gian.

Theo Bảng 1, giả thuyết gốc đơn vị bị bác bỏ. Cả hai kiểm định ADF và PP đều có ý nghĩa thống kê ở mức 1%. Những kết quả này cho thấy lợi suất của chỉ số VN-Index trong giai đoạn nghiên cứu là chuỗi dừng.

Hiệu quả của quy tắc giao dịch theo đường trung bình động

Để đánh giá việc áp dụng chiến lược MA trên HOSE, nghiên cứu áp dụng phương pháp của Brock, Lakonishok, và LeBaron (1992) để xem xét các chiến lược MA với chu kỳ 10, 20, 50, 100 và 200 ngày.

MAN,t=(Pt-(N-1)+Pt-(N-2)+...+Pt-1+Pt )⁄N, N=10,20,50,100 và 200

Trong đó, P_t là giá hàng ngày của chỉ số trên HOSE vào ngày t. MA_(N,t) là giá trung bình động N ngày vào ngày t. Theo phương pháp của Han, Yang, và Zhou (2013), nghiên cứu áp dụng các quy tắc giao dịch MA như sau: (1) tín hiệu mua—nếu P_(t-1) ≥ MA_(N,t-1) và (2) tín hiệu bán—nếu P_(t-1)< MA_(N,t-1). Số lần giao dịch là tổng số giao dịch thực hiện. Lợi suất trung bình trên mỗi giao dịch theo quy tắc mua rồi bán của MA. Lợi suất hàng năm được tính là (Lợi suất trung bình trên mỗi giao dịch/Thời gian nắm giữ trung bình) x 250. Bảng A và B báo cáo kết quả không có và có tính đến chi phí giao dịch. Theo quy tắc giao dịch trên HOSE, chi phí giao dịch được tính là 0,15% khi thực hiện mua vào dựa trên tín hiệu mua của MA và 0,25% (0,15% phí bán + 0,1% thuế giao dịch chứng khoán) khi bán dựa trên tín hiệu bán của MA.

Bảng A nhấn mạnh rằng, các chiến lược MA ngắn hạn (MA10 và MA20), tạo ra nhiều giao dịch và lợi suất hàng năm cao hơn so với các MA dài hạn. Tuy nhiên, giao dịch thường xuyên làm gia tăng chi phí giao dịch. Ngược lại, các chiến lược MA dài hạn (MA50, MA100, MA200) liên quan đến ít giao dịch hơn và thời gian nắm giữ lâu hơn. Mặc dù chúng tạo ra lợi suất cao hơn trên mỗi giao dịch trong một số trường hợp, nhưng lợi suất hàng năm tổng thể của chúng lại thấp hơn do tần suất giao dịch giảm. Sau khi tính đến chi phí giao dịch, Bảng B xác nhận rằng tất cả các chiến lược vẫn mang lại lợi suất có ý nghĩa thống kê, cho thấy rằng các chiến lược dựa trên MA vẫn hiệu quả ngay cả khi tính đến các chi phí thực tế, ủng hộ giả thiết nghiên cứu H1. Các chiến lược dài hạn, mặc dù tạo ra ít giao dịch hơn và lợi suất hàng năm thấp hơn, có thể là lựa chọn ưu tiên cho các nhà đầu tư đang tìm kiếm giao dịch ổn định hơn.

Xem xét độ biến động thị trường

Nghiên cứu này điều tra hiệu quả của các chiến lược MA trên HOSE trong các giai đoạn có độ biến động cao và thấp. Độ biến động thị trường cao được định nghĩa là các năm mà độ lệch chuẩn của lợi suất hàng ngày vượt quá mức trung vị cho giai đoạn từ năm 2007 đến năm 2022, bao gồm các năm 2007, 2008, 2009, 2012, 2013, 2018, 2020 và 2022.

Kết quả trình bày trong Bảng 3 cho thấy, các thị trường biến động mạnh ưu tiên các chiến lược MA ngắn và trung hạn (MA10, MA20, MA50). Điều này có thể là do khả năng phản ứng nhanh chóng với sự thay đổi giá, giúp các nhà giao dịch nắm bắt hiệu quả các xu hướng mới nổi. Chiến lược MA200 dài hạn cũng thể hiện hiệu suất mạnh mẽ trong giai đoạn biến động, nhưng có xu hướng chịu lỗ trong thị trường có độ biến động thấp, khi các dao động giá là tối thiểu. Do đó, nhà đầu tư nên cân nhắc đến độ biến động của thị trường khi áp dụng các chiến lược MA, sử dụng các MA ngắn và trung hạn trong giai đoạn biến động cao, đồng thời áp dụng các phương pháp thận trọng hơn trong điều kiện biến động thấp.

* Bài báo này được thực hiện với sự tài trợ từ đề tài cấp trường thuộc Trường Đại học Nha Trang, mã số TR-2023-13-44.

Tài liệu tham khảo:

  1. Brock, W., Lakonishok, J., & LeBaron, B. (1992). Simple technical trading rules and the stochastic properties of stock returns. The Journal of finance, 47(5), 1731-1764;
  2. Dickey, D. A., & Fuller, W. A. (1981). Likelihood ratio statistics for autoregressive time series with a unit root. Econometrica: journal of the Econometric Society, 1057-1072;
  3. Fifield, S. G. M., Power, D. M., & Knipe, D. G. S. (2008). The performance of moving average rules in emerging stock markets. Applied Financial Economics, 18(19), 1515-1532;
  4. Han, Y., Yang, K., & Zhou, G. (2013). A new anomaly: The cross-sectional profitability of technical analysis. Journal of Financial and Quantitative Analysis, 48(5), 1433-1461;
  5. Shieh, L. F., Huang, C. H., Chang, I. C., & Ke, D. Y. (2022). Stock Price Synchronicity and Technical Trading Effectiveness. Modern Economy, 13(12), 1577-1598.
Bài đăng trên Tạp chí Tài chính kỳ 1 tháng 11/2024