Vay tiêu dùng giúp tích lũy tài sản tốt hơn

Theo daibieunhandan.vn

Đó là nhận định của Phó Viện trưởng - Viện Chiến lược, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Phạm Xuân Hòe. Theo chuyên gia kinh tế này, hoạt động cho vay tiêu dùng xuất hiện nhằm đáp ứng nhu cầu cá nhân (nhất là những người có thu nhập thấp) có cơ hội tiêu dùng trước, chi trả sau dưới nhiều hình thức, hỗ trợ những lúc cấp bách.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Khách hàng hưởng lợi trực tiếp

Tín dụng tiêu dùng là một trong những sản phẩm giúp giải quyết nhu cầu tài chính tức thời khi mua một sản phẩm phục vụ nhu cầu cá nhân…

Đặc biệt, cho vay tiêu dùng cá nhân chính là một phương tiện rất tốt giúp người có thu nhập thấp và thu nhập trung bình có thể tích luỹ được tài sản. Ví dụ: Hai vợ chồng trẻ có mức lương khoảng 3 - 4 triệu đồng/tháng, phải thỏa mãn các nhu cầu về tiền thuê nhà ở, chi phí sinh hoạt hàng tháng hoặc chi cho con cái, cơ hội tích lũy để có được 1 chiếc xe máy khoảng 10 triệu đồng là rất khó khăn. Tuy nhiên, nếu vay tiêu dùng của các công ty tài chính, họ có ngay xe máy để đi lại mà chưa phải trả ngay một khoản tiền lớn, chỉ cần quản lý chặt chẽ chi tiêu và trả dần về sau.

Theo ông Phạm Xuân Hòe, vay tiêu dùng giúp những người thu nhập thấp, thu nhập trung bình được tiếp cận với dịch vụ tài chính chính thức từ các định chế được cấp phép và hoạt động theo quy định của pháp luật. Điều này giúp người dân hạn chế tối thiểu việc phải tiếp cận hoạt động vay nặng lãi, tín dụng đen.

Bên cạnh việc đáp ứng nhu cầu của người dân trong thời điểm cấp bách, PGS.TS. Nguyễn Thị Mùi, nguyên Giám đốc trường Đào tạo và Phát triển nhân lực Ngân hàng Thương mại cổ phần Công Thương Việt Nam cho rằng, sự phát triển của tín dụng tiêu dùng còn đem lại những lợi ích thiết thực cho các tổ chức tín dụng và nền kinh tế. Cụ thể, đối với các tổ chức tín dụng, sự phát triển tín dụng tiêu dùng không chỉ giúp tăng trưởng vào phân khúc có suất lợi nhuận cao, đa dạng hóa dịch vụ ngân hàng, mà còn giúp các tổ chức này phân tán rủi ro trong hoạt động cho vay. Đối với nền kinh tế, tín dụng tiêu dùng phát triển giúp tăng chi tiêu, ổn định trật tự xã hội, từ đó tác động lớn đến sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Tuy nhiên, do đa số khách hàng vay tiêu dùng là những người có thu nhập trung bình hoặc thấp, không ổn định và không có tài sản bảo đảm, trong khi món vay nhỏ, thời gian cho vay ngắn, nên mức độ tiềm ẩn rủi ro của khoản vay lớn. Bên cạnh đó, chi phí nhân lực để quản lý khoản vay tính bình quân trên một đơn vị dư nợ cho vay sẽ cao hơn so với các khoản vay thương mại truyền thống. Để bù đắp những rủi ro tiềm ẩn này, tổ chức tín dụng buộc phải đưa ra lãi suất thỏa thuận với khách hàng cao hơn nhiều so với lãi suất ngân hàng thương mại cho vay lĩnh vực sản xuất, kinh doanh.

Minh bạch trong các điều khoản vay

“Phải khẳng định rằng các công ty tài chính hoạt động tuân thủ quy định tại Khoản 2, Điều 91 Luật Các tổ chức tín dụng (năm 2010) và Thông tư 12/2010/TT-NHNN của NHNN hướng dẫn tổ chức tín dụng cho vay bằng đồng Việt Nam đối với khách hàng theo lãi suất thỏa thuận.

Công ty tài chính bắt buộc phải đăng ký hợp đồng cho vay, trong đó có điều khoản niêm yết về lãi suất. Bởi thế, “không thể nào cho rằng, họ không công khai, thiếu minh bạch khi giao dịch với khách hàng”, ông Phạm Xuân Hòe nhấn mạnh.

Trao đổi về vấn đề tài chính tiêu dùng “núp bóng” tín dụng đen, ông Hòe cho hay: Các công ty tài chính được cơ quan nhà nước cấp phép cũng phải hoạt động hiệu quả để đem lại lợi nhuận và thực hiện nghĩa vụ đóng thuế hàng năm, chứ không phải như hoạt động tín dụng đen “làm ăn chui”. Do vậy, chúng ta cũng cần xem xét lại việc lên án hoạt động này, không nên có những bình luận khắt khe quá mức như thời gian qua. Ở các nước Nhật Bản, Anh, Pháp… cũng từng có những quan niệm áp đặt sai bản chất của tín dụng tiêu dùng như ở Việt Nam hiện nay, song khi nhận thức được những lợi ích mà cho vay tiêu dùng đem lại cho người dân nghèo, họ đã quay lại ủng hộ dịch vụ này. Khi các công ty tài chính vi phạm, Nhà nước luôn có hành lang pháp lý để xử lý.

Theo ý kiến của một số chuyên gia kinh tế khác, để tự bảo vệ mình và tránh có những phản ánh tiêu cực sau khi vay, người đi vay cần tìm hiểu cặn kẽ về khoản vay trước khi đặt bút ký hợp đồng, đặc biệt là các điều, khoản về lãi suất. Quan trọng hơn, khách hàng cần cân nhắc khả năng tài chính của mình có chịu được mức lãi suất vay tiêu dùng hay không rồi mới thực hiện khoản vay.

Tiềm năng tăng trưởng của cho vay tiêu dùng tuy lớn song rủi ro cũng không dễ dàng kiểm soát. Điều này lý giải vì sao lãi suất cho vay tiêu dùng được công ty tài chính áp dụng cao hơn nhiều so với lãi suất vay ngân hàng.