Ưu tiên kiểm toán lĩnh vực được xã hội quan tâm trong 2020
Năm 2020, Kiểm toán Nhà nước (KTNN) giảm khoảng 20% số cuộc kiểm toán so với năm 2019 để tập trung nâng cao chất lượng hoạt động kiểm toán. Trong đó, ưu tiên kiểm toán một số chuyên đề kiểm toán có phạm vi rộng, được dư luận xã hội quan tâm.
Thực hiện gần 160 cuộc kiểm toán
KTNN cho biết, theo kế hoạch kiểm toán năm 2020 vừa được Tổng KTNN Hồ Đức Phớc vừa ký ban hành, năm 2020, cơ quan này sẽ tập trung thực hiện 158 cuộc kiểm toán. Cụ thể, ngoài kiểm toán Báo cáo quyết toán ngân sách Nhà nước (NSNN) tại Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, KTNN sẽ kiểm toán 16 bộ, cơ quan T.Ư và 40 tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư; 9 cuộc kiểm toán hoạt động; 21 cuộc kiểm toán chuyên đề; 40 dự án đầu tư xây dựng; 16 cuộc kiểm toán các tổ chức tài chính, ngân hàng và các Tập đoàn, Tổng công ty Nhà nước; 9 cuộc kiểm toán lĩnh vực quốc phòng an ninh và 6 cuộc kiểm toán lĩnh vực an ninh, khối cơ quan Đảng.
So với năm 2019, số cuộc kiểm toán của KTNN giảm khoảng 20%, mục đích nhằm tập trung nâng cao chất lượng hoạt động kiểm toán, tổ chức đào tạo nâng cao trình độ và kỹ năng kiểm toán; bố trí đủ thời gian hoàn thành toàn diện các nhiệm vụ chính trị và nhiệm vụ khác trong năm 2020.
Đáng lưu ý, KTNN lựa chọn một số chuyên đề kiểm toán có phạm vi rộng, được dư luận xã hội quan tâm để tổ chức thực hiện kiểm toán, nhằm đánh giá toàn diện việc hiện hiện các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước xuyên suốt từ T.Ư đến địa phương; đặc biệt là việc thực hiện kiểm toán kết quả tư vấn định giá và xử lý các vấn đề tài chính trước khi chính thức công bố giá trị doanh nghiệp (DN) cổ phần hóa.
“Kế hoạch kiểm toán 2020 của KTNN bảo đảm tính minh bạch trong xác định, lựa chọn đầu mối đơn vị được kiểm toán, nhằm phối hợp với các cơ quan thanh tra, kiểm tra và các cơ quan chức năng khác để tránh trùng lặp, chồng chéo trong hoạt động thanh tra, kiểm tra và kiểm toán. Mặt khác bảo đảm kết hợp hài hòa giữa kiểm toán tài chính, kiểm toán tuân thủ và kiểm toán hoạt động” - Tổng KTNN Hồ Đức Phớc cho biết.
Đặc biệt, năm 2020, KTNN sẽ đổi mới phương pháp kiểm toán dựa trên đánh giá rủi ro và xác định trọng yếu kiểm toán; đẩy mạnh cải cách hành chính và ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động kiểm toán để giảm thời gian kiểm toán; tăng cường kỷ cương, kỷ luật trong thực thi công vụ để nâng cao hiệu quả, hiệu lực hoạt động của KTNN và phát huy vai trò KTNN là công cụ hữu hiệu của Đảng, Nhà nước trong kiểm tra, giám sát việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công.
Kiểm toán nhiều tập đoàn, tổng công ty, ngân hàng
Trong lĩnh vực DN và các tổ chức tài chính, ngân hàng, năm 2020 sẽ có 15 cuộc kiểm toán, gồm Ngân hàng nhà nước; 12 tập đoàn, tổng công ty Nhà nước và ba ngân hàng thương mại (NHTM). Trong đó, trọng tâm kiểm toán là tập đoàn, tổng công ty Nhà nước; đánh giá thực trạng công tác quản lý tài chính và cổ phần hóa, thoái vốn đầu tư của Nhà nước tại các đơn vị được kiểm toán; đánh giá các hoạt động quản lý, bảo đảm phát triển lành mạnh thị trường hàng hóa, dịch vụ trong nước. Cụ thể là, đánh giá việc chấp hành các quy định của pháp luật về giá, thuế, phí, nhất là đối với các hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng thiết yếu…
Danh sách các ngân hàng được kiểm toán năm 2020 gồm có: Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank), Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam. Theo đó, KTNN sẽ thực hiện kiểm toán báo cáo tài chính, các hoạt động liên quan đến quản lý, sử dụng vốn, tài sản Nhà nước năm 2018 của các ngân hàng này để đánh giá thực trạng tài chính của đơn vị và hiệu quả công tác quản lý, điều hành chính sách tiền tệ.
