Vì sao giá điện gây "bão" dư luận?
Điện là loại hàng hóa quan trọng có ảnh hưởng đặc biệt đến mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội. Vì thế, nhiều năm trở lại đây, trước, trong và sau mỗi lần điều chỉnh tăng giá điện, dư luận lại "nóng" lên với nhiều ý kiến trái chiều. Một bên phản đối và một bên ủng hộ. Tuy nhiên, thực tế cung - cầu điện năng của Việt Nam hiện nay đòi hỏi cần nhìn nhận một cách khách quan về giá điện trong bối cảnh nền kinh tế thị trường, có sự điều tiết của nhà nước.
Những ý kiến trái chiều
Đợt điều chỉnh tăng giá điện từ ngày 20/3/2019 mới đây, không may trùng vào thời điểm nắng nóng, nhu cầu sử dụng điện của khách hàng cao, dẫn đến hóa đơn tiền điện tăng đột biến. Phải trả thêm chi phí so với thông thường, khiến dư luận phản ứng gay gắt trên các phương tiện truyền thông. Đây là điều dễ hiểu vì điện là một trong những mặt hàng thiết yếu ảnh hưởng trực tiếp đến nhiều hoạt động của kinh tế - xã hội, cũng như cuộc sống của người dân.
Nhóm phản đối cho rằng, việc tăng giá điện chỉ có lợi cho ngành điện, gây khó khăn cho người dân, doanh nghiệp; lựa chọn thời điểm tăng giá hay biểu giá bậc thang chưa phù hợp; so sánh giá điện Việt Nam với thế giới là bất hợp lý vì thu nhập khác nhau. Họ còn đặt vấn đề không nên đưa khung giá điện vào diện văn bản Mật, hay quản lý giá điện mệnh lệnh hành chính. Thậm chí, việc thành lập đoàn kiểm tra việc thực hiện quy định của cơ quan quản lý là Bộ Công Thương còn bị đặt vấn đề "vừa đá bóng, vừa thổi còi"...
Tuy nhiên, cũng có ý kiến "đồng cảm" với lý do giá điện tăng vì những sự biến động tăng của yếu tố đầu vào; chi phí nhiên liệu theo giá thị trường thế giới... Giá điện thấp là nguyên nhân của sự sử dụng lãng phí; không khuyến khích thu hút đầu tư; không đảm bảo chất lượng điện do thiếu đầu tư nâng cấp hệ thống, có thể dẫn tới cắt điện luân phiên, đe dọa đến an ninh năng lượng quốc gia...
Nhìn ở bình diện chung hai luồng dư luận đều có lý lẽ riêng. Nhưng, công bằng mà nói, có những ý kiến, trong đó có một số chuyên gia, cùng với sự vào cuộc của truyền thông theo kiểu "nói cho bõ ghét" về cái ngành lâu nay vẫn được coi là "độc quyền" mà thiếu sự nghiên cứu, xem xét tổng thể cả một quá trình.
Suy cho cùng, bất kỳ vấn đề gì, nhất là một mặt hàng quan trọng như điện, cũng không thể "thỏa mãn" hay hài lòng 100% số đông, đặc biệt khi đụng chạm đến túi tiền trực tiếp của mỗi người.
Giá điện tăng đã được tính toán kỹ lưỡng
Ông Nguyễn Anh Tuấn - Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương) - cho biết, có nhiều yếu tố tác động tăng giá điện, trong đó quan trọng nhất là giá nguyên liệu đầu vào. Năm 2019, việc chính thức thực hiện Luật Thuế bảo vệ môi trường đối với than làm giá mặt hàng này tăng.
Từ ngày 5/1, giá than bán cho sản xuất điện tăng từ 2,61% đến 7,67% tùy loại, làm tăng chi phí phát điện năm 2019 lên khoảng 3.000 tỷ đồng. Tới đây, giá than dự kiến tiếp tục điều chỉnh bước hai đồng thời với giá điện. Dự kiến chi phí phát điện năm nay ước tăng thêm khoảng 2.000 tỷ đồng.
Mặt khác, do than trong nước không đủ, một số nhà máy điện than sẽ phải sử dụng trộn than nhập khẩu. Tương tự với giá khí, từ ngày 20/3, giá khí bán cho nhà máy điện trong bao tiêu sẽ được chuyển sang bán với giá thị trường. Điều này cũng khiến cho chi phí sản xuất điện năm 2019 dự kiến tăng hơn 5.800 tỷ đồng so năm trước. Cộng thêm nhiều chi phí của ngành điện hiện được tính bằng ngoại tệ như vốn vay nước ngoài, giá khí trả bằng USD, dự tính mức trượt tỷ giá sẽ tăng khoảng 1,36%.
Theo tính toán của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), việc chi phí đầu vào tăng thêm, gồm than 7.000 tỷ đồng, chênh lệch giá khí bao tiêu gần 6.000 tỷ đồng, chênh lệch tỷ giá là 3.825 tỷ đồng cùng các khoản khác... tổng số tiền lên tới 21.000 tỷ đồng. Đây cũng là những lý do để EVN xây dựng phương án trình Bộ Công Thương xem xét điều chỉnh tăng giá điện lên mức 8,36% vào ngày 20/3/2019 vừa qua.
