Cần giải pháp đồng bộ hỗ trợ doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo

Gia Hân

Sáng 27/9, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức Hội thảo “Ứng dụng công nghệ - đổi mới sáng tạo để tăng cường năng lực xuất khẩu cho ngành nông sản Việt Nam”.

Quang cảnh Hội thảo sáng 27/9.
Quang cảnh Hội thảo sáng 27/9.

Thời gian qua, giá trị xuất khẩu nông sản của Việt Nam liên tục tăng trưởng, đóng góp không nhỏ vào tổng giá trị xuất khẩu hàng hóa. Điều này có được là nhờ doanh nghiệp đã nỗ lực đổi mới công nghệ để tăng năng lực xuất khẩu nông sản.

Hiện nay, Việt Nam có hơn 10 nhóm mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD như rau quả, gạo, cà phê, hạt điều, hồ tiêu, đồ gỗ... Đây là những mặt hàng sản xuất, xuất khẩu chủ lực.

Nông lâm thủy sản của Việt Nam đã có mặt tại 200 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, bao gồm cả các thị trường khó tính như Mỹ, châu Âu (EU), Nhật Bản... Trong đó, EU là thị trường tiềm năng của nhiều mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, đặc biệt từ khi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) được ký kết.

Theo bà Trần Thị Lan Anh - Tổng Thư ký Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), số liệu của Bộ Công Thương cho thấy, trong 8 tháng năm 2023, giá trị kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản của Việt Nam đạt 33,21 tỷ USD, giảm 9,5% so với cùng kỳ năm 2022.

Tuy nhiên, nhóm nông sản vẫn có những tăng trưởng tích cực khi đạt 16,9 tỷ USD, tăng 11,5%. Trong đó, ngành rau quả là “điểm sáng” khi mang lại cho Việt Nam 3,55 tỷ USD, tăng 61,8% so với cùng kỳ năm trước, hướng tới mục tiêu đạt 5 tỷ USD trong năm 2023. Riêng đối với thị trường châu Âu, kim ngạch xuất khẩu rau quả của Việt Nam trong 7 tháng năm 2023 đạt 139,3 triệu USD.

Tuy nhiên, Tổng Thư ký VCCI cho biết, bên cạnh những thành tựu đạt được, sản xuất và kinh doanh nông sản của Việt Nam cũng còn tồn tại nhiều hạn chế như quy mô sản xuất còn nhỏ lẻ, sản xuất liên kết theo chuỗi liên kết còn hạn chế, trình độ ứng dụng khoa học công nghệ của các doanh nghiệp nông nghiệp còn thấp. Nông sản xuất khẩu của Việt Nam còn chủ yếu xuất thô do thiếu công nghệ chế biến, bảo quản dẫn đến hiệu quả kinh doanh, khả năng cạnh tranh nông sản chưa cao, chưa đảm bảo đáp ứng các quy trình, quy định, tiêu chuẩn của thị trường nhập khẩu từ khâu sản xuất, thu hoạch, sơ chế, đóng gói, vận chuyển, truy xuất nguồn gốc để đẩy mạnh xuất khẩu.

Bên cạnh đó, các yêu cầu liên quan đến phát triển bền vững và bảo vệ môi trường là những xu hướng tất yếu tại hầu hết các thị trường xuất khẩu chủ lực của Việt Nam. Vì thế việc mở rộng thị trường xuất khẩu nông sản của Việt Nam gặp những khó khăn, thách thức nhất định.

 

Về một số giải pháp nhằm thúc đẩy xuất khẩu nông sản trong thời gian tới, Viện trưởng VIOIT Nguyễn Văn Hội cho rằng cần đẩy mạnh nghiên cứu và ứng dụng dụng công nghệ, đổi mới sáng tạo quá trình quản trị sản xuất nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, năng lực cạnh tranh của nông sản xuất khẩu; Tiếp tục tháo gỡ các rào cản về hệ thống luật pháp và chính sách kinh tế, tài chính đối với hoạt động khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, khuyến khích các dự án, nghiên cứu về sản xuất và xuất khẩu các mặt hàng nông sản thân thiện với môi trường, có hàm lượng đổi mới sáng tạo cao; Triển khai Kế hoạch tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với thực hiện chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, phát triển nền sản xuất xanh sạch, bền vững, phát triển du lịch và ẩm thực…

