Ứng dụng và phát triển công nghệ tài chính tại Việt Nam
Công nghệ tài chính là thuật ngữ không còn xa lạ với lĩnh vực tài chính. Cùng với sự phát triển của Cách mạng công nghiệp 4.0, ngày càng nhiều người tiêu dùng sử dụng các sản phẩm, dịch vụ từ công nghệ tài chính. Tuy nhiên, đi cùng với những cơ hội phát triển, công nghệ tài chính tại Việt Nam vẫn còn không ít khó khăn, thách thức. Trên cơ sở đánh giá thực trạng công nghệ tài chính tại Việt Nam trong những năm qua, bài viết đề xuất một số giải pháp phát triển lĩnh vực này.
Thực trạng áp dụng công nghệ trong hoạt động tài chính tại Việt Nam
Fintech được hiểu là công nghệ tài chính, với những ứng dụng mới nhất về công nghệ trong lĩnh vực ngân hàng – tài chính. Nằm trong xu hướng Cách mạng công nghiệp 4.0 (CMCN 4.0), Fintech đã và đang mang tới những sự đổi mới, sáng tạo làm thay đổi bộ mặt của hệ thống ngân hàng - tài chính truyền thống khi chuyển sang công nghệ ngân hàng số. Fintech giúp các ngân hàng, công ty chứng khoán, bảo hiểm… có thể giải quyết tính thiếu hiệu quả của các sản phẩm, dịch vụ tài chính truyền thống vốn bị giới hạn về thời gian, không gian cũng như quy trình, thủ tục giao dịch phức tạp...
Bên cạnh đó, Fintech cũng đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy phổ cập tài chính của các quốc gia thông qua tăng cường khả năng tiếp cận dịch vụ tài chính tới một bộ phận người dân chưa có tài khoản ngân hàng hoặc khó khăn trong tiếp cận các dịch vụ tài chính – ngân hàng truyền thống; hỗ trợ các quốc gia nhanh chóng đạt được mục tiêu phổ cập tài chính, qua đó thúc đẩy sự phát triển cũng như công bằng xã hội.
Trong bối cảnh CMCN 4.0, việc Chính phủ số hóa, các doanh nghiệp số hóa và ngân hàng số hóa đang tạo điều kiện cho người dân Việt Nam quen dần với việc thanh toán không dùng tiền mặt và chấp nhận sử dụng các dịch vụ thanh toán điện tử tiện ích, dịch vụ thanh toán trên các thiết bị di động.
Lĩnh vực Fintech ở Việt Nam hiện đang trong giai đoạn đầu phát triển ở dưới mức tiềm năng, do hệ sinh thái chưa có sự liên kết chặt chẽ giữa các chủ thể (Chính phủ, tổ chức tài chính và các doanh nghiệp Fintech, quỹ đầu tư, hạ tầng tài chính - viễn thông...) và khuôn khổ pháp lý quản lý lĩnh vực Fintech chưa được đồng bộ. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, hoạt động Fintech tại Việt Nam đã có những bước phát triển nhanh vượt bậc cả về mặt số lượng, sự đa dạng trong sản phẩm, dịch vụ và thu hút vốn đầu tư.
Hợp tác giữa các công ty Fintech và các ngân hàng vẫn là xu hướng chính và chủ đạo trong những năm qua tại Việt Nam. Cụ thể, đối với lĩnh vực trung gian thanh toán, 100% các công ty trung gian thanh toán do Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cấp giấy phép hoạt động đều hợp tác với các ngân hàng trong quá trình hoạt động cung ứng dịch vụ. Đối với các lĩnh vực khác, qua khảo sát của NHNN cho thấy, sự hợp tác giữa các công ty Fintech và các ngân hàng cũng rất chặt chẽ trên cơ sở đôi bên cùng có lợi, dựa trên những lợi thế riêng của từng bên để mang lại các sản phẩm, dịch vụ với nhiều trải nghiệm hơn, chất lượng hơn và quan trọng là chi phí hợp lý hơn cho khách hàng.
