Vai trò phụ nữ trong hoạt động hải quan

Theo baohaiquan.vn

(Tài chính) Một chủ đề mới có liên quan đến các cơ hội dành cho nữ nhân viên Hải quan đã chính thức được khởi động với việc Tổ chức Hải quan thế giới (WCO) tổ chức Hội nghị đầu tiên về vai trò phụ nữ trong thương mại, hải quan và lãnh đạo (diễn ra đầu tháng 7/2013 tại trụ sở WCO, Brussels, Vương quốc Bỉ).

Vai trò phụ nữ trong hoạt động hải quan
Cán bộ công chức nữ Hải quan Việt Nam luôn phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ chuyên môn. Nguồn: baohaiquan.vn

Bắt đầu từ Hội nghị lần thứ 8 của WCO về Hợp tác trong nghiên cứu và phát triển học thuyết hải quan (PICARD 8) tổ chức tại Marrakesh (Ma rốc) vào tháng 9/2012 và phiên họp lần thứ 4 của Ủy ban Tăng cường năng lực của WCO vào tháng 2-2013, các vấn đề về nâng cao vị trí của phụ nữ Hải quan và tạo cơ hội cho phụ nữ Hải quan tham gia hoạt động quản lý, điều hành đã được đưa vào kế hoạch hoạt động của WCO.

Với sự tham gia của hơn 160 đại biểu đến từ các cơ quan Hải quan, các tổ chức quốc tế, khu vực tư nhân và các học viện đào tạo của hơn 50 quốc gia, 16 diễn giả chính thức đang làm việc trong và ngoài cơ quan Hải quan đã có những tham luận quan trọng tại Hội nghị. Sự chú ý của dư luận dành cho sự kiện này rất lớn bởi đây là lần đầu tiên một Hội nghị quy mô thế giới được tổ chức để thảo luận về vai trò của phụ nữ Hải quan.

Trong phát biểu khai mạc, Tổng Thư ký WCO, ngài Kunio Mikuriya nhấn mạnh: “Cộng đồng Hải quan cần thích nghi với thực tế hiện nay là nữ giới đang có vai trò ngày càng tăng trong công tác quản lý, điều hành các hoạt  động thươg mại và du lịch. Số lượng nữ giới nắm giữ các chức vụ quan trọng đang tăng nhanh chóng trong cả các lĩnh vực thuộc khu vực tư nhân và khu vực công, kể cả cơ quan Hải quan. Với thực tế đó, các nhà lãnh đạo Hải quan cần ủng hộ các cơ hội do phụ nữ Hải quan tạo ra và tận dụng các lợi ích từ các cơ hội đó để thực hiện các mục tiêu đặt ra với cơ quan Hải quan".

Bà Margaret Saner - Phó Chủ tịch Ủy ban chuyên gia của Liên hợp quốc, đồng thời cũng là diễn giả thứ nhất của Hội nghị, đã nói về các thách thức đối với nữ giới tham gia hoạt động thương mại và tầm quan trọng của các cơ quan quản lý trong giải quyết các thách thức này. Chủ đề này cũng đã được thảo luận kỹ hơn trong Hội nghị với việc mở rộng thảo luận sang vai trò không chính thức của phụ nữ trong các lĩnh vực hoạt động tại các quốc gia đang phát triển.

Các diễn giả từ các cơ quan Hải quan cũng đã đưa ra các giải pháp để nâng cao hơn nữa vai trò của phụ nữ trong cơ quan Hải quan. Một trong những giải pháp là gắn việc mở rộng phạm vi của phụ nữ Hải quan trong quá trình hiện đại hóa hải quan. Đây được coi là chìa khóa để giải quyết các thách thức mới nảy sinh như tham nhũng, tạo thuận lợi cho thương mại với các biện pháp cụ thể như ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý hải quan.

Diễn giải thứ hai của Hội nghị là bà Allen Kagina, đại diện cho cơ quan Thuế Uganda, đã làm nóng không khí Hội nghị với bài thuyết trình về vai trò lãnh đạo của cá nhân xoay quanh 3 tiêu chí (3H - ba chữ cái tiếng Anh có chữ cái đầu tiên là chữ H, tức là “cái đầu, trái tim và bàn tay), cho phép mang lại những đổi mới to lớn đối với hiệu quả hoạt động của tổ chức và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

Một phần thời gian của Hội thảo được dành cho các trường hợp nghiên cứu, thể hiện quan hệ tương tác giữa sự đa dạng của môi trường làm việc với hiệu quả hoạt động của tổ chức. Hội nghị đã kết thúc với nhóm thảo luận cách thức mang lại thành công cho phụ nữ trong các tổ chức mà nam giới chiếm đa số. Nhìn chung, Hội nghị là một bằng chứng cụ thể hóa cam kết của WCO về thực hiện bình đẳng giới trong quản lý hải quan. Từ những kết quả của Hội nghị này, WCO sẽ có thêm cơ sở để đưa vấn đề bình đẳng giới vào trong các chương trình hành động chính thức của mình, đặc biệt là trong lĩnh vực tăng cường năng lực của các cơ quan Hải quan./.