Vân Đồn - Tết trước thềm “đặc khu”
Từ đầu tháng Chạp, nhiều gốc đào phai đã chớm nở trên huyện đảo Vân Đồn - thương cảng cổ nhất, lớn nhất của nước Đại Việt và nổi tiếng thịnh vượng suốt ba triều đại nhà Lý, Trần và hậu Lê. Năm nay người dân trên đảo sẽ đón một cái Tết đặc biệt - Tết trước thời khắc mảnh đất quê hương trở thành “đặc khu kinh tế”.
Lan tỏa tinh thần chủ động
Cảng Cái Rồng chiều cuối năm. Bóng tối xuống nhanh chẳng mấy chốc đã bao phủ cả vùng nước rộng quanh bến. Trên khu cầu cảng dài hơn trăm mét, thuyền ghe ghé vào tập kết hải sản dưới ánh điện thắp mờ. Trong tiếng í ới gọi nhau cân, đóng hàng vẫn có thể nghe rõ mồn một bản tin của Đài Phát thanh truyền hình huyện Vân Đồn qua chiếc loa phóng thanh treo trên cột đèn ngay đầu cầu cảng. Một giọng đọc nữ đang nói về phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho ý kiến vào những vấn đề lớn còn có ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt.
“Chị có nghe Vân Đồn sắp thành đặc khu kinh tế không”? “Có chứ, dân ở đây ai chả biết!”, chị Lan đáp trong lúc vẫn lúi húi cân ngao và cẩn thận ghi từng mã cân vào cuốn sổ nhỏ bằng bàn tay. “Ngay cái cảng này rồi cũng được mở rộng và có nhà chờ cả nghìn mét vuông khi Vân Đồn lên đặc khu ấy chứ!”. Rồi chị kể chuyện giá đất lên từng ngày, chuyện cán bộ xã thông tin cho người dân cả lợi ích và những tác động tiêu cực khi mảnh đất chôn rau cắt rốn của mình mang hình hài đặc khu kinh tế.
“Sẽ có nhiều người lạ đến đây, sẽ có những người dân bị thu hồi đất, không biết họ chuyển sang làm nghề gì được và có lâu dài không”. Cô con gái duy nhất của chị Lan thi đại học năm ngoái đã chọn ngành quản trị du lịch. “Nó mong có việc làm tốt, lại ở gần mẹ vì nhà neo người, chỉ có hai mẹ con với nhau”. Em trai chị cũng vừa tậu được chiếc xe bốn chỗ để chạy taxi từ tiền đền bù cho miếng đất đã trở thành một phần của sân bay quốc tế Vân Đồn đang được gấp rút thi công.
Có vẻ như sự chủ động và quyết tâm của chính quyền tỉnh Quảng Ninh trong câu chuyện đặc khu đã lan tỏa đến từng người dân huyện đảo Vân Đồn. Mà không chỉ vậy! Khát vọng đưa Vân Đồn thành “cực tăng trưởng - cực phát triển” của chính quyền Quảng Ninh còn lay động cả những trí thức Việt sinh sống, học tập ở khắp các nước trên thế giới. Ba mươi ba tuổi, hiện làm việc tại Công ty Subsea7 của Pháp, TS. Đoàn Đinh Hồng đang điều hành một Đề án về đặc khu Vân Đồn với sự tham gia trực tiếp của hơn 50 thành viên thuộc Hội Chuyên gia và khoa học Việt Nam toàn cầu (AVSE Global), văn phòng đặt tại Paris.
Quãng gần Tết dương lịch 2017, anh cùng cộng sự về Hà Nội và gặp một người rất tâm huyết với Vân Đồn. “Ông không sinh ra ở Quảng Ninh nhưng hiểu vùng đất này và mong muốn Vân Đồn trở thành đặc khu, có sân bay quốc tế để kết nối với thế giới, là nơi khởi nguồn của những sản phẩm trí tuệ, sáng tạo.
Ý tưởng táo bạo khiến chúng tôi không thể đứng ngoài cuộc”, TS. Đoàn Đinh Hồng chia sẻ. Không chỉ tập trung tư vấn xây dựng đặc khu, AVSE Global còn đề xuất mô hình bộ máy chính quyền, cơ chế, chính sách chung cho cả 3 đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc. Trung tuần tháng 1 vừa qua, một nhóm chuyên gia thuộc AVSE Global về Việt Nam, khảo sát thực địa Vân Đồn, gặp gỡ lãnh đạo Quảng Ninh và thảo luận về các cơ hội đầu tư ở đặc khu tương lai này. Cho đến nay đã có nhiều chính sách được AVSE Global nghiên cứu, đề xuất bổ sung vào Đề án đặc khu Vân Đồn do tỉnh Quảng Ninh xây dựng.
Điều cuối cùng chờ đợi
Cũng trong một chiều tháng Chạp, tại TP. Hạ Long, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Đức Long đặt bút ký thỏa thuận hợp tác chiến lược với Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) nhằm hỗ trợ phát triển, xúc tiến du lịch, mở rộng mạng bay đến và bay đi từ Cảng Hàng không quốc tế Vân Đồn. Suốt cả năm ngoái và cho đến tận bây giờ, trên công trường thi công nhà ga, sân bay Vân Đồn, hàng nghìn công nhân làm việc 3 ca mỗi ngày để có thể kịp đón những vị khách đầu tiên trong quý II năm nay. Tới lúc đó, khoảng cách giữa Vân Đồn với thế giới chỉ còn là một vài giờ bay.