Hệ thống ngân hàng cũng đang tập trung nguồn lực để nghiên cứu, đầu tư và phát triển các công nghệ mới ứng dụng vào dịch vụ của mình như mã hóa thông tin thẻ, thanh toán thẻ chíp tiếp xúc và phi tiếp xúc, thanh toán trên thiết bị di động… Nhờ đó, nhiều sản phẩm, dịch vụ thanh toán hiện đại mang lại nhiều trải nghiệm và lợi ích cho khách hàng đã được liên tục ra đời. Hiện nay, khách hàng có thể sử dụng được nhiều dịch vụ ngân hàng hơn trên thiết bị di động so với đến giao dịch trực tiếp tại ngân hàng; giao dịch thanh toán thông qua hai kênh điện thoại di động và Internet có mức tăng trưởng ấn tượng.
Theo nghiên cứu của Solidiance, thị trường Fintech Việt Nam đạt 4,4 tỷ USD giá trị giao dịch vào năm 2017 và đạt khoảng 7,8 tỷ USD vào năm 2020, tương đương với mức tăng 77% trong vòng 3 năm. Báo cáo Fintech News Singapore cho thấy, số lượng các công ty Fintech đã tăng gấp gần 3 lần từ khoảng 40 công ty cuối năm 2017 lên tới con số khoảng 115 công ty ở thời điểm cuối năm 2020. Xét về thị phần, mặc dù, tỷ trọng các công ty Fintech hoạt động trong lĩnh vực thanh toán đã giảm so với toàn thị trường nhưng cùng với lĩnh vực cho vay ngang hàng vẫn là một trong hai lĩnh vực chủ đạo. Tính đến tháng 10/2020, Việt Nam có 39 nhà cung cấp dịch vụ phi ngân hàng được cấp phép, với 5 ví điện tử lớn nhất là: MoMo, Payoo, Moca, Zalo Pay và ViettelPay.
Theo số liệu của Asian Banker Research, năm 2020, tại Việt Nam tổng số người dùng ví điện tử vượt mốc 10 triệu người trên tổng số 100 triệu dân. Số liệu này cho thấy vẫn còn nhiều cơ hội để phát triển trong lĩnh vực thanh toán trong nước. Sự sôi động và hấp dẫn của ví điện tử đã thu hút các ngân hàng thương mại cũng như các công ty, tập đoàn công nghệ lớn từng bước thâm nhập vào thị trường.
Đến nay, một số ngân hàng đã phát triển hệ thống thanh toán điện tử. Điển hình như: Ví điện tử Bank Plus ra đời là sự kết nối giữa Viettel và MBBank bảo trợ; VPBank với Timo và Maritime Bank với MEED, LienVietPostbank với Ví Việt. Tháng 12/2018, Sacombank ra mắt ví Sacombank Pay được tích hợp đầy đủ các tính năng, tiện ích ngân hàng hiện đại nhằm mang đến cho khách hàng nhiều trải nghiệm trong lĩnh vực ngân hàng số. Sacombank Pay với QR code đạt chuẩn quốc tế và hệ sinh thái rất lớn đem đến nhiều tiện ích cho người dùng.
Về hoạt động thu hút đầu tư, các công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực thanh toán của Việt Nam tiếp tục phát triển và thu hút được sự quan tâm của các nhà đầu tư, hoạt động cho vay ngang hàng (P2P lending). Một số doanh nghiệp nước ngoài chọn cách bắt tay với các doanh nghiệp nội trong cuộc đua giành thị phần ví điện tử phải kể đến Quỹ đầu tư Standard Chartered Private Equity và Ngân hàng đầu tư toàn cầu Goldman Sachs đã hợp tác với CTCP M_Services bỏ vốn vào Momo. VNPT Epay có 65% vốn sở hữu thuộc quỹ đầu tư của Hàn Quốc; 90% vốn của CTCP 1Pay thuộc về Tập đoàn TrueMoney đến từ Thái Lan… Trong khi đó, một số doanh nghiệp có tiềm lực tài chính mạnh lại chọn cách tự tạo ra sản phẩm của chính mình thâm nhập vào thị trường Việt Nam. EVENS E-CASH, một doanh nghiệp công nghệ đến từ Hàn Quốc chính thức có mặt tại thị trường Việt Nam.
