Vì sao hàng loạt doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thực phẩm chức năng bị xử phạt?
Vi phạm về sản xuất, quảng cáo, buôn bán thực phẩm bảo vệ sức khoẻ, thực phẩm chức năng, 16 doanh nghiệp đã bị Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) xử phạt với số tiền hơn 1,1 tỷ đồng…
Theo đó, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) vừa cập nhật thêm 16 cơ sở bị xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm với số tiền phạt là hơn 1,1 tỷ đồng. Lũy kế từ đầu năm 2020 đến nay Cục đã xử phạt 24 cơ sở với tổng số tiền xử phạt trên 1,62 tỷ đồng.
Trong số 16 cơ sở bị xử phạt mới đây nhất, Công ty cổ phần Dược vật tư y tế Hải Dương (TP. Hải Dương, Hải Dương) bị phạt nặng nhất với số tiền gần 211 triệu đồng do sản xuất sản phẩm không có giá trị sử dụng, công dụng, gồm 6 lô thực phẩm chức năng là BonCare kid gold, Ginseng gold max, HairCare gold plus, Siro livar kid gold, Piles gold max, Queen gold max.
Công ty cổ phần Tanaphar (huyện Thanh Oai, Hà Nội) bị phạt gần 202 triệu đồng do sản xuất Viên ngậm tobsill gold plus-hương bạc hà không có giá trị sử dụng, công dụng.
Công ty TNHH Golden Health USA (huyện Bình Chánh, TP. Hồ Chí Minh) bị phạt hơn 182 triệu đồng do buôn bán sản phẩm không có giá trị sử dụng, công dụng, gồm 7 lô TPCN là BonCare kid gold, Ginseng gold max, HairCare gold plus, Siro livar kid gold, Piles gold max, Queen gold max, Viên ngậm tobsill gold plus-hương bạc hà. Đồng thời công ty này bán 2 lô TPCN Felicsol gold và Slimax gold có chất lượng không phù hợp với tiêu chuẩn công bố áp dụng.
Công ty cổ phần Dược phẩm quốc tế Canada Việt Nam (huyện Thường Tín, Hà Nội) bị phạt 100 triệu đồng do sản xuất 2 lô TPCN là Arginin và 3B Canada không có giá trị sử dụng, công dụng.
Có 6 cơ sở cùng bị phạt với mức 50 triệu đồng do quảng cáo TPCN gây hiểu nhầm có tác dụng như thuốc chữa bệnh, gồm: Công ty TNHH Dutuno & Hava, Công ty cổ phần Thảo Mộc Đường (cùng ở quận Nam Từ Liêm, Hà Nội), Công ty TNHH Thương mại IAC, Công ty TNHH TM FFG (cùng ở quận Thanh Xuân, Hà Nội), Công ty cổ phần Triệu Sơn và Công ty TNHH Ripple Việt Nam (cùng ở quận Cầu Giấy, Hà Nội).
Trong đó, Công ty Dutuno & Hava quảng cáo sản phẩm Giảm béo an nhiên new, Công ty IAC quảng cáo sản phẩm Xương khớp MH và Navigout, Công ty Thảo Mộc Đường quảng cáo sản phẩm Diagood, Công ty FFG quảng cáo sản phẩm Ích tâm đường, Công ty Triệu Sơn quảng cáo TPCN An can và An giáp, Công ty Ripple quảng cáo TPCN Hoạt huyết ngọc thanh và Xoan rico… gây hiểu nhầm có tác dụng như thuốc chữa bệnh.
Công ty cổ phần Đầu tư Kim Long (phường Cầu Diễn, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) do quảng cáo TPCN Immukid plus, Bổ gan giải độc Livsin-94 forte, Immukid new mà không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác nhận nội dung trước khi thực hiện quảng cáo nên bị phạt 35 triệu đồng.
4 công ty cùng bị xử phạt 25 triệu đồng là Công ty TNHH Thương mại quốc tế Vitaco Việt Nam (quận Thanh Xuân, Hà Nội), Công ty cổ phần Dược phẩm Trung ương VIHECO (huyện Mê Linh, Hà Nội), Công ty cổ phần Dược phẩm Phát Đạt (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) và Công ty TNHH Cenly Organic (quận Thanh Xuân, Hà Nội).
Theo đó, Công ty Vitaco quảng cáo 2 TPCN là Đại kiện can và Liki gold có nội dung không phù hợp với một trong các tài liệu theo quy định. Công ty VIHECO không thực hiện và lưu trữ đầy đủ hồ sơ, tài liệu về sản xuất, kiểm soát chất lượng, lưu thông phân phối để truy xuất mọi lô sản phẩm theo quy định của pháp luật 2 lô TPCN Giải độc gan cà gai leo xạ đen.
Còn Công ty Phát Đạt quảng cáo TPCN Trường xuân vương và Công ty Cenly Organic quảng cáo TPCN Thảo mộc hỗ trợ giảm béo Cenly không phù hợp với một trong các tài liệu theo quy định.
Bị phạt ít nhất là Công ty cổ phần Holistar (quận Hà Đông, Hà Nội), với hơn 9 triệu đồng do bán lô TPCN Holi Hprerd có chất lượng không phù hợp với tiêu chuẩn công bố áp dụng.