Dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi):

Ưu tiên bổ nhiệm công chứng viên cho trợ lý và thư ký nghiệp vụ


Thảo luận về dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi) sáng nay, có ý kiến đề nghị, nghiên cứu ý kiến của ĐBQH quy định về trợ lý công chứng viên, thư ký nghiệp vụ của công chứng viên và cần ưu tiên cho các đối tượng này trong điều kiện xem xét bổ nhiệm công chứng viên.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành Phiên họp. Ảnh: Hồ Long
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành Phiên họp. Ảnh: Hồ Long

Không quy định việc công chứng bản dịch

Tiếp tục Chương trình phiên họp chuyên đề pháp luật tháng 8, sáng 13/8, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi).

Theo Báo cáo một số vấn đề lớn về việc tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi) do Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng trình bày, một số ý kiến tán thành với dự thảo Luật do Chính phủ trình không quy định việc công chứng bản dịch mà chỉ quy định công chứng viên chứng thực chữ ký người dịch. Một số ý kiến đề nghị giữ quy định của Luật Công chứng hiện hành về công chứng bản dịch.

Đa số ý kiến trong Thường trực Ủy ban Pháp luật và cơ quan chủ trì soạn thảo thống nhất tiếp thu theo hướng giữ quy định của dự thảo Luật như Chính phủ trình (không quy định việc công chứng viên công chứng bản dịch mà chỉ quy định chứng thực chữ ký người dịch) để khắc phục tồn tại, hạn chế của việc công chứng bản dịch.

Các đại biểu dự Phiên họp. Ảnh: Hồ Long
Các đại biểu dự Phiên họp. Ảnh: Hồ Long

Theo đó, như Báo cáo đánh giá tác động chính sách đã nêu, quy định này nhằm tránh việc trong thực tế nhiều công chứng viên từ chối thực hiện công chứng bản dịch do không đủ trình độ về ngoại ngữ để chứng nhận tính chính xác, hợp pháp của văn bản này, tổ chức hành nghề công chứng cũng không xây dựng được đội ngũ cộng tác viên phiên dịch, gây ra sự “quá tải” về chứng nhận bản dịch tại Phòng Tư pháp một số địa phương khi thay vì đến tổ chức hành nghề công chứng, người dân lựa chọn chứng thực chữ ký người dịch tại Phòng Tư pháp.

Một số ý kiến trong Thường trực Ủy ban Pháp luật đề nghị giữ quy định về công chứng bản dịch như Luật Công chứng hiện hành; đồng thời, bổ sung quy định về tăng cường trách nhiệm của người phiên dịch bảo đảm tính chính xác của bản dịch với bản gốc, còn công chứng viên chỉ chịu trách nhiệm về tính xác thực, tính hợp pháp của văn bản đã được dịch.

Chỉ chứng thực chữ ký của người dịch và người dịch phải chịu trách nhiệm

Còn băn khoăn về quy định công chứng bản dịch, Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thanh Hải cho rằng, “nếu chỉ chứng thực bản dịch thì bản dịch được chứng thực chỉ có ý nghĩa chứng thực chữ ký người dịch, không bảo đảm giá trị sử dụng của bản dịch được công chứng như giấy tờ, văn bản được dịch theo quy định tại khoản 4, Điều 5, Luật Công chứng hiện hành”.

Trưởng Ban Công tác đại biểu đặt vấn đề, không quy định việc công chứng bản dịch mà chỉ quy định công chứng viên chứng thực chữ ký người dịch liệu có ảnh hưởng tới việc chấp nhận tài liệu, hồ sơ mà đối tượng là công dân Việt Nam phải nộp ở các tổ chức nước ngoài hay không?

Xuất phát từ thực tiễn phải đi công chứng, Trưởng Ban Công tác đại biểu chỉ ra, có trường hợp công chứng bản dịch có mẫu như học bạ trẻ em, bằng tốt nghiệp… Liệu chúng ta có thể ban hành danh mục các mẫu này hay không? Như chứng nhận Nguyễn Văn A đã tốt nghiệp Đại học theo biểu mẫu hay không? Do đó, nên chăng Bộ Tư pháp xem xét ban hành kèm theo thông tư hướng dẫn về các mẫu lý lịch, mẫu các bằng phải dịch để công chứng, nhằm tránh ảnh hưởng đến hoạt động công chứng bản dịch của người dân khi luật được ban hành và có hiệu lực được thi hành.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh phát biểu. Ảnh: Hồ Long
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh phát biểu. Ảnh: Hồ Long

Quan tâm về đội ngũ trợ lý công chứng viên, thư ký nghiệp vụ của công chứng viên, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh nêu rõ, đội ngũ này đang tham gia vào hầu hết các công đoạn của quy trình công chứng từ việc tiếp nhận hồ sơ, tư vấn hồ sơ, soạn thảo văn bản, hỗ trợ chữ ký trong giao dịch, hỗ trợ đặt lịch, xếp lịch, tổ chức ký kết giao dịch, cập nhật dữ liệu, lập hồ sơ lưu trữ… và nhiều công việc khác.

Trong khi đó, tại Điều 7, dự thảo Luật quy định nghiêm cấm công chứng viên tiết lộ thông tin công chứng. Vậy nếu không quy định về quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của trợ lý công chứng viên, thư ký nghiệp vụ thì đối tượng này không có cơ sở để tiếp cận, xử lý công việc, nhất là nguyên tắc bảo mật thông tin công chứng; cũng như cần bảo đảm tư cách của các đối tượng này khi giao tiếp với các tổ chức, cá nhân có liên quan để tham gia hoạt động công chứng, Phó Chủ tịch Quốc hội lưu ý.

Phó Chủ tịch Quốc hội thẳng thắn, “thời gian vừa qua, cũng có một số vụ án mà nhân viên của tổ chức hành nghề công chứng lợi dụng quá trình thực thi nhiệm vụ vi phạm pháp luật, nhưng vì không có quy định về chức danh, chức vụ của đối tượng này nên các cơ quan tiến hành tố tụng gặp khó khăn trong việc xác định tội danh và trách nhiệm”.

Do vậy, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị, cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra nghiên cứu ý kiến của ĐBQH quy định về trợ lý công chứng viên, thư ký nghiệp vụ của công chứng viên. Và cần ưu tiên cho các đối tượng này trong điều kiện xem xét bổ nhiệm công chứng viên.

Phát biểu kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nêu rõ, các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản thống nhất với Báo cáo một số vấn đề lớn về việc tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi). Liên quan đến công chứng bản dịch, Phó Chủ tịch Quốc hội cho rằng, vấn đề này đã rõ, chúng ta thống nhất chỉ chứng thực chữ ký của người dịch và người dịch phải chịu trách nhiệm.

Đối với trách nhiệm quản lý nhà nước đối với hành nghề công chứng, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị làm rõ trách nhiệm của Bộ Tư pháp trong việc chủ trì giúp Chính phủ xây dựng và quản lý cơ sở dữ liệu về công chứng.

Theo Báo Đại biểu Nhân dân/daibieunhandan.vn