Vì sao giá xăng dầu trong nước lại tính giá quốc tế?
Trong tiến trình hội nhập quốc tế ngày càng chủ động và sâu rộng, Việt Nam đã và đang từng bước tham gia các Hiệp định thương mại tự do đa phương và song phương. Các hàng rào thuế quan, phi thuế quan từng bước được gỡ bỏ theo lộ trình cam kết hội nhập, trong đó có thuế nhập khẩu xăng dầu. Bên cạnh đó, thị trường phân phối xăng dầu trong nước từng bước được mở rộng để đảm bảo tính cạnh tranh thị trường.
Đến nay, đã có 27 đầu mối kinh doanh xuất nhập khẩu xăng dầu được cấp phép, và Nhà máy Lọc dầu Dung Quất và Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn đã đi vào vận hành thương mại, đưa Việt Nam từ một nước xuất khẩu toàn bộ dầu thô, nhập khẩu toàn bộ sản phẩm xăng dầu đến nay đã từng bước chủ động được nguồn cung xăng dầu nội địa, góp phần ổn định an ninh năng lượng quốc gia.
Từ năm 2019 nguồn cung xăng dầu nội địa của 2 nhà máy lọc dầu Dung Quất và Nghi Sơn sẽ đáp ứng được khoảng 90% nhu cầu trong nước, còn lại là từ nguồn nhập khẩu và các nhà máy chế biến condensate khác trong nước. Vì vậy, các đầu mối kinh doanh xăng dầu tập trung mua hàng từ 2 nhà máy lọc dầu trong nước mà không nhập khẩu. Theo ghi nhận của Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh, trong 2 tháng đầu năm 2019 kim ngạch nhập khẩu xăng dầu chỉ đạt 0 USD.
Hiện nay, nguồn dầu thô phục vụ vận hành Nhà máy Lọc dầu Dung Quất chủ yếu là nguồn dầu thô trong nước (dầu ngọt Bạch Hổ và các chủng loại dầu tương đương, chiếm khoảng 90%) và dầu thô nhập khẩu chiếm 10%. Trong khi đó, Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn sử dụng 100% dầu thô nhập khẩu từ Kuwait. Theo thông lệ mua bán dầu thô trên thế giới, bên mua và bên bán sử dụng một loại dầu chuẩn để làm tham chiếu giao dịch, đối với dầu thô Việt Nam hiện nay đang sử dụng dầu chuẩn Dated Brent để giao dịch, còn đối với dầu thô từ Kuwait sử dụng dầu chuẩn Dubai và Oman làm tham chiếu, do Tạp chí Platt’s công bố trong các hợp đồng mua bán dầu thô.
Trên thực tế, theo cơ chế bán dầu thô hiện nay, Nhà máy Lọc dầu Dung Quất khi mua dầu thô Việt Nam để chế biến vẫn phải tham gia chào mua cạnh tranh với các Nhà máy lọc dầu trong khu vực theo giá quốc tế. Ngoài ra, Nhà máy Lọc dầu Dung Quất còn phải nhập khẩu thêm lượng dầu thô thiếu hụt.
Giai đoạn các Nhà máy lọc dầu trong nước chưa đi vào vận hành thương mại, xăng dầu được nhập khẩu để tiêu thụ trong nước chủ yếu từ các nước trong khu vực như Singapore, Thái Lan, Trung Quốc, Malaysia,… theo giá quốc tế được công bố bởi Tạp chí Platt’s của Singapore. Sau khi có các Nhà máy lọc dầu trong nước, công thức xác định giá bán xăng dầu từ các nhà máy lọc dầu được xác định trên nguyên tắc thị trường, tương đương với xăng dầu nhập khẩu, để đảm bảo tính cạnh tranh thị trường và thông lệ quốc tế.
Thực tế, lượng hàng nhập khẩu từ các nước có hiệp định thương mại tự do với Việt Nam đã tăng đáng kể trong vòng 3 năm qua, đặt biệt là mặt hàng xăng nhập khẩu từ Hàn Quốc (thuế nhập khẩu 10%, các khu vực thị trường khác 20%) và dầu DO nhập khẩu từ các nước ASEAN (thuế nhập khẩu 0%, các thị trường khác 5-7%). Điều này cho thấy nguồn cung xăng dầu trong khu vực khá dồi dào và cạnh tranh mạnh mẽ với hàng xăng dầu nội địa từ các nhà máy lọc dầu trong nước.
Như vậy, giá mua dầu thô và bán sản phẩm xăng dầu của các nhà máy lọc dầu trong nước đều được định giá mua bán trên cơ sở giá thế giới theo thông lệ thị trường quốc tế, tương tự như các nhà máy lọc dầu trong khu vực. Thêm vào đó, cạnh tranh từ các nhà máy lọc dầu trong khu vực (phần lớn đã hết khấu hao) cũng là một thách thức lớn đối với hiệu quả của các nhà máy lọc dầu trong nước (còn trong giai đoạn khấu hao). Do vậy, chính sách giá bán xăng dầu trong nước theo thông lệ quốc tế là phù hợp với cơ chế thị trường hiện nay và đảm bảo hài hòa lợi ích giữa nhà nước, doanh nghiệp và người tiêu dùng.