Ưu đãi tín dụng xuất khẩu
(Tài chính) Trong bối cảnh các ngành sản xuất tiêu thụ trong nước còn chưa hồi phục mạnh mẽ, các ngân hàng đang rất trông chờ vào việc tăng trưởng tín dụng từ khối doanh nghiệp (DN) có nhu cầu xuất - nhập khẩu.
Đơn cử, ACB triển khai chương trình “Tín dụng ưu đãi dành cho DN xuất nhập khẩu” nhằm hỗ trợ DN đẩy mạnh hoạt động sản xuất kinh doanh. Chương trình được chính thức triển khai với quy mô 70 triệu USD. Đây được xem như nguồn vốn hỗ trợ của ACB dành riêng cho DN có thêm nguồn vốn giá rẻ, giảm chi phí đầu vào và đẩy mạnh hoạt động sản xuất kinh doanh.
HDBank vừa thông báo sẽ tài trợ nguồn vốn ưu đãi cho DN xuất nhập khẩu với lãi suất chỉ 3%/năm. Tổng hạn mức gói ưu đãi của HDBank lên đến 20 triệu USD. Chương trình dành cho các DN có nhu cầu bổ sung vốn lưu động phục vụ các phương án, dự án sản xuất kinh doanh hàng xuất nhập khẩu.
Với các kỳ hạn vay 1, 2 tháng, DN sẽ được HDBank cho vay với lãi suất 3%/năm. Với kỳ hạn vay 3 tháng, DN sẽ được HDBank cho vay với lãi suất 3,5%/năm. Chương trình được triển khai từ 4 đến 20/9/2013.
Cùng mục tiêu hỗ trợ DN xuất khẩu, OceanBank công bố cho vay lãi suất khoảng 9%/năm, song song đó còn xây dựng và phát triển Sản phẩm “Chiết khấu Bộ chứng từ có truy đòi”. Đây là dịch vụ tài chính OceanBank tài trợ sau khi giao hàng cho DN thông qua việc chiết khấu có truy đòi Bộ chứng từ xuất khẩu có kèm theo hối phiếu của khách hàng.
Với sản phẩm này, các DN sẽ kịp thời bổ sung vốn lưu động với số tiền chiết khấu lên tới 95% giá trị đòi tiền của Bộ chứng từ xuất khẩu, tăng cường khả năng thanh khoản và đẩy nhanh dòng vốn của DN. Thời hạn chiết khấu sẽ do OceanBank và khách hàng thỏa thuận, phù hợp với thời hạn thanh toán của Bộ chứng từ…
Theo lãnh đạo một ngân hàng, cái khó trước đây là trong lúc ngân hàng chưa thể cắt giảm mạnh lãi suất đầu vào, nhưng DN lại chỉ muốn được vay với chi phí thấp nhất. Từ đó, tín dụng cho vay ngoại tệ thường âm: tính đến tháng 8/2013, tăng trưởng dư nợ ngoại tệ vẫn âm 17,18% so với cuối năm 2012. Số lượng DN tiếp cận được nguồn vốn này thực sự chưa nhiều.
Một phần do quy mô gói tín dụng của các chương trình này vẫn còn hạn chế, mặt khác môi trường kinh doanh chưa được cải thiện nên DN cũng hạn chế vay. Nhưng hiện nay tình hình đã khác, khi lãi suất có điều kiện giảm đến vài phần trăm thì cả ngân hàng và DN không thể mãi ngồi ngoài nhìn thị trường.
“Cần đẩy vốn cho các DN xuất khẩu giúp DN này tiếp cận được nguồn vốn giá rẻ góp phần không nhỏ trong việc chủ động nguồn nguyên liệu, giảm giá thành sản phẩm đầu ra, tăng cạnh tranh cho hàng xuất khẩu Việt Nam trên thị trường thế giới”, vị lãnh đạo trên nói.
Trong bối cảnh các ngành sản xuất tiêu thụ trong nước còn chưa hồi phục mạnh mẽ, các ngân hàng đang rất trông chờ vào việc tăng trưởng tín dụng từ khối DN có nhu cầu xuất-nhập khẩu. Thừa nhận điều này, ông Lê Thành Trung, Phó Tổng giám đốc HDBank nói rằng, ngay khi có cơ hội giảm lãi suất thì các ngân hàng thường chọn ưu đãi với các DN xuất nhập khẩu hơn.
“Các DN hoạt động trong lĩnh vực xuất nhập khẩu thường tập trung vào việc sản xuất, mở rộng thị trường, tiết kiệm được chi phí lãi vay và tăng cường hiệu quả sử dụng nguồn vốn. Đây là giải pháp tài chính cần thiết mà không chỉ HDBank, các ngân hàng khác cũng muốn tăng trưởng mạnh các DN hoạt động trong lĩnh vực này”, ông Trung nói.