Vàng trang sức: Cầm vàng mà đánh rơi vàng
(Tài chính) Thị trường vàng với mức tiêu thụ ước đạt 3,5 tỷ USD và tăng trưởng bình quân 25% đang hút các nhà đầu tư ngoại. Và đến 2018, khi thị trường vàng mở cửa hoàn toàn thì nguy cơ trở thành sân chơi cho nước ngoài có thể xảy ra.
Tại nhiều nước trong khu vực, vàng trang sức luôn mang lại giá trị kim ngạch xuất khẩu. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu vàng trang sức của Thái Lan đạt bình quân khoảng 3 tỷ USD/năm, Ấn Độ đạt khoảng hơn 10 tỷ USD... Với cơ cấu dân số trẻ và đông, Việt Nam được đánh giá là thị trường tiêu thụ nữ trang đầy tiềm năng.
Ước tính, mỗi năm, Việt Nam chi khoảng 3,5 tỷ USD để mua vàng và trang sức. Ông Cao Xuân Lãnh, Phó tổng giám đốc Công ty Vàng Bạc Đá quý Sài Gòn (SJC), cho rằng, nhu cầu vàng trang sức ở Việt Nam rất lớn, với tốc độ phát triển bình quân 20 - 25%/năm.
Sức hút từ tiềm năng thị trường cộng với việc Việt Nam sắp mở cửa thị trường vàng là điều kiện để nhà đầu tư ngoại quan tâm. Từ đầu năm đến nay đã có 5 đoàn doanh nghiệp (DN) của Pháp, Brazil, Hồng Kông, Thái Lan, Malaysia đến TP. Hồ Chí Minh tìm hiểu thị trường vàng Việt Nam.
Ông Nguyễn Văn Dưng, Chủ tịch Hội Mỹ nghệ Kim hoàn Đá quý TP. Hồ Chí Minh, cho biết, những DN này không đến tìm nhà phân phối mà muốn liên doanh, liên kết với các DN trong nước để thành lập công ty sản xuất vàng trang sức.
Điều kiện làm đối tác cho những DN này chỉ là cơ sở sản xuất có lực lượng tay nghề tốt. Bên cạnh việc sản xuất sản phẩm cho thị trường trong nước, liên doanh sẽ sản xuất sản phẩm theo yêu cầu của nhà đầu tư ngoại để xuất về nước họ.
Không chỉ làm việc với các hội ngành nghề, hiện có nhiều DN nước ngoài đã tiếp xúc trực tiếp với DN trong nước bàn về việc hợp tác. Một số DN đang trong quá trình tìm hiểu về đất đai để mua và xây dựng nhà xưởng.
Một số khác đã đầu tư, mở văn phòng đại diện và bước đầu nhờ các đối tác trong nước làm đại diện. Trước mắt, khi liên doanh chưa sản xuất, các nhà đầu tư sẽ đưa sản phẩm vào Việt Nam kinh doanh.
Ông Dưng cho biết, DN của ông với thương hiệu vàng Mỹ Linh Ngân cũng đã được các nhà đầu tư đặt vấn đề liên kết nhưng ông chưa tính đến phương án này.
Mới đây, ông đã dẫn một số DN đến Đồng Nai, giúp họ tìm đất để mở nhà máy. Tuy nhiên, hầu hết các DN muốn đầu tư tại Việt Nam đều muốn có cơ sở sản xuất tập trung ở khu vực TP. Hồ Chí Minh.
Điều này cũng thấy rõ tại Hội chợ quốc tế Trang sức Việt Nam 2013 (VIJF) diễn ra từ 7 - 11/11. Trong khi các DN của Hội Mỹ nghệ Kim hoàn Đá quý TP. Hồ Chí Minh vì khó khăn không tham gia VIJF thì có đến 30 DN đến từ Hồng Kông, Singapore, Malaysia, Thái Lan, Thổ Nhĩ Kỳ, Ý và Ấn Độ đã có mặt tại hội chợ. Và dĩ nhiên là ngoài việc bán hàng, các DN này cũng đang tìm hiểu thị trường, tìm kiếm đối tác.
Nguy cơ mất thị trường
Hiện tại, trong khi chưa có liên doanh nào chính thức ra mắt nhưng sản phẩm nước ngoài đã bắt đầu "đổ bộ” vào Việt Nam. Trong mấy tháng trở lại đây, tại các trung tâm thương mại, siêu thị trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh tràn ngập các dòng vàng nữ trang xuất xứ từ Hồng Kông, Singapore, Đài Loan và đặc biệt là Trung Quốc.
Chưa biết vàng nữ trang này nhập khẩu vào thị trường bằng cách nào nhưng được mới chào các DN, trong nước làm nhà phân phối. Và chỉ cần ứng trước một số tiền nhỏ là các đại lý đã có thể trở thành nhà phân phối cho họ. Khi không bán hết sản phẩm, các đại lý có thể trả lại bất cứ lúc nào.
Hiện nay, cả nước có khoảng 12.000 đơn vị sản xuất, gia công vàng trang sức nhưng chỉ có rất ít công ty đầu tư lớn, sản xuất công nghiệp như DOJI, PNJ, SJC... đủ sức cạnh tranh với hàng nước ngoài. Bởi, hiện nay ngành nữ trang Việt Nam đang vấp phải rất nhiều khó khăn.
Bên cạnh sức mua giảm sút, DN trong nước còn chịu những tác động ở khâu đầu vào như nguyên liệu không được nhập mà phải mua trong nước với giá cao, không được vay vốn để sản xuất kinh doanh vàng trang sức.
Ngoài ra, sự tràn ngập của vàng nữ trang Trung Quốc và các nước đã khiến cho các DN sản xuất trong nước vốn đã khó khăn nay càng thêm bế tắc. Hiện có khoảng 70% trong tổng số gần 3.000 DN kinh doanh vàng tại TP. Hồ Chí Minh đã ngừng sản xuất, giải thể.
Trước áp lực nữ trang ngoại, các chuyên gia cho rằng, nếu không khéo, DN trong nước sẽ mất dần tính cạnh tranh với DN nước ngoài có lợi thế về thuế, công nghệ, kinh nghiệm chế tác đều hơn hẳn Việt Nam.
Bởi, dù Việt Nam có nhiều tiềm năng phát triển ngành công nghiệp trang sức, đặc biệt là xuất khẩu nhưng do thuế xuất khẩu vàng trang sức hàm lượng từ 80% trở lên còn cao (đến 10%), nên đồ trang sức Việt Nam khó cạnh tranh với các nước như Thái Lan, Ấn Độ và Trung Quốc. Những nước này đã áp dụng thuế suất xuất khẩu vàng trang sức, mỹ nghệ ở mức 0% từ nhiều năm nay.
Nhưng điều mà các DN lo lắng hơn cả là áp lực khi mở cửa hoàn toàn thị trường vàng. Theo cam kết WTO, AFTA, năm 2015, Việt Nam sẽ bắt đầu mở cửa thị trường vàng và đến năm 2018, khi thuế suất nhập khẩu sẽ giảm bằng 0% thì nữ trang nước ngoài theo đường chính ngạch sẽ tràn ngập thị trường.
Và khi đó, các DN ngoại cũng không cần phải liên kết với DN trong nước để phân phối mà đưa hàng chính ngạch về bán. Còn số DN đã mở nhà máy với tiềm lực tài chính mạnh sẽ mở rộng đầu tư tại Việt Nam. "Và nếu cứ cái đà này thì DN trong nước sẽ trở thành đơn vị gia công cho nước ngoài", ông Dưng lo lắng.