Ứng phó với chuyển giá

Theo bizlive.vn

(Tài chính) Việt Nam trở thành sân chơi chung của các tập đoàn đa quốc gia cùng với sự khác biệt trong chính sách điều tiết lợi ích của các Nhà nước là những yếu tố quyết định của hành vi chuyển giá.

Ứng phó với chuyển giá
Chuyển giá đối với các TNC được thực hiện ngay trong quá trình giải ngân xây dựng dự án đầu tư. Nguồn: internet
Việc ứng phó với chuyển giá không chỉ riêng Việt Nam mà là tất cả các nước tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu này. Điều quan trọng là ứng phó với chuyển giá như thế nào là câu hỏi đặt ra cho các nhà quản lý.

Ông Lê Phước Vũ, Chủ tịch Tập đoàn Tôn Hoa Sen cho rằng, chuyển giá đối với các tập đoàn đa quốc gia (TNC) được thực hiện ngay trong quá trình giải ngân xây dựng dự án đầu tư. Hình thức này thông qua việc đẩy giá các hợp đồng xây dựng chuyển giao công nghệ để khấu hao trong quá trình hoạt động của dự án.

Cụ thể, vốn đăng ký đầu tư là 1 tỷ USD, trong quá trình thực hiện giải ngân đầu tư xây dựng dự án, con số này đã bị “làm giá” so với giải ngân thực tế, có thể việc tăng vốn đầu tư không nằm ngoài xu thế này.

Tuy nhiên, tại Bàn tròn “Việt Nam và 'cuộc chơi lớn' của các tập đoàn đa quốc gia” do BizLIVE tổ chức sáng 5/3, nhiều chuyên gia cho rằng nên đặt vấn đề chuyển giá, ứng phó với chuyển giá thông qua việc nâng cao hoạt động quản lý của Nhà nước, đảm bảo thực hiện đúng luật chơi nhưng có lợi với Việt Nam. Coi đó là vấn đề của thị trường và quản lý của Nhà nước, chừng nào méo mó của thị trường không được Nhà nước điều chỉnh bằng thể chế thì nó còn gây thiệt hại cho quốc gia.

Ứng phó chuyển giá của các nước bằng việc tham gia các hiệp định song phương và đa phương để tìm sự tương đồng điều tiết lợi ích quốc gia có thể xem là giải pháp đang được các quốc gia thực hiện để đảm bảo lợi ích quốc gia.

GS., TSKH. Nguyễn Mại, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về hợp tác đầu tư, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE) cho rằng, cần có cái nhìn khách quan hơn về chuyển giá, 15.000 dự án FDI hoạt động tại Việt Nam, con số chuyển giá chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Việc chuyển giá ở Mỹ cũng chỉ dừng ở lại 5 - 6 tỷ đồng, trong khi TNC góp cho Việt Nam nghìn tỷ, chuyển giao nhiều công nghệ, nếu không hiểu điều đó, chỉ kể đến chuyển giá như một sự mất mát, thì đó là một cách tiếp cận phiến diện.      

Đồng tình với quan điểm của GS. Nguyễn Mại, TS. Luật sư Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch Hội đồng quản trị - Tập đoàn FLC cho rằng, chúng ta không nên đặt quá nặng vấn đề chuyển giá để tạo hiệu ứng không tốt. Nhất là cơ quan truyền thông đặt vấn đề này như hiệu ứng domino sẽ không tốt cho việc thu hút đầu tư nước ngoài trong hiện tại và cả tương lai.

"Chúng ta buộc phải hoàn thiện cơ chế chính sách, tạo ra hành lang pháp lý công bằng cho nhà đầu tư trong nước và cả nước ngoài. Chứ không riêng việc thấy một số doanh nghiệp chuyển giá mà đánh giá sai về những nỗ lực, đánh mất công sức công lao của các doanh nghiệp khác trong việc thu hút vốn đầu tư các tập đoàn đa quốc gia", ông Quyết nhấn mạnh.

Trong thời gian vừa qua, hàng loạt các nghi án chuyển giá của các doanh nghiệp (FDI) như Cocacola, Metro, Adidas… Tuy nhiên, chuyển giá không chỉ ở các doanh nghiệp FDI mà ngay cả các doanh nghiệp trong nước cũng thực hiện chuyển giá, mà nhiều chuyên gia cho rằng đây là hành vi chuyển giá “nội địa”. Việc chuyển giá này thông qua hình thức là các giao dịch liên kết, chuyển giá sang địa bàn được ưu đãi đầu tư.

Luật sư Nguyễn Trọng Hạnh, nguyên Cục phó Cục thuế TP. Hồ Chí Minh đã nói “chuyển giá không dừng lại ở doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài mà lan sang các lĩnh vực đầu tư trong nước. Thậm chí các doanh nghiệp quốc doanh cũng có chuyển giá.

Thí dụ, sai phạm tại Tập đoàn Dầu khí Việt Nam trong thời gian vừa qua, đó cũng là hình thức chuyển giá. Chuyển giá thông qua hình thức và cơ chế quản lý giữa Công ty mẹ - con. Công ty mẹ được sự bao cấp của Nhà nước thông qua các định mức lợi nhuận, hao hụt. Công ty mẹ phân xuống đại lý cấp 1, đại lý bán lẻ lại không tuân thủ cách thức này. Các đại lý bán lẻ lời nhưng công ty mẹ lại bị lỗ. Lỗ thì Nhà nước gánh còn lời thì nằm đại lý”.

Điều này khẳng định rằng, ứng phó với chuyển giá là bài toán của quản lý Nhà nước bằng hành lang pháp lý, thể chế điều tiết thị trường, nếu làm không tốt thì việc chuyển giá vẫn có thể xảy ra ở tất cả các thành phần kinh tế, dự án đầu tư trong nước hay đầu tư nước ngoài.