Lĩnh vực Fintech còn thu hút được sự quan tâm đặc biệt của các công ty, doanh nghiệp công nghệ lớn tại Việt Nam như: FPT, Viettel, VNPT… qua các hoạt động trực tiếp và gián tiếp như đầu tư hình thành các công ty Fintech, thành lập các quỹ đầu tư, vườn ươm hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp Fintech…
Liên quan đến tỷ lệ vốn đầu tư mạo hiểm đổ vào các doanh nghiệp Fintech của Việt Nam, theo báo cáo mới nhất “Fintech khu vực ASEAN: từ khởi nghiệp đến mở rộng quy mô” do Ngân hàng UOB, PwC và Hiệp hội Fintech Singapore (SFA) công bố, Singapore là quốc gia có tỷ lệ vốn đầu tư vào Fintech lớn nhất khu vực ASEAN (51%) và lượng vốn đầu tư vào thị trường Fintech tại Việt Nam chiếm 36%. Điều này cho thấy, mặc dù lĩnh vực Fintech tại Việt Nam đang trong giai đoạn đầu của sự phát triển, song lĩnh vực này đã nhận được sự quan tâm lớn do sự năng động của các doanh nghiệp Fintech và sự hỗ trợ tích cực cho đổi mới sáng tạo của Chính phủ, giúp Việt Nam trở thành một điểm đến đầu tư hấp dẫn, đầy tiềm năng đối với các nhà đầu tư nước ngoài.
Thách thức đối với sự phát triển của Fintech
Theo dự báo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, đến năm 2025, tín dụng cá nhân sẽ chiếm khoảng 24% thị trường ứng dụng công nghệ trong dịch vụ tài chính. Nhu cầu tài chính cá nhân ở Việt Nam được cho là sẽ tiếp tục tăng trưởng trong thời gian tới, tuy nhiên, đi cùng với những cơ hội phát triển công nghệ tài chính Fintech tại Việt Nam vẫn còn không ít thách thức, cụ thể:
Một là, hành lang pháp lý chưa thực sự đầy đủ, nhất là đối với những công nghệ mới. Thời gian cập nhật, sửa đổi, bổ sung pháp lý còn chậm so với tốc độ phát triển chóng mặt của công nghệ. Còn tồn tại khoảng trống pháp lý trong lĩnh vực Fintech tại Việt Nam, đặc biệt là về hoạt động của ví điện tử, Mobile Money. Việc tạo lập môi trường pháp lý và chính sách đầy đủ, nhằm hoàn thiện và phát triển các giải pháp công nghệ tài chính, phù hợp với nhu cầu thị trường và khuôn khổ pháp lý theo thông lệ đang đặt ra có tính cấp bách, nhằm thúc đẩy các hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt an toàn, hạn chế rủi ro xảy ra cho khách hàng khi tham gia sử dụng các dịch vụ công nghệ ngân hàng số.
Hai là, CMCN 4.0 và xu hướng Fintech thúc đẩy sự cạnh tranh mạnh mẽ, thu hút đông đảo các công ty cung cấp giải pháp công nghệ, các doanh nghiệp bán hàng hóa và cung cấp dịch vụ hợp tác với các ngân hàng thương mại (NHTM) thực hiện thanh toán điện tử, đáp ứng nhu cầu các sản phẩm dịch vụ tiện ích ngày càng cao của khách hàng, tối đa hóa lợi nhuận của ngân hàng.
