Vận tải biển khởi sắc trước sóng COVID-19
Dù dịch COVID-19 diễn biến phức tạp và ảnh hưởng sâu rộng trong thời gian dài nhưng sản lượng vận tải biển và hàng hóa thông qua cảng biển vẫn giữ đà tăng.
Theo thống kê của Cục Hàng hải Việt Nam, tổng sản lượng vận tải do đội tàu biển Việt Nam vận chuyển vẫn tăng trưởng, ước đạt 156,5 triệu tấn, tăng 2% so với năm 2020; tổng khối lượng hàng hóa thông qua cảng biển Việt Nam năm 2021 ước đạt 703 triệu tấn, tăng 2% so với năm 2020, trong đó khối lượng hàng container ước đạt 23,9 triệu TEUs, tăng 6% so với năm 2020. Đây được xem là mức tăng khá tích cực trong bối cảnh vận tải biển gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh COVID-19.
Về vận tải biển quốc tế, hàng hóa Việt Nam được xuất khẩu đi hầu hết các thị trường trên thế giới như châu Mỹ, châu Âu, châu Á, trong đó một số tuyến vận tải xa điển hình tuyến Việt Nam đi châu Mỹ với 18 tuyến (Lạch Huyện 2 tuyến/tuần, Cái Mép-Thị Vải 16 tuyến/tuần); tuyến Việt Nam đi châu Âu 2 tuyến/tuần (2 tuyến/tuần tại cảng Cái Mép -Thị Vải); tuyến Việt Nam đi châu Á, Phi, Australia (Hải Phòng, Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh…).
Giá cước vận tải thế giới tăng cao kéo theo chi phí vận tải biển của Việt Nam cũng tăng cao kỷ lục trong năm 2021. Ví dụ, thời điểm trước lúc leo thang, mức cước vận tải trung bình cho một container 40feet từ Việt Nam vào khoảng 1.500 - 1.800 USD đi đến các cảng bờ Tây nước Mỹ; và khoảng 2.200 - 2.500 USD để đi đến các cảng chính phía bờ Đông. Mức giá cước đã tăng vọt một cách nhanh chóng vào tháng 2 ở mức 3.000 - 4.000 USD (cảng chính bờ Tây); 5.000 - 6.000 USD (cho các cảng bờ Đông), tháng 3 ở mức 5.000 - 6.000 USD (cảng chính bờ Tây); 8000 - 9.000 USD (cho các cảng bờ Đông). Đến tháng 9/2021 đã giữ mức kỷ lục 11.000 - 17.000 USD (cảng chính bờ Tây); 18.000 - 22.000 USD (cho các cảng bờ Đông).
Giá cước vận tải biển cao cùng sản lượng hàng hóa xuất nhập khẩu tăng mạnh khiến lợi nhuận của nhiều công ty logistics kinh doanh dịch vụ vận tải biển tăng đột biến trong năm 2021, nhưng đồng thời cũng gây khó khăn và gánh nặng chi phí rất lớn cho các doanh nghiệp xuất nhập khẩu hàng hóa.
Bên cạnh đó, khối lượng hàng hóa thông qua cảng biển tăng trưởng mạnh cũng giúp các công ty khai thác cảng đạt được lợi nhuận tích cực bất chấp khó khăn do dịch COVID-19.
Theo đại diện Công ty Cổ phần Cảng Nghệ Tĩnh, năm 2020, mặc dù gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là ảnh hưởng của dịch COVID-19, Cảng Nghệ Tĩnh đã nỗ lực vượt qua, đẩy mạnh hoạt động sản xuất, kinh doanh, đạt được nhiều kết quả khả quan. Sản lượng hàng hóa thông qua cảng năm 2020 đạt khoảng 4.224.375 tấn, tăng 11,72% so với năm 2019 và tăng 11,17% so với kế hoạch. Doanh thu từ hoạt động khai thác cảng năm 2020 đạt 197 tỷ 686 triệu đồng, tăng 8,06% so với năm 2019 và tăng 6,86% so với kế hoạch năm.
Tại hội nghị triển khai kế hoạch năm 2021 của Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (VIMC), Tổng Giám đốc VIMC Nguyễn Cảnh Tĩnh cho biết, 2021 là một năm đặc biệt với tổng công ty. Từ một doanh nghiệp nhà nước luôn nằm trong "top đầu" về thua lỗ, âm vốn chủ sở hữu, thậm chí đứng bên bờ vực phá sản, nhưng năm 2021, doanh thu của Tổng công ty ước đạt 19.604 tỉ đồng (tăng 124% cùng kỳ 2020; đạt 129% kế hoạch 2021), lợi nhuận tăng trưởng ước đạt 3.750 tỉ đồng. Nếu năm 2020, VIMC lỗ tới 145,3 tỉ đồng thì sang năm 2021, mức lãi đã tăng 554% kế hoạch.
Trong đó, khối vận tải biển đạt sản lượng 23 triệu tấn (tăng 102% cùng kỳ 2020; đạt 121% kế hoạch 2021). Đối với cảng biển, sản lượng hàng thông qua cảng đạt 126 triệu tấn (tăng 114% cùng kỳ 2020), sản lượng container ước đạt 5,4 triệu TEU (tăng 105% cùng kỳ).
Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Xuân Sang cho biết VIMC tiền thân là Vinalines, đã trải qua thời gian đặc biệt khó khăn, thậm chí "bết bát”, nhất là trong giai đoạn khủng hoảng chung của ngành vận tải biển toàn cầu. Tuy nhiên vận tải biển sau nhiều năm lỗ đã lần đầu tiên có lãi, nhờ được hưởng lợi từ đại dịch COVID-19 nên giá dịch vụ vận tải trên thế giới tăng cao, tác động kéo theo cước vận tải tăng lên.
Dù vậy, lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải cũng cho rằng vận tải biển phải phát triển bền vững, không chỉ dựa vào “té nước theo mưa” theo đại dịch. VIMC phải xem xét đội tàu đã thực sự mạnh, làm ăn có lãi chưa, kết quả lãi có được duy trì sau 2021 hay không?