Trên thực tế, chi phí sản xuất tăng hàng năm cộng với khoản lỗ tỷ giá chênh lệch giữa đồng Việt Nam và ngoại tệ được Chính phủ đồng ý phân bổ vào giá điện hàng năm. Nếu không tăng giá, ngành điện sẽ chịu áp lực tài chính nặng nề. Đáng ra năm 2018, xét các yếu tố đầu vào thì giá điện đã tăng. Tuy nhiên, vì nhiều mục tiêu vĩ mô, giá điện đã được giữ nguyên từ cuối năm 2017 cho đến nay. Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5/2018 nêu rõ "Các bộ, cơ quan quản lý giá các mặt hàng, dịch vụ thiết yếu chủ động phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính thực hiện đồng bộ các công cụ, giải pháp phù hợp, điều hành thận trọng giá các mặt hàng do nhà nước quản lý; không tăng giá điện trong năm 2018". Đây là một nỗ lực rất lớn của cơ quan quản lý nhà nước, cũng như ngành điện nhằm ổn định nền kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát.
Ông Nguyễn Anh Tuấn khẳng định, việc điều hành giá điện năm 2019 được thực hiện theo quy định tại Quyết định số 24/2017/QĐ-TTg ngày 30/6/2017 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân, đảm bảo nguyên tắc giá điện được thực hiện theo cơ chế thị trường có sự điều tiết của nhà nước và phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Phương án tăng giá điện năm 2019 cũng như các lần trước đó, với vai trò là Bộ phụ trách lĩnh vực, Bộ Công Thương đều phối hợp với Bộ Tài chính kiểm tra, thẩm định các phương án giá điện, phối hợp với Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) đánh giá ảnh hưởng của từng phương án điều chỉnh giá điện đến các chỉ tiêu kinh tế như GDP,CPI, PPI. Các phương án này đều được báo cáo Ban Chỉ đạo điều hành giá xem xét thông qua trước khi báo cáo Thủ tướng Chính phủ quyết định.
Đối với việc nhiều khách hàng phải trả hóa đơn tiền điện tăng cao trong kỳ ghi chỉ số tháng 4 vừa qua. Ngành điện đã giải thích 3 nguyên nhân chính dẫn đến việc tiền điện tăng cao, bao gồm: Nhu cầu sử dụng điện tăng cao do thời tiết nắng nóng; việc điều chỉnh giá điện tăng; thời gian sử dụng điện trong tháng dài hơn tháng trước liền kề.
Sản lượng điện tiêu thụ nhiều, lại rơi vào mức giá cao của biểu giá 6 bậc thang nên hóa đơn tiền điện tăng cao cũng là dễ hiểu. Và, không ai có thể phủ nhận những gì thực tế đang diễn ra. Trong quá trình thực hiện Quyết định 648/QĐ-BCT, mọi khiếu nại, thắc mắc của khách hàng liên quan đến giá điện đều đã được EVN tiếp nhận, xử lý, giải đáp thỏa đáng.
PGS.,TS. Bùi Xuân Hồi – giảng viên Trường Đại học Bách khoa - cho rằng, biểu giá điện đạt được 2 mục đích là đảm bảo chính sách an sinh xã hội (tạo điều kiện cho người nghèo) và khuyến khích người dân sử dụng tiết kiệm điện. Mức tăng bình quân 8,36% phụ thuộc vào việc tiêu dùng điện nhiều hay ít. Đặc biệt, đã có công thức tính cụ thể, rõ ràng, minh bạch nên những thông tin như "giá điện tăng nhiều lần chứ không phải 8,36%", "giá điện tăng khủng 50-70 %",... là hoàn toàn không có cơ sở thực tế. EVN bán điện theo giá nhà nước quy định, khách hàng dùng điện nhiều phải trả tiền nhiều hơn. Việc cho rằng ngành điện "độc quyền" muốn làm gì thì làm và nhà nước can thiệp vào giá cả để ngành điện có lợi còn người dân chịu thiệt... là những đánh giá có phần thiếu chính xác, không khách quan và công bằng.
Nhìn lại quá trình phát triển của ngành điện Việt Nam, không thể phủ nhận những thành quả vượt bậc từ giai đoạn đổi mới đến nay, đặc biệt trong hơn 10 năm gần đây. Từ chỗ thiếu điện, cắt điện luân phiên đến nay, hệ thống nguồn điện đã có dự phòng. Hệ thống lưới điện đồng bộ, hiện đại, phủ kín đến mọi miền đất nước, trên 99% số hộ dân có điện. Người dân nông thôn, miền núi, hải đảo được hưởng giá điện, dịch vụ của ngành điện ngang bằng nhau.
Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Chính phủ, Bộ Công Thương, ngành điện Việt Nam (chủ lực là EVN) đã có bước chuyển biến vượt bậc cả về lượng và chất, góp phần quan trọng cho sự nghiệp xóa đói giảm nghèo; thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; đảm bảo an ninh năng lượng, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia trong bối cảnh hội nhập toàn cầu.