Vẫn lo "gót chân A-sin" ở ngành hàng rau quả Việt
Mặc dù xuất khẩu rau quả đang lập kỷ lục mới về kim ngạch nhưng vẫn còn đó mối lo cũ về yếu điểm chuỗi liên kết lỏng lẻo không khác gì “gót chân A-sin” ở ngành hàng này. Điều đó có thể thấy rõ từ lỗ hổng liên kết của ngành hàng sầu riêng khi đang chứa đựng nghịch lý là được giá cao nhưng doanh nghiệp lại thua lỗ.
Số liệu cập nhật mới nhất từ Bộ NN&PTNT cho thấy, xuất khẩu (XK) rau quả đã đạt kim ngạch 5,3 tỷ USD trong 11 tháng 2023. Đây là con số cao kỷ lục từ trước đến nay, tuy nhiên phía sau con số đáng khích lệ này vẫn còn không ít mối lo về lỗ hổng chuỗi liên kết trong ngành hàng rau quả rất cần sớm khắc phục.
Lỗ hổng liên kết ở ngành hàng sầu riêng
Đơn cử như với mặt hàng sầu riêng (đã đóng góp 2 tỷ USD trong tổng kim ngạch XK rau quả 11 tháng qua) đang diễn ra nghịch lý là được giá cao nhưng có nhiều doanh nghiệp (DN) thu mua để XK lại lỗ nặng.
Về vấn đề này, theo chia sẻ mới đây của ông Đặng Phú Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, yếu điểm “gót chân A-sin” của mặt hàng sầu riêng là mối liên kết giữa nhà vườn với DN rất lỏng lẻo. Vì lợi nhuận mà sẵn sàng phá bỏ tất cả, điều này gây thiệt hại cho các DN.
“Chẳng hạn như DN ký hợp đồng XK sầu riêng có số lượng 1.000 container trong 2 tháng trong một mức giá nhất định với nhà nhập khẩu của Trung Quốc. Thế nhưng, bất ngờ khi giá sầu riêng trong nước nhảy vọt lên. DN đứng trước hai lựa chọn, một là buộc phải chi thêm tiền với mức giá mới để mua sầu riêng cho đủ số lượng đã ký kết hợp đồng. Hai là DN phải chấp nhận chịu phạt cước khống (tiền cước của lô hàng không thực sự gửi đi - PV) hoặc chịu phạt không giao hàng từ phía đối tác nhập khẩu. Những điều này làm cho DN bị thua lỗ”, ông Nguyên chia sẻ.
Như lưu ý của vị Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, thông thường khi hoàn tất giao hàng sầu riêng, phía đối tác Trung Quốc mới trả hết tiền cho phía DN ở Việt Nam sau khi ứng trước một phần. Cho nên, một khi giao hàng không đủ theo số lượng trong hợp đồng đã ký với phía Trung Quốc thì DN sẽ bị phạt, trừ vào số tiền mà đối tác nhập khẩu đang giữ. Chính ngay “gót chân A-sin” này làm dẫn đến tình trạng thua lỗ của DN xuất khẩu sầu riêng.
Từ khúc mắc nêu trên, theo kinh nghiệm của ông Nguyên, những DN xuất khẩu sầu riêng nào có vùng trồng riêng thì mới có thể tồn tại, còn với những DN chỉ chuyên tâm vào mục đích thương mại sẽ khó tránh bị loại khỏi cuộc chơi.
Còn theo ông Nguyễn Văn Mười, phụ trách cơ quan đại diện phía Nam của Hội Làm vườn Việt Nam, những biến động về giá sầu riêng trong nước khiến cho DN trở tay không kịp. Vì thế, chuyện thua lỗ của các DN xuất khẩu sầu riêng rất là “bình thường” trong vấn đề thương mại khi mà họ ký hợp đồng giá thấp với phía Trung Quốc rồi phải mua sầu riêng trong nước với giá cao.
Ông Mười cho biết đến thời điểm hiện tại, tuy chưa thể cập nhật đầy đủ dữ liệu nhưng qua khảo sát từ tháng 8/2023 thì hơn 50% DN thu mua và XK sầu riêng rơi vào khó khăn. Đó là do thị trường sầu riêng trong nước hỗn loạn, khiến cho việc kinh doanh của DN không ổn định.
