Xu hướng hợp tác giữa các ngân hàng và công ty công nghệ tài chính tại Việt Nam
Hệ thống ngân hàng Việt Nam đang phải đối mặt với áp lực cạnh tranh rất lớn cần phải đổi mới để có thể duy trì và phát triển bền vững trong kỷ nguyên số hóa, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng đối với các sản phẩm tài chính trước sự xuất hiện của các công ty cung cấp các sản phẩm công nghệ tài chính (gọi tắt là Fintech). Những thách thức đó vừa thúc đẩy cạnh tranh để cùng phát triển, đồng thời vừa gợi ý cho mô hình hợp tác giữa khu vực Fintech và ngân hàng trong việc phát triển sản phẩm, dịch vụ tài chính mới.
Xu hướng hợp tác giữa ngân hàng và công ty Fintech tại Việt Nam
Fintech (công nghệ tài chính) có thể mô tả đơn giản là việc sử dụng các công nghệ để làm thay đổi các sản phẩm dịch vụ tài chính đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Hiện nay, xu hướng phát triển của các Fintech không chỉ tập trung cung cấp các sản phẩm dịch vụ tài chính mà đang có chiều hướng ngày càng đa dạng hơn.
Theo nghiên cứu khảo sát của các tổ chức quốc tế, các Fintech hiện đang tập trung mạnh vào 3 phân khúc dịch vụ tài chính, đó là thanh toán, cung cấp tín dụng và cung cấp tài chính cá nhân.
Những phân khúc thị trường này hiện là “miếng bánh ngon” trong thu phí và cũng là những hoạt động thúc đẩy ứng dụng công nghệ số, trong đó nổi bật gồm có thanh toán hàng ngang (PPP); Trí tuệ nhân tạo (AI); Công nghệ MTT (Công nghệ cho phép người sử dụng có thể quản lý tốt hơn dòng tiền của mình); Tư vấn tự động (RA). Có thể nói, sự xuất hiện của Fintech đã làm thay đổi cục diện của ngành công nghiệp dịch vụ tài chính toàn cầu.
...
Lợi ích và rủi ro của Fintech đối với hệ thống ngân hàng
Sự phát triển của các Fintech hiện nay là xu hướng tất yếu trong nền kinh tế số. Fintech mang đến cả lợi ích lẫn rủi ro, thách thức cho hệ thống ngân hàng.
Về lợi ích:
- Fintech làm thay đổi kênh phân phối và các sản phẩm dịch vụ ngân hàng truyền thống qua xu thế phát triển mạnh của các kênh giao dịch trực tuyến như: Internet banking, mobile banking, mạng xã hội, ngân hàng không giấy tờ… Các ứng dụng của Fintech đang tác động đến hầu hết hoạt động của ngân hàng như tiền gửi, thanh toán, tín dụng… cũng tác động đến cơ cấu thị trường, cơ cấu sản phẩm, chiến lược phát triển ngân hàng.
- Fintech có lợi thế hơn so với các ngân hàng truyền thống trong việc phát triển sản phẩm có tính sáng tạo cao, mang đến cho khách hàng những trải nghiệm thú vị, tiện ích và quan trọng hơn cả đó là mở rộng cơ hội tiếp cận dịch vụ tài chính, ngân hàng tới các đối tượng khách hàng chưa từng là khách hàng của ngân hàng hoặc nhóm khách hàng dưới chuẩn của ngân hàng nhờ khẩu vị rủi ro ở mức độ cao hơn của các công ty Fintech.
Fintech giúp tăng cường tiếp cận tài chính, mang dịch vụ tài chính đến gần hơn các DN siêu nhỏ, DNNVV thường bị các ngân hàng bỏ qua hoặc những khách hàng ở vùng sâu, vùng xa – nơi mà tài chính truyền thống chưa có khả năng tiếp cận.
...
Một số kiến nghị
Nhằm hoàn thiện hệ sinh thái Fintech tại Việt Nam, bảo đảm sự phát triển lành mạnh, hài hòa của hệ thông ngân hàng, cũng như tạo môi trường thuận lợi cho các Công ty Fintech, phù hợp với chủ trương và định hướng của Chính phủ, trong thời gian tới cần chú trọng một số vấn đề sau:
Đối với cơ quan quản lý:
- Tiếp tục chủ động tiếp cận các vấn đề liên quan đến Fintech trong lĩnh vực ngân hàng. Cần khuyến khích thí điểm các thành tựu ứng dụng Fintech có lợi trên thế giới tại Việt Nam để thúc đẩy sự phát triển của thị trường tài chính ngân hàng.
- Sớm nghiên cứu ban hành hành lang pháp lý thử nghiệm cho mô hình Fintech và phát triển trong tương lai gần. Xây dựng hệ thống quy định quản lý tổng thể về Fintech với sự tham gia của không chỉ NHNN mà liên Bộ như Tài chính, Thông tin và Truyền thông, Công an, Khoa học và Công nghệ cùng tham gia xây dựng hệ thống này.
...