VEPR: Tín dụng vào bất động sản có thể thành nợ xấu khó đòi, tạo cú sốc cho nền kinh tế

Theo Nam Anh/ndh.vn

Theo VEPR, khi thị trường bất động sản trở nên suy yếu, khoản tín dụng đổ vào lĩnh vực này có thể trở thành nợ xấu khó đòi.

Cảnh báo các khoản tín dụng đổ vào bất động sản hiện nay có thể trở thành nợ xấu khó đòi. Nguồn: Internet
Cảnh báo các khoản tín dụng đổ vào bất động sản hiện nay có thể trở thành nợ xấu khó đòi. Nguồn: Internet

Tại buổi Báo cáo đánh giá kinh tế vĩ mô quý IV và cả năm 2018 ngày 10/1, Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) đưa ra cảnh báo các khoản tín dụng đổ vào bất động sản hiện nay có thể trở thành nợ xấu khó đòi, dẫn tới những cú sốc cho nền kinh tế.

Theo VEPR, tuy các ngân hàng đã có những nỗ lực xử lý nợ xấu trong thời gian qua, rủi ro về chu kỳ nợ xấu mới vẫn là tiềm tàng với hệ thống tổ chức tài chính của Việt Nam khi tín dụng đổ vào các lĩnh vực rủi ro như BOT, BĐS, và gần đây là tín dụng tiêu dùng trên thực tế vẫn cao.

Việc thu hồi vốn vay từ các dự án giao thông BOT, BT không hề đơn giản khi nhiều công trình từ các dự án này liên tiếp bị phát hiện sai phạm. Điều đó khiến cho thời gian hoàn vốn của những dự án này có thể kéo dài hơn dự kiến.

Với lĩnh vực bất động sản, dù đã được kiểm soát chặt chẽ hơn, tỷ trọng tín dụng đổ vào bất động sản vẫn tăng, chưa kể tín dụng núp bóng khoản vay tiêu dùng. "Khi thị trường bất động sản trở nên suy yếu, khoản tín dụng đổ vào đây có thể trở thành nợ xấu khó đòi", VEPR nhận định.

Thêm vào đó, tín dụng tiêu dùng đang dần trở thành một trong những động lực quan trọng cho tăng trưởng của hệ thống ngân hàng. VEPR cho rằng nếu không được giám sát chặt chẽ rất có thể chúng sẽ trở thành gánh nặng khó chi trả của các hộ gia đình khi nền kinh tế gặp phải các cú sốc.

Do vậy, việc hạ thấp đòn bẩy và kiểm soát tín dụng với các lĩnh vực rủi ro là điều cần thiết nhằm tăng cường khả năng chống chọi của hệ thống tài chính trước những cú sốc.

Bên cạnh đó, VEPR cũng chỉ ra nguy cơ vỡ bong bóng bất động sản tại Trung Quốc và xu hướng giảm giá của thị trường toàn cầu sẽ ảnh hưởng tới cả khu vực, trong đó có Việt Nam. Bong bóng bất động sản Trung Quốc có nguy cơ vỡ do nhu cầu từ khách Trung Quốc đại lục - thế lực thị trường quan trọng - đã suy giảm do kinh tế đại lục yếu đi và Chính phủ Trung Quốc tăng cường kiểm soát dòng vốn ra. Bên cạnh đó, nghiên cứu của IMF (2018) cho thấy đang có sự “đồng bộ hóa” ngày càng tăng của giá nhà ở các quốc gia và thành phố lớn.

Theo VEPR, điều này có nghĩa là khi xảy ra cú sốc với thị trường bất động sản tại một quốc gia (nhất là nước lớn), khả năng rất cao là bất ổn sẽ lan sang nhiều nước khác. Như nhận định của IMF “sự cùng đi xuống của giá nhà trên toàn cầu có thể dẫn tới bất ổn tài chính và kinh tế vĩ mô”.

Tại Trung Quốc, giá bất động sản đang được duy trì cao ở mức giả tạo nhằm che dấu nợ xấu và tránh sự sụp đổ của hệ thống ngân hàng. Nếu bong bóng bất động sản ở đây vỡ thì sẽ tạo ra một thảm họa kinh tế với nước này và có thể là cả khu vực.