Cạnh tranh cung ứng xăng dầu ngày càng khốc liệt
Thị trường cung ứng xăng dầu Việt Nam được dự báo sẽ cạnh tranh quyết liệt trong thời gian tới, không những giữa các nhà máy lọc dầu trong nước mà cạnh tranh trực tiếp với xăng dầu nhập khẩu, đặc biệt khi thuế về 0%.
Theo Bộ Công Thương, hiện nay, dự án Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn đã hoàn thành các mốc hoạt động chính gồm hoàn thành khởi động tất cả các phân xưởng công nghệ, sản xuất các sản phẩm đạt chất lượng, tất cả các phân xưởng công nghệ đang được vận hành với công suất phù hợp theo kế hoạch. Dự án đã xuất bán thành công các lô sản phẩm gồm: xăng, diezel, propylene, lưu huỳnh, benzene, p-xylene.
Áp lực cạnh tranh
Cụ thể hơn, ông Trần Thanh Tùng, Phó Vụ trưởng Vụ Dầu khí và Than, cho biết từ tháng 5/2018, Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn đã đi vào vận hành chạy thử, cung cấp sản phẩm xăng dầu nên đã ký hợp đồng cung cấp xăng dầu cho các đầu mối. Tháng 7 và tháng 8, toàn bộ xăng dầu ở Nghi Sơn đã đầy kho nên nhà máy này đã phải thuê kho.
Theo tính toán của Viện Dầu khí Việt Nam, tổng nhu cầu tiêu thụ xăng dầu trong nước giai đoạn 2018- 2020 trung bình khoảng 6,5 triệu tấn xăng và 8,5 triệu tấn dầu DO mỗi năm.
Trên cơ sở nguồn cung từ hai nhà máy lọc dầu Dung Quất và Nghi Sơn, cùng các nhà máy condensate của PVOil Phú Mỹ, Saigon Petro, Nam Việt Oil, trong năm 2018 sẽ có khoảng 6 triệu tấn xăng và gần 7 triệu tấn dầu DO được đưa ra thị trường. Như vậy, sự thiếu hụt xăng dầu trong nước sẽ không đáng kể.
Tuy nhiên, trong bối cảnh thuế nhập khẩu xăng dầu đang giảm dần, sự cạnh tranh trên thị trường cung ứng xăng dầu được dự báo ngày càng khốc liệt.
Ông Phan Thế Ruệ, Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam, nhận định thị trường xăng dầu Việt Nam đã hội nhập sâu rộng với thị trường xăng dầu khu vực và thế giới. Xăng dầu trong nước sẽ gặp nhiều áp lực trước sức ép mở cửa thị trường (lộ trình cắt giảm thuế nhập khẩu xăng dầu về 0% vào năm 2024).
Điều này cho thấy việc nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm xăng dầu sản xuất trong nước là yêu cầu hàng đầu, quyết định sự tồn tại, phát triển công nghiệp hóa dầu Việt Nam và thị trường xăng dầu Việt Nam.
Tuy nhiên, ông Ruệ cũng cho rằng để bảo vệ sản xuất trong nước cần có những hàng rào kỹ thuật hoặc những rào cản mà Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) không cấm để bảo vệ thị trường, các doanh nghiệp (DN) trong nước.
Cùng chung quan điểm, theo ông Hồ Sĩ Thoảng, nguyên Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Dầu khí Việt Nam, với công suất của Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn cùng với Nhà máy lọc dầu Dung Quất thì nguồn cung chưa phải là thừa với nhu cầu cả nước. Tuy nhiên, sự cạnh tranh trên thị trường hiện nay khá phức tạp, không những của hai nhà máy cạnh tranh trực tiếp với nhau mà còn với nguồn nhập khẩu.
Tính phương án xuất khẩu
Hiện nay, vấn đề nhập khẩu xăng dầu rất cởi mở, các mức thuế không giống nhau nhưng đã giảm, thậm chí sắp về 0, có nhiều nguồn nhập khác nhau sẽ tạo ra cạnh tranh nhất định giữa các nhà máy trong nước với nhau và với nguồn nhập khẩu.
Theo ông Thoảng, trong những năm tới, không nên làm bất cứ dự án lọc dầu nào nữa, thay vào đó, tập trung vào nâng cấp, mở rộng Nhà máy lọc dầu Dung Quất để dự án này ngày càng hiệu quả.
Trước mắt, để đảm bảo tiêu thụ đầu ra cho sản phẩm Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn, Bộ Công Thương cũng cho biết bên cạnh việc giảm giá để bán được sản phẩm, nhà máy này đã đề xuất được xuất khẩu (XK).
"Để đảm bảo an toàn chạy thử, căn chỉnh kỹ thuật nên Bộ đã cho phép XK, song mức thuế XK do Bộ Tài chính quyết định", ông Tùng cho biết.
Trả lời câu hỏi về việc Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) dự kiến sẽ phải bù chênh lệch thuế suất thuế nhập khẩu theo cam kết cho Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn khi nhà máy này đi vào vận hành thương mại, ông Tùng cho rằng đây là tổ hợp phức tạp nên cần có cơ chế khuyến khích nhà đầu tư nước ngoài xây dựng nhà máy lọc dầu, đảm bảo an ninh năng lượng.
Cơ chế này tương tự như Nhà máy lọc dầu Dung Quất, để đảm bảo cho chủ đầu tư và nhà máy khả năng vay và trả nợ, do biên độ lợi nhuận thấp. Tuy nhiên, cơ chế cho Nghi Sơn hiện đang được Bộ Tài chính xem xét phương án giải quyết thích hợp theo chỉ đạo của Chính phủ.
Trước đó, tỉnh Thanh Hóa từng đề xuất Chính phủ hạn chế nhập khẩu xăng dầu để đẩy mạnh tiêu thụ xăng dầu của Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn, ngay lập tức vấp phải sự phản đối của các chuyên gia vì tính "phi thị trường".
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan đánh giá hiện nay, Việt Nam cũng tham gia rất nhiều hiệp định thương mại tự do với các nước lớn trên thế giới và khu vực hóa, quốc tế hóa, chịu sự giám sát của các nước khác nhau nên không thể đơn phương đưa ra vấn đề hạn chế như vậy được.
Ở thị trường trong nước, các công ty phân phối xăng dầu có quyền lựa chọn nhà phân phối, không phải bị bắt buộc mua của Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn hay Dung Quất, mà cứ nơi nào có giá rẻ thì mua, miễn sao sản phẩm tiêu dùng phải chất lượng, đúng giá và đúng tiêu chuẩn.