“Thực ra nếu giá cả thu mua sầu riêng ổn định thì tất nhiên là các DN làm thương mại sẽ rất yên tâm hợp tác. Trong khi đó, hôm nay giá mua thế này nhưng ngày mai giá lại xuống và ngày tới giá lại lên. Đây là một những thị trường mà chúng tôi gọi là hỗn loạn đối với ngành hàng sầu riêng trong năm 2023 này. Và đó là lý do mà nhiều DN đã thông báo rời thị trường”, ông Mười bày tỏ băn khoăn.
Rủi ro ngoài tầm kiểm soát của doanh nghiệp
Người phụ trách cơ quan đại diện phía Nam của Hội Làm vườn Việt Nam cũng nhắc lại việc khi Việt Nam ký nghị định thư để XK sầu riêng chính ngạch sang Trung Quốc thì nhiều DN đã hợp tác với nông hộ đăng ký mã vùng trồng. Họ “bỏ tiền, bỏ bạc” ra đặt cọc để làm.
Tuy nhiên khi giá cả sầu riêng bắt đầu biến động, nông dân lại “bẻ kèo”. Tức là DN đặt cọc với giá thấp trong khi giá thị trường đang cao lên, còn nông dân lại bán cho những ai mua sầu riêng của họ với giá cao hơn. Và trước tình trạng “tranh mua, tranh bán” như vậy khiến cho những DN tuy đã bỏ tiền ra đặt cọc nhưng không mua được sầu riêng sẽ dẫn đến khó khăn.
Có thể nói nhìn từ yếu điểm của ngành sầu riêng như nêu trên cũng sẽ thấy yếu điểm “gót chân A-sin” ở ngành hàng rau quả hiện nay khi mà việc liên kết giữa nông hộ, HTX với DN vẫn còn đầy thách thức, dù cho vấn đề này đã được đề cập rất nhiều.
Thực ra, thời gian gần đây ở các địa phương có thế mạnh về ngành hàng rau quả cũng đã thúc đẩy chuỗi liên kết từ sản xuất cho đến tiêu thụ giữa nông hộ, HTX và DN. Tuy nhiên, mối liên kết giữa DN và nông hộ ở một số nơi vẫn chưa thật sự chặt chẽ, các bên thường đơn phương phá vỡ hợp đồng mỗi khi có biến động giá rau quả trên thị trường.
Điều đáng nói, việc quy định và áp dụng các biện pháp chế tài khi nông hộ canh tác rau quả và DN vi phạm thỏa thuận liên kết vẫn còn nhiều bất cập, khó khăn. Đơn cử như phía nông hộ bán sản phẩm ra ngoài khi giá cao hơn giá trong hợp đồng.
Ngoài ra, cần thấy rõ một thực tế là không phải nông hộ nào cũng quen với việc sản xuất theo hợp đồng, quen tuân thủ quy trình, tiêu chuẩn, quy chuẩn sản xuất hàng hóa. Và một khi các chủ thể chỉ quan tâm đến lợi ích trước mắt mà chưa thấy được lợi ích lâu dài khi sản xuất, tiêu thụ ổn định thì việc phá vỡ chuỗi liên kết là khó tránh khỏi.
Đó là chưa kể do tập quán làm ăn mang tính tự phát của nông dân vẫn còn tồn tại, nên việc sản xuất manh mún, sản phẩm rau quả trên thị trường thiếu đồng nhất, chất lượng không cao. Điều này khiến cho việc xây dựng được vùng chuyên canh sản xuất rau quả chất lượng cao vẫn còn hạn chế và khó cạnh tranh được với các quốc gia hàng đầu về XK rau quả.
Chính vì vậy, như chia sẻ của ông Nguyễn Văn Mười, chỉ khi nào ngành hàng rau quả có sự ổn định thì phía DN mới gắn kết, duy trì lâu dài với nông hộ, cũng như tập trung đầu tư và phát triển. Còn nếu rủi ro nhiều, biến động nhiều, chắc chắn phía DN sẽ rơi vào khó khăn. Và những khó khăn này nằm ngoài tầm kiểm soát của các DN.
Nói tóm lại, từ yếu điểm cố hữu về tính liên kết lỏng lẻo như nêu trên, đang đòi hỏi ngành rau quả Việt cần phải sớm vá lỗ hổng này (với sự đồng tâm hiệp lực của Nhà nước và DN) và tránh đứt gãy những chuỗi liên kết hiện có. Một khi xoá bỏ được yếu điểm này thì mới mong rau quả của Việt Nam tiến xa trên thị trường toàn cầu.