Danh sách các doanh nghiệp được kiểm toán trong năm 2020 gồm: Tổng công ty Xây dựng Hà Nội; Tổng công ty Điện lực TP Hồ Chí Minh; Tổng công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam, Tổng công ty Dầu Việt Nam, Tổng công ty CP kỹ thuật Dầu khí Việt Nam, Tổng công ty CP Vận tải Dầu công ty hạ tầng mạng, Tổng công ty cổ phần Bảo hiểm Bảo Minh; Tổng công ty Đầu tư và Phát triển nhà Hà Nội; Tổng công ty Đầu tư và Phát triển hạ tầng đô thị UDIC; Tổng công ty địa ốc Sài Gòn; Tổng công ty cấp nước Sài Gòn; Tổng công ty Cơ khí giao thông vận tải Sài Gòn; Tổng công ty Bảo đảm an toàn hàng hải miền Nam.
Thông qua hoạt động kiểm toán, KTNN cũng thực hiện đánh giá hoạt động tái cơ cấu thị trường tài chính, trọng tâm là NHTM và các tổ chức tín dụng; xác định thực trạng sở hữu chéo, nợ xấu, đặc biệt là việc triển khai các biện pháp xử lý nợ xấu và kiểm soát, nâng cao chất lượng tín dụng theo Đề án “Xử lý nợ xấu của hệ thống các tổ chức tín dụng” được phê duyệt tại Quyết định số 843/QĐ- TTg ngày 31-5-2013 của Thủ tướng Chính phủ; Đề án “Cơ cấu lại hệ thống tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016 - 2020” và việc thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng theo Nghị quyết 42/2017/QH14 ngày 21-6-2017 của Quốc hội.
Trong lĩnh vực kiểm toán môi trường và kiểm toán hoạt động, KTNN sẽ tổ chức chín cuộc kiểm toán hoạt động, tập trung kiểm toán các chủ đề liên quan đến bảo vệ môi trường, xử lý rác thải, chống biến đổi khí hậu và hoạt động tín dụng cho người nghèo, nhà ở xã hội như: Công tác bảo vệ môi trường tại Khu kinh tế Nghi Sơn; Hoạt động quét, thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải sinh hoạt trên địa bàn tỉnh Bình Dương giai đoạn 2017-2019; Chương trình giảm ngập nước giai đoạn 2016-2020 của TP Hồ Chí Minh… được dư luận xã hội quan tâm và nhằm đánh giá tính kinh tế, hiệu quả, hiệu lực trong quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công trong công tác bảo vệ môi trường.
Trong lĩnh vực đầu tư xây dựng và chương trình, dự án, KTNN sẽ thực hiện 40 cuộc kiểm toán dự án đầu tư, trong đó có nhiều dự án lớn, được dư luận quan tâm như: Các dự án BT thuộc Khu đô thị mới Thủ thiêm TP Hồ Chí Minh; Đầu tư xây dựng đường vành đai II, III thành phố Hà Nội; Các tuyến đường trên tuyến Quốc lộ 1A; Tuyến đường bộ cao tốc bắc - nam phía đông giai đoạn 2017-2020; Nhà máy nhiệt điện Long Phú 1, Sông Hậu 1 và Dự án đường sắt đô thị Hà Nội...
Tổng KTNN đặc biệt nâng cao vai trò, trách nhiệm của Thủ trưởng đơn vị, Trưởng Đoàn kiểm toán, Tổ trưởng Tổ kiểm toán, Kiểm toán viên trong thực thi nhiệm vụ, đặc biệt là việc thực hiện chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp, quy tắc ứng xử của Kiểm toán viên, Quy chế làm việc của KTNN và các quy định khác có liên quan đến văn hóa công sở, đạo đức công vụ… KTNN sẽ xử lý nghiêm những cá nhân và người liên quan nếu xảy ra sai phạm, nhất là trường hợp vi phạm không phải do đơn vị, Đoàn kiểm toán, Tổ kiểm toán tự phát hiện thì phải chịu trách nhiệm trước Tổng Kiểm toán nhà nước và Pháp luật.
Bên cạnh đó, KTNN tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, đổi mới phương pháp và cách thức tổ chức thực hiện kiểm toán; đổi mới phương pháp lập KHKT và thực hiện kiểm toán theo thông lệ quốc tế, đặc biệt là phát triển phương pháp tiếp cận kiểm toán dựa trên đánh giá rủi ro và trọng yếu nhằm xác định mục tiêu, nội dung, phạm vi cuộc kiểm toán phù hợp, giảm thời gian và nhân lực kiểm toán tại đơn vị.