Nói thêm về những tồn tại và hạn chế của xuất khẩu nông sản, ông Nguyễn Văn Hội - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược, chính sách Công Thương (VIOIT), Bộ Công Thương cho hay, việc khai thác cơ hội từ hội nhập kinh tế quốc tế, thực thi cam kết trong các FTA cho phát triển thị trường xuất khẩu nông sản thời gian qua chưa đạt hiệu quả như mong muốn; Thu hút đầu tư nước ngoài của Việt Nam mới chú trọng đến số lượng mà chưa quan tâm nhiều đến chất lượng hay hiệu quả kinh tế, xã hội, môi trường, chưa thu hút được công nghệ để thúc đẩy xuất khẩu nông sản Việt Nam.

Đồng thời, theo ông Nguyễn Văn Hội, hiện nay còn thiếu chính sách khuyến khích, tăng cường hợp tác, liên kết giữa các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản và doanh nghiệp FDI để nâng cao sức mạnh tổng hợp về vốn, công nghệ, trình độ quản lý khi tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu…

Để tăng cường khả năng ứng dụng công nghệ, đổi mới sáng tạo vào tăng năng lực xuất khẩu cho ngành nông sản Việt Nam, Tổng Thư ký VCCI cho rằng cần có các giải pháp đồng bộ hỗ trợ toàn ngành phát triển theo chuỗi, đặc biệt là hỗ trợ các doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, số hóa trong sản xuất, chế biến nông sản để đảm bảo được các tiêu chuẩn chất lượng của sản phẩm; thực hiện truy xuất nguồn gốc, xây dựng thương hiệu để nâng cao giá trị gia tăng và năng lực cạnh tranh cho các sản phẩm nông sản xuất khẩu và đáp ứng được các tiêu chuẩn ngày càng khắt khe của thị trường quốc tế.

Cùng với đó, tiếp tục đàm phán, mở rộng, phát triển thị trường xuất khẩu, bao gồm cả thị trường truyền thống và những thị trường mới còn nhiều tiềm năng.

Nhìn từ góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Khắc Hoàng – Giám đốc công ty cổ phần thực phẩm quốc tế Hoàng Gia Việt cho biết, việc ứng dựng khoa học công nghệ, chuyển đổi số, tranh thủ các thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư cho sản xuất nông sản để nâng cao giá trị nông sản xuất khẩu ở thời điểm là rất thuận lợi vì theo ông Nguyễn Khắc Hoàng “tất cả đều đang sẵn có”, sẵn có công nghệ, sẵn có giải pháp đổi mới sáng tạo… Song, Giám đốc Nguyễn Khắc Hoàng cho rằng, vấn đề đặt ra ở đây là các doanh nghiệp có chịu ứng dụng hay không.

“Theo tôi, cái khó trong ứng dụng công nghệ, đổi mới sáng tạo vào sản xuất nông sản xuất khẩu là nằm ở yếu tố nhân sự và tư duy của chủ doanh nghiệp. Ví dụ việc truy xuất nguồn gốc, đã rất nhiều giải pháp khoa học cho vấn đề này, vậy chủ doanh nghiệp, nhà sản xuất có sẵn lòng tham gia vào các chuỗi giải pháp đó không, có muốn tiếp cận các ứng dụng truy xuất đó không, có muốn minh bạch hoá quy trình sản xuất của mình không. Các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản phải hiểu rằng, khi sẵn sàng “bơi” ra biển lớn thì phải minh bạch.”, ông Nguyễn Khắc Hoàng nêu.

Ngoài ra, ông Nguyễn Khắc Hoàng thông tin thêm, hiện nay từ Trung ướng đến địa phương đã có những cơ chế, chính sách hỗ trợ rất thiết thực cho các doanh nghiệp để có thêm nguồn lực tài chính tiếp cận và ứng dụng khoa học.

Tuy nhiên, Giám đốc công ty Cổ phần thực phẩm quốc tế Hoàng Gia Việt cho rằng, nhiều khi doanh nghiệp đòi hỏi chính sách nhiều quá mà quên rằng bản thân các doanh nghiệp phải tự nâng cao nội lực như ông Nguyễn Khắc Hoàng nhận định là: “không ai làm thay việc của mình cả”.