Không riêng gì dự án sân bay 4 nghìn tỷ đồng này, bầu không khí khẩn trương và tấp nập bao phủ hầu khắp các công trình giao thông trọng điểm của tỉnh Quảng Ninh cả ngày thường và dịp lễ Tết. “Cánh cung” cao tốc Hà Nội - Hải Phòng - Hạ Long - Vân Đồn - Móng Cái được xem là huyết mạch giao thông quan trọng nhất đối với việc xây dựng và phát triển đặc khu Vân Đồn trong tương lai.
Một tuần trước Tết Nguyên đán, các nhà thầu cao tốc Hạ Long - Vân Đồn, dự án giao thông có tổng mức đầu tư lớn nhất hiện nay tại Quảng Ninh (12 nghìn tỷ đồng), vẫn tập trung cao độ cho những công đoạn cuối cùng với quyết tâm hoàn thành dự án trong tháng 3 năm nay. Tuyến cao tốc Hạ Long - Hải Phòng có tổng chiều dài hơn 25km, được thiết kế với 4 làn xe, vận tốc cho phép 100 - 110km/h đã đạt trên 85% khối lượng công việc.
Dự kiến, trong năm nay Quảng Ninh sẽ thông toàn tuyến Quốc lộ 18 từ Bắc Ninh đến Mông Dương đạt tiêu chuẩn đường cấp II với 4 làn xe, đến cuối quý II sẽ thông toàn tuyến cao tốc Hà Nội - Hải Phòng - Hạ Long - Vân Đồn. Khi đó, thời gian di chuyển từ Hà Nội đến Hạ Long còn 1 giờ 45 phút và đến Vân Đồn chỉ mất khoảng 2 giờ đồng hồ. Vài tháng nữa, chuỗi các tổ hợp dịch vụ du lịch quy mô lớn, đẳng cấp cao với tổng vốn đầu tư trên 61 nghìn tỷ đồng (tương đương 2,7 tỷ USD) của các thương hiệu đình đám trong và ngoài nước sẽ được khởi công trên vùng đất từng là thương cảng cổ sầm uất của nước Đại Việt.
Nhiều năm nay Quảng Ninh âm thầm và bền bỉ chuẩn bị cho đặc khu Vân Đồn về mọi mặt và đến nay thì cả chính quyền và người dân đất mỏ đều đã sẵn sàng tâm thế đón nhận thời cơ mới, vận hội mới. Điều cuối cùng họ chờ đợi chính là 2 văn bản quan trọng sẽ được Quốc hội xem xét thông qua trong Kỳ họp vào tháng 5 tới đây. Đó là Nghị quyết thành lập đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt và Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt.
Cho tới giờ, một trong những nội dung lớn, phức tạp còn có nhiều ý kiến khác nhau trong các ĐBQH và các cơ quan của Quốc hội là mô hình chính quyền đặc khu. Điều này dễ hiểu bởi chỉ khi lựa chọn được mô hình chính quyền phù hợp thì mới bảo đảm thành công cho các đặc khu. Chính quyền đặc khu phải có trình độ, năng lực tương xứng, tầm quốc tế, đủ thẩm quyền quyết đáp kịp thời, tại chỗ các vấn đề của nhà đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư nước ngoài, cũng như các vấn đề quan trọng về xây dựng và phát triển đặc khu.
Nhiều mô hình được đề xuất nhưng đến nay có hai mô hình chính. Một là chính quyền đặc khu được xác định không phải là một cấp chính quyền, thay vào đó là thiết chế Trưởng đặc khu do Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm, các Phó Trưởng đặc khu, các cơ quan chuyên môn trực thuộc và các Trưởng khu hành chính. Hai là chính quyền đặc khu được xác định là một cấp chính quyền gồm có HĐND và UBND với những điều chỉnh về cơ cấu, tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn để phù hợp với đặc điểm của đặc khu.
Dù có những ưu điểm và hạn chế khác nhau nhưng nguyên Phó Chủ nhiệm UB Kinh tế Nguyễn Văn Phúc, chuyên gia độc lập của dự án Luật Đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt khẳng định rằng cả hai mô hình đều phù hợp với lời văn, tinh thần của Hiến pháp năm 2013 và quan điểm của Đảng được bổ sung, phát triển về tổ chức chính quyền địa phương. Vấn đề còn lại là lựa chọn mô hình nào phù hợp hơn với đặc điểm, yêu cầu, mục tiêu xây dựng và phát triển đặc khu. Vì rằng không có đôi giày nào vừa cho mọi bàn chân và cũng không tồn tại một mô hình chính quyền tốt cho mọi mục tiêu phát triển.
Trên tờ bìa của Đề án thành lập Đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt Vân Đồn dày tới 230 trang do tỉnh Quảng Ninh xây dựng có một logo nhỏ mang dòng chữ “Van Don, wonder island”, tạm dịch là “Vân Đồn, hòn đảo kỳ diệu”. Vân Đồn (cũng như Phú Quốc của Kiên Giang, Bắc Vân Phong của Khánh Hòa) có trở thành “hòn đảo kỳ diệu” hay không phụ thuộc vào quyết định có tính lịch sử của Quốc hội Khóa XIV trong Kỳ họp thứ Năm sắp tới.