Vì sao ngân hàng "hãi" xử lý nợ xấu?

Theo thoibaokinhdoanh.vn

Các ngân hàng thương mại (NHTM) đang ráo riết xử lý nợ xấu, đặc biệt là các khoản nợ có nguy cơ mất vốn. Đã có nhiều vướng mắc, khó khăn nảy sinh khiến cán bộ ngân hàng khó lòng thu hồi nợ. Luật sư Nguyễn Hoàng Trung, Trưởng Văn phòng luật sư Hoàng Trung và Anh em (Hà Nội), chia sẻ về vấn đề này.

 Vì sao ngân hàng "hãi" xử lý nợ xấu?
Suy thoái kinh tế đã ảnh hưởng lớn đến quá trình xử lý nợ xấu. Nguồn: Internet

Thưa ông, thời gian qua, các NHTM rất quyết liệt xử lý nợ xấu nhưng kết quả thu được lại khá khiêm tốn. Theo ông, nguyên nhân do đâu?

Thực tế, việc xử lý nợ của ngân hàng đã có nhiều vướng mắc liên quan đến cơ chế chính sách, khách hàng vay, tác nghiệp của cán bộ ngân hàng, tài sản bảo đảm giảm giá trị… Trước hết, đó là vