Vai trò của đầu tư phát triển khoa học công nghệ đối với tăng trưởng kinh tế
Để thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, Đảng và Nhà nước rất chú trọng đến phát triển khoa học và công nghệ. Thống kê cho thấy, đầu tư cho khoa học và công nghệ vài năm trở lại đây đã chiếm 2% tổng chi ngân sách, tương đương khoảng 0,5% GDP của cả nước, nhờ đó, tiềm lực khoa học và công nghệ đã được tăng cường. Nhằm tiếp tục thực hiện mục tiêu đề ra trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam giai đoạn 2011 – 2020, trong đó coi khoa học và công nghệ là giải pháp chủ yếu cho đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, việc đầu tư cho khoa học và công nghệ cần được quan tâm nhiều hơn trong thời gian tới.
Đầu tư cho khoa học và công nghệ
Thời gian qua, để thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, Đảng và Nhà nước đã rất chú trọng đến phát triển khoa học và công nghệ, cụ thể là đã dành một lượng vốn lớn đầu tư cho phát triển khoa học và công nghệ. Thống kê cho thấy, đầu tư cho khoa học và công nghệ trong vài năm trở lại đây đã chiếm 2% tổng chi ngân sách, tức là khoảng 0,5% GDP của cả nước. Nhờ nguồn lực đầu tư nói trên, tiềm lực khoa học và công nghệ đã được tăng cường, từ xây dựng hạ tầng cơ sở (cơ quan làm việc, xưởng và trại thực nghiệm, phòng thí nghiệm) cho đến sửa chữa nhỏ, tăng cường máy móc thiết bị hiện đại. Công tác nghiên cứu khoa học đã được cải thiện một bước. Cán bộ khoa học và công nghệ đã được tham gia các khóa đào tạo, nâng cao trình độ trong và ngoài nước, từ đó, đã có được những đề tài khoa học và sản phẩm công nghệ có giá trị, phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Tuy nhiên, thực tế cũng cho thấy, đến nay hoạt động khoa học và công nghệ của nước ta còn rất hạn chế. Trong đó, vấn đề đầu tư cho khoa học và công nghệ chưa thật sự được chú trọng, nhất là đầu tư cho các dự án khoa học có điều kiện nghiên cứu và ứng dụng; Gắn kết với nhu cầu thực tiễn của các ngành kinh tế quốc dân; Công tác nâng cao năng lực công nghệ nội sinh còn nhiều bất cập. Điều này đã khiến cho khoa học và công nghệ vẫn chưa thực sự gắn kết với nhu cầu và hoạt động của các ngành kinh tế - xã hội; những kết quả đã nghiên cứu được chậm được đưa vào ứng dụng trong thực tiễn; trình độ công nghệ còn thấp hơn rất nhiều so với các nước; năng lực tạo ra công nghệ mới còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Một trong những nguyên nhân quan trọng gây ra hạn chế này là nguồn vốn đầu tư cho hoạt động khoa học và công nghệ hiện còn rất thấp. Các con số thống kê chỉ ra rằng, đầu tư cho khoa học và công nghệ của Việt Nam vào loại thấp nhất trong khu vực. Cụ thể, tỷ lệ vốn đầu tư cho khoa học và công nghệ nếu tính cả đầu tư của khu vực ngoài Nhà nước mới chỉ ở mức khiêm tốn 0,6% GDP. Trong khi đó, năm 2011 con số này của các nước EU đã là 1,95% GDP, Nhật Bản là 3,15% GDP, Trung Quốc là 1,31% GDP, Hoa Kỳ là 2,59% GDP, Hàn Quốc là gần 5% GDP. Nếu tính mức đầu tư cho khoa học và công nghệ trên đầu người, thì Việt Nam mới đạt khoảng 8 USD (năm 2013), trong khi của Trung Quốc khoảng 25 USD (năm 2013) và đặc biệt là Hàn Quốc khoảng 1.500 USD (năm 2013)…
Những giải pháp trọng tâm
Nền kinh tế Việt Nam đang hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới, đặc biệt việc tham gia các Hiệp định thương mại tự do, Cộng đồng Kinh tế ASEAN đang mở ra nhiều cơ hội cho nền khoa học – công nghệ nước nhà tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. Những cơ hội và thách thức của hội nhập đòi hỏi cơ chế và phương thức quản lý Nhà nước phải có sự thay đổi phù hợp với thông lệ quốc tế. Điều này tất yếu dẫn đến phải hoàn thiện hơn nữa cơ chế tài chính cho khoa học – công nghệ, khắc phục những nhược điểm nói trên để giải phóng sức sáng tạo của giới khoa học - công nghệ cũng như tăng cường năng lực cạnh tranh của các tổ chức khoa học – công nghệ Việt Nam. Chỉ có như vậy mới có thể rút ngắn khoảng cách tụt hậu của khoa học – công nghệ Việt Nam so với các nước trong khu vực ASEAN.
Nhằm thực hiện một trong những mục tiêu quan trọng được đề ra trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam giai đoạn 2011 – 2020, trong đó coi khoa học và công nghệ là giải pháp chủ yếu cho đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế và khắc phục được những hạn chế, nút thắt ảnh hưởng đến sự phát triển của khoa học và công nghệ nước nhà, tới đây cần chú trọng triển khai một số giải pháp sau:
Một là, tạo ra được động lực cho sự phát triển của khoa học và công nghệ. Động lực phát triển khoa học và công nghệ luôn luôn vận động từ 2 phía: Khoa học và sản xuất. Do vậy, cần phải khuyến khích doanh nghiệp sản xuất tự tìm đến khoa học, coi khoa học và công nghệ là yếu tố sống còn và phát triển của doanh nghiệp. Như vậy, mới có thể thúc đẩy nhu cầu về khoa học và công nghệ, các nhà khoa học mới có cơ hội để phát huy triệt để năng lực của mình.
Hai là, tạo nguồn lực tài chính cho hoạt động khoa học và công nghệ. Vốn là nguồn lực tiên quyết để phát triển khoa học và công nghệ. Thực tế tại nhiều nước cho thấy, nguồn lực tài chính phát triển khoa học và công nghệ thường được huy động từ 2 phía Nhà nước và khu vực doanh nghiệp. Năm 2013, Quốc hội đã thông qua Luật Khoa học và Công nghệ, nhờ đó, những quy định về cơ chế tài chính và đầu tư cho khoa học và công nghệ cũng đã có bước thay đổi cơ bản. Về đầu tư từ ngân sách nhà nước cho khoa học và công nghệ, Luật Khoa học và Công nghệ khẳng định rõ mức chi ngân sách hàng năm cho khoa học và công nghệ từ 2% trở lên và tăng dần theo yêu cầu phát triển của sự nghiệp khoa học và công nghệ. Do vậy, trong thời gian tới, một phần vốn từ các chương trình kinh tế - xã hội và dự án cần được dành để đầu tư cho khoa học và công nghệ nhằm đẩy mạnh việc nghiên cứu, triển khai và đảm bảo hiệu quả của dự án. Bên cạnh đó, tăng dần tỷ lệ chi ngân sách nhà nước hàng năm cho khoa học và công nghệ đạt không dưới 2% tổng chi ngân sách nhà nước.
Ba là, đổi mới, hoàn thiện cơ chế, chính sách thu hút đầu tư, tài chính với mục tiêu là cho phép các tổ chức và các nhà khoa học có quyền tự chủ cao hơn trong thu hút vốn trong xã hội và sử dụng kinh phí vào hoạt động khoa học - công nghệ. Vốn đầu tư từ ngân sách của Nhà nước không nên quyết toán theo năm tài chính mà theo thời gian nghiên cứu. Cho phép các nhà khoa học được linh hoạt chuyển đổi thuận lợi nội dung nghiên cứu, tạo điều kiện được tham gia trao đổi khoa học ở nước ngoài cũng như mời chuyên gia nước ngoài vào hợp tác nghiên cứu trong nước. Xóa bỏ cơ chế cấp phát tài chính theo kiểu “xin - cho” theo đầu biên chế trong hoạt động khoa học - công nghệ. Triệt để thực hiện cấp kinh phí theo nhiệm vụ khoa học - công nghệ và tăng cường quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về tài chính cho các tổ chức khoa học - công nghệ theo quy định của pháp luật…
Bốn là, tận dụng xu hướng hội nhập ngày càng sâu rộng của đất nước nhằm mở rộng quan hệ quốc tế về khoa học và công nghệ. Nếu không thực hiện có hiệu quả quan hệ hợp tác và trao đổi quốc tế về nghiên cứu - triển khai... không thể tiếp nhận được khoa học và công nghệ tiên tiến của nhân loại; không thể tranh thủ nhân tố ngoại sinh hết sức cần thiết, để làm biến đổi các nhân tố nội sinh, thúc đẩy năng lực khoa học và công nghệ quốc gia. Việt Nam cần coi trọng hợp tác nhằm phát triển các ngành công nghệ cao; ưu tiên hợp tác đầu tư nước ngoài vào phát triển khoa học và công nghệ; chỉ nhập khẩu và tiếp nhận chuyển giao những công nghệ tiên tiến phù hợp với khả năng của nước ta.
Năm là, có chiến lược đào tạo dài hạn nhằm tăng nguồn nhân lực khoa học và công nghệ. Cần đẩy nhanh việc đào tạo các cán bộ khoa học và công nghệ, nhất là cho các ngành kinh tế trọng yếu và các ngành công nghệ cao, trẻ hoá đội ngũ cán bộ khoa học và công nghệ trong các cơ sở nghiên cứu, các trường học và các cơ sở kinh doanh, đẩy nhanh tốc độ phát triển thị trường nhân lực khoa học và công nghệ.
Có thể nói, những giải pháp này luôn có mối liên hệ mật thiết và tác động qua lại lẫn nhau. Do vậy, việc thực hiện đồng bộ sẽ mang lại hiệu quả cao trong sự nghiệp công nghiệp hoá - hiện đại hoá đất nước.