Tuy nhiên, xu hướng này cũng đặt ra các thách thức lớn cho cộng đồng ngân hàng bởi các công ty Fintech cạnh tranh thu hút khách hàng, mở rộng thị phần, đặc biệt là trong các giao dịch cho vay trực tuyến, cho vay ngang hàng, quản lý tài chính, quản lý danh mục đầu tư… lĩnh vực trước đây được coi là hoạt động kinh doanh truyền thống, sân chơi riêng của các NHTM. Do đó, nếu các NHTM không chủ động ứng dụng công nghệ mới, mạnh dạn đầu tư trang thiết bị hiện đại thì sẽ bị mất thị phần, mất khách hàng.
Ba là, cơ sở hạ tầng công nghệ của Việt Nam chưa đáp ứng yêu cầu của sự phát triển công nghệ cao, đặc biệt là công nghệ bảo mật.
Bốn là, các doanh nghiệp Fintech thường gặp khó khăn về mô hình kinh doanh, mô hình quản trị cũng như đường hướng phát triển lâu dài, điều này khiến cho doanh nghiệp khó có thể phát triển lớn mạnh.
Năm là, ý thức của người tiêu dùng sản phẩm Fintech còn hạn chế, đôi khi tạo ra những “lỗ hổng bảo mật”. Người dân còn chưa có ý thức trong việc bảo mật những thông tin cá nhân như họ và tên, số chứng minh nhân dân, hộ chiếu, địa chỉ, ngày tháng năm sinh, số tài khoản… Điều này làm gia tăng nguy cơ ảnh hưởng đến tài khoản của chính người tiêu dùng cũng như các tổ chức tài chính.
Sáu là, ngành Ngân hàng, Tài chính hiện nay đang phải đối mặt với xu hướng thiếu hụt nhân sự chất lượng cao trong các lĩnh vực chuyên sâu gắn với ngân hàng và công nghệ. Việc chuyển đổi số ngân hàng đòi hỏi lực lượng nhân sự nắm vững về các công nghệ mới nổi của CMCN 4.0 như trí tuệ nhân tạo, Big Data, Data analytics hay Blockchain... Nguồn nhân lực được đào tạo trong nước chưa đáp ứng được khi các chương trình đào tạo đại học còn thay đổi chậm so với xu thế.
Bảy là, CMCN 4.0 với các ứng dụng công nghệ hiện đại cũng có khả năng gây ra nguy cơ giảm việc làm cho người lao động khi người dân lựa chọn hình thức giao dịch điện từ nhiều hơn. Các doanh nghiệp trong lĩnh vực tài chính cũng đối mặt với nguy cơ an ninh mạng, mất các cơ sở dữ liệu cá nhân... Trong khi đó, việc ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác quản lý giám sát hoạt động kinh doanh tài chính đối với cơ quan giám sát cũng cao hơn nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn đặt ra.
Giải pháp đẩy mạnh ứng dụng và phát triển công nghệ tài chính tại Việt Nam
Thời gian tới, nhằm đẩy mạnh ứng dụng và phát triển công nghệ tài chính tại Việt Nam, cần chú trọng một số giải pháp sau:
Thứ nhất, tiếp tục hoàn thiện đồng bộ các quy định pháp lý về Fintech. Theo đó, cần thiết lập các quy tắc và quy định cho hệ sinh thái Fintech; Tập trung xây dựng hành lang pháp lý về hoạt động cung cấp dịch vụ/sản phẩm Fintech; Nhanh chóng xây dựng quy định pháp lý về tiền ảo, tiền điện tử, công nhận nó như một loại “tài sản ảo”; Quy định các tiêu chuẩn của danh mục sản phẩm và dịch vụ để các công ty Fintech hoạt động minh bạch, bao gồm các hoạt động tín dụng; tiết kiệm; các dịch vụ thanh toán, chuyển tiền trực tuyến; đầu tư, bảo hiểm, tư vấn tài chính; phân tích dữ liệu…
Thứ hai, xây dựng chiến lược phát triển, chính sách phát triển, tầm nhìn phát triển Fintech gắn với phát triển hệ thống tài chính - ngân hàng và nền kinh tế. Coi sự phát triển của Fintech gắn liền với đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ vào lĩnh vực tài chính - ngân hàng là một bộ phận của ngành Tài chính - ngân hàng, chịu sự quản lý của ngành nghề đặc thù. Bên cạnh đó, có các chính sách miễn, giảm thuế; chính sách hỗ trợ tiếp cận các nguồn vốn; tạo môi trường cho đầu tư Fintech, hợp tác với các tổ chức tài chính- ngân hàng truyền thống.
Thứ ba, thúc đẩy nghiên cứu và ứng dụng những lợi ích của công nghệ blockchain, công nghệ sổ cái phân tán... để áp dụng nhanh chóng trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng và các lĩnh vực khác do những lợi ích từ công nghệ này là rất lớn, tránh nguy cơ tụt hậu trước sự phát triển nhanh chóng và mạnh mẽ của CMCN 4.0.
Thứ tư, có giải pháp hỗ trợ, định hướng, ưu đãi để nâng cao trình độ nguồn nhân lực cho ứng dụng và quản lý Fintech; Có cơ chế khuyến khích đào tạo nhân lực va thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao cho phát triển Fintech. Đồng thời, tranh thủ sự hỗ trợ kỹ thuật và tư vấn của các tổ chức quốc tế như: ADB, WBG... và hợp tác song phương với các cơ quan quản lý các nước để trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm hữu ích trong quản lý các doanh nghiệp Fintech.
Thứ năm, khuyến khích đa dạng hóa sản phẩm và phổ cập kiến thức về Fintech đến người tiêu dùng. Trên cơ sở phát triển những sản phẩm Fintech chủ yếu là thanh toán và chuyển tiền, cần mở rộng các sản phẩm tiềm năng khác như quản lý tài chính, cho vay, tiết kiệm… nhằm đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách hàng.
Thứ sáu, tăng cường an ninh mạng, bảo mật, an toàn thông tin: Cần có biện pháp đảm bảo an ninh, an toàn cho các hệ thống thanh toán quan trọng; Phối hợp chặt chẽ, hiệu quả với các cơ quan chức năng bảo vệ pháp luật. Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước nên chủ động theo dõi, cập nhật tình hình an ninh mạng trong nước và quốc tế để cảnh báo cũng như chỉ đạo các đơn vị kịp thời phòng chống, xử lý các rủi ro, lỗ hổng bảo mật công nghệ thông tin.
Thứ bảy, bên cạnh việc khuyến khích sự phát triển của Fintech, cần tăng cường trao đổi, phối kết hợp giữa các cơ quan chức năng nhằm nâng cao chất lượng quản lý, giám sát những lĩnh vực mới, hoàn thiện thể chế, bộ máy quản lý Fintech.
Tài liệu tham khảo:
1. Chính phủ (2012), Nghị định số 101/2012/NĐ-CP về thanh toán không dùng tiền mặt;
2. Chính phủ (2016), Nghị định số 80/2016/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 101/2012/NĐ-CP về thanh toán không dùng tiền mặt ban;
3. Thủ tướng Chính phủ (2015), Nghị quyết số 36a/NQ-CP ngày 14/10/2015 về Chính phủ điện tử;
4. https://microfinance.vn/wp-content/uploads/2019/06/a.pdf; https://fintechnews.sg/; http://www.ssc.gov.vn.
(*) Vũ Thị Ánh Tuyết, TS. Vũ Thị Thanh Thủy - Trường Đại học Lao động – xã hội.
(**) Bài đăng trên Tạp chí Tài chính kỳ 2 tháng 6/2021.