Căng thẳng với Mỹ, Trung Quốc chuyển hướng M&A sang châu Âu

Theo Kim Ngân/nhadautu.vn

Hoạt động mua bán, sáp nhập của Trung Quốc năm ngoái tập trung ở châu Âu thay vì Mỹ do căng thẳng trong quan hệ giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới gia tăng, theo khảo sát của Baker McKenzie và Rhodium Group.

 Hoạt động M&A đã chuyển hướng từ Mỹ sang châu Âu vào năm ngoái. Ảnh: AP
Hoạt động M&A đã chuyển hướng từ Mỹ sang châu Âu vào năm ngoái. Ảnh: AP

Khảo sát cho biết M&A của Trung Quốc ở châu Âu tăng 5% so với 2020, lên 8,4 tỷ USD, trong khi con số ở Bắc Mỹ giảm 37%, xuống còn 4,7 tỷ USD.

Dữ liệu được đưa ra trong bối cảnh các nhà quản lý Hoa Kỳ lên tiếng lo ngại đầu tư của Trung Quốc gây nguy hiểm cho an ninh quốc gia, và Washington hôm thứ Ba công bố một dự luật nhằm tăng cường khả năng cạnh tranh của Mỹ trước Trung Quốc, theo Nikkei Asia.

EU, thực tế, cũng đã tăng cường giám sát đối với đầu tư của Trung Quốc, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ và cơ sở hạ tầng.

"Hoạt động M&A công nghệ cao của Trung Quốc ở nước ngoài giảm do các cơ quan quản lý nước ngoài tăng cường giám sát đối với đầu tư của Trung Quốc và Trung Quốc đang tập trung xây dựng các giải pháp thay thế trong nước", báo cáo cho biết.

Shi Yinhong, một cố vấn của Hội đồng Nhà nước Trung Quốc, cảnh báo giám sát ngày càng tăng. "Điều đáng chú ý là EU cũng đang tăng cường giám sát đối với đầu tư của Trung Quốc, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ cao", ông Shi nói với Nikkei Asia.

Các thương vụ mua lại năm 2021 của Trung Quốc ở châu Á đạt 5,4 tỷ USD, trong khi các thương vụ ở Mỹ Latinh đạt 3 tỷ USD, theo khảo sát. Con số của châu Đại Dương và châu Phi là khoảng 1,5 tỷ USD.

Báo cáo nhấn mạnh hoạt động M&A của các công ty Trung Quốc năm 2021 giảm xuống so với năm trước, còn 23,7 tỷ USD, trong khi các giao dịch xuyên biên giới toàn cầu cùng kỳ phục hồi mạnh, do các quy định liên quan đến COVID-19 nghiêm ngặt của Trung Quốc và các rào cản pháp lý đối với doanh nghiệp nước này.

"Sự sụt giảm trong hoạt động mua bán, sáp nhập diễn ra đặc biệt nghiêm trọng, và các biện pháp kiểm soát dịch COVID-19 nghiêm ngặt của Trung Quốc gây khó thêm cho các giao dịch ở nước ngoài trong năm 2020 và 2021", phân tích thường niên của Baker & McKenzie về xu hướng đầu tư ra nước ngoài của Trung Quốc cho biết.

Các lĩnh vực được coi là ít nhạy cảm hơn như hàng tiêu dùng và giải trí là những lĩnh vực thu hút đầu tư ra nước ngoài của Trung Quốc, chiếm gần 1/2, tiếp theo là giao thông và cơ sở hạ tầng, dịch vụ tài chính và kinh doanh, vật liệu cơ bản và y tế, theo báo cáo.

"Các nhà đầu tư Trung Quốc vẫn quan tâm rất lớn đến mở rộng ra nước ngoài. Xu hướng mở rộng ra nước ngoài của họ lẽ ra đã mạnh hơn nếu không phải do đại dịch toàn cầu tiếp tục gây gián đoạn trong năm 2021", Hong Zhang, trưởng bộ phận vốn tư nhân cho Trung Quốc tại FenXun, đối tác nền tảng hoạt động chung của Baker & McKenzie tại Trung Quốc.

Bà Zhang nói đã có sự chuyển hướng sang Mỹ Latinh trong những năm gần đây do "các cơ quan quản lý ở khu vực này hầu như vẫn ủng hộ đầu tư từ Trung Quốc".