Vay nhiều + quay chậm = nợ xấu

Theo thoibaonganhang.vn

Ông Nguyễn Hoàng Hải, Tổng thư ký Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI) cho rằng, vấn đề đặt ra hiện nay là bên cạnh việc xử lý nợ xấu, cần có những biện pháp, các quy định để giảm thiểu nợ xấu phát sinh trong tương lai. Như về mặt quản lý, Nhà nước phải có quy định pháp lý nhằm khống chế tỷ lệ giữa giá trị tiền được vay mượn so với vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp (DN) để ngăn ngừa rủi ro tốt hơn.

Xử lý nợ xấu đang là mối quan tâm hàng đầu của các ngân hàng hiện nay. Nhưng làm thế nào để ngăn ngừa nợ xấu phát sinh còn quan trọng hơn. Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Hoàng Hải cho rằng:

Việt Nam đã từng nhiều lần phải xử lý nợ xấu và qua mỗi giai đoạn nợ xấu vẫn quay lại và lớn hơn. So với thời điểm xử lý nợ sau khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997 thì quy mô nợ xấu hiện nay của chúng ta gấp nhiều lần, nhưng không vì thế mà khó khăn hơn trong việc xử lý nợ.

Bởi thời điểm năm 1997, quy mô nợ xấu thấp, nhưng các ngân hàng thương mại (NHTM) Nhà nước cũng như NHTM cổ phần hồi đó chưa lớn mạnh, dễ bị tổn thương. Còn hiện nay, quy mô nợ xấu lớn hơn, nhưng hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD) của chúng ta có những NHTM Nhà nước vẫn giữ được “phong độ” như VietinBank, Vietcombank, BIDV, Agribank và các NHTM cổ phần như MB, Eximbank, VP Bank, MaritimeBank… cũng đã lớn mạnh hơn trước.

Do đó, hệ thống ngân hàng vẫn trụ vững trong bão nợ xấu. Đặc biệt, bên cạnh việc chủ động xử lý nợ xấu, tự tái cơ cấu, hệ thống ngân hàng vẫn đảm đương vai trò trụ cột của nền kinh tế.

Tuy vậy, vấn đề đặt ra hiện nay là bên cạnh việc xử lý nợ xấu, chúng ta cần có những biện pháp, các quy định để giảm thiểu nợ xấu phát sinh trong tương lai.

Theo ông đó là những biện pháp gì?

Vay nhiều + quay chậm = nợ xấu - Ảnh 1
Ông Nguyễn Hoàng Hải,
Tổng thư ký VAFI
Ông Nguyễn Hoàng Hải: Thực tế hiện nay, mặc dù tốc độ tăng trưởng tín dụng thấp nhưng lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cũng đã kiên quyết nhiều lần đề nghị không được hạ chuẩn tín dụng khi cho vay những khoản tín dụng mới. Bản thân các NHTM cũng chú trọng thẩm định các dự án, phương án đề nghị xin vay vốn kỹ càng hơn trước để ngăn ngừa rủi ro.

Tuy vậy, về mặt quản lý, Nhà nước phải có quy định pháp lý nhằm khống chế tỷ lệ trong phạm vi nhất định giữa giá trị tiền được vay mượn so với vốn chủ sở hữu của DN để ngăn ngừa rủi ro tốt hơn.

Theo thông lệ ở nhiều nước trên thế giới hiện nay, DN phát triển, tài chính lành mạnh vẫn không được vay vốn vượt quá 50% vốn chủ sở hữu. Nhiều DN có tiềm lực lớn, thậm chí còn mua cổ phiếu quỹ để chờ thời cơ thực hiện thôn tính, sáp nhập DN. Do đó, VAFI đề nghị Chính phủ, Bộ Tài chính, NHNN cần có quy định về mức cho vay của các TCTD đối với DN không nên vượt quá vốn chủ sở hữu của DN.

Vận dụng các quy định của thế giới vào Việt Nam như vậy liệu có phù hợp trong giai đoạn hiện nay không thưa ông?

Ở Việt Nam hiện nay với những DN, tập đoàn lớn như Hoàng Anh Gia Lai, Hòa Phát đang phấn đấu số vốn vay xuống dưới giá trị vốn chủ sở hữu, hay như Vinamilk họ không phải vay mượn vốn, nếu có vay thì cũng rất ít. Ngược lại, với lĩnh vực sửa chữa tàu biển, xi măng, bất động sản có những DN vay nợ 6 - 7 lần vốn chủ sở hữu nên nguy cơ nợ xấu luôn hiện hữu.

Bên cạnh đó, theo nghiên cứu của VAFI, có nhiều DN với chiến lược sản xuất, kinh doanh “ăn chắc, mặc bền”, họ vay ít hoặc huy động vốn bằng cách phát hành cổ phiếu thì trong thời điểm khó khăn vừa qua các DN này vẫn đứng vững. Còn những DN nào nôn nóng, quản trị yếu kém, đầu tư dàn trải thì nợ xấu nhiều.

Nhưng hầu hết DN của chúng ta đều là DN nhỏ và vừa, nếu lấy vốn chủ sở hữu là một cơ sở xét lượng cấp tín dụng thì sẽ khiến DN khó “lớn” lên được?

Theo tôi, các NHTM vẫn nên áp dụng ngay phương pháp này với các khoản vay mới. Tuy nhiên, từng lĩnh vực ngành nghề có thể áp dụng theo lộ trình. Chẳng hạn, với một số DN ngành xi măng đang vay vượt quá 5-6 lần vốn chủ sở hữu, thì không thể cắt giảm ngay được. Vì vậy, phải có giai đoạn quá độ. Với nợ mới, NHTM không nên cho DN vay quá 2 lần vốn chủ sở hữu của DN và tiến tới chuẩn mực có thể không cho vay quá 1,5 lần vốn chủ sở hữu. Nhưng với DN thương mại thuộc lĩnh vực kinh doanh lúa gạo, xăng dầu thì Bộ Tài chính nên nghiên cứu để đưa ra tỷ lệ phù hợp.

VAFI kiến nghị các NHTM nên cho vay theo tiêu chuẩn như thế, nhưng cũng cho rằng tỷ trọng trên (vốn vay/vốn chủ sở hữu) cũng chỉ là một tiêu chí để tránh rủi ro gây nợ xấu khi xét duyệt cho vay. Ngoài ra, ngân hàng còn phải dựa vào nhiều tiêu chí khác, trước khi đưa ra quyết định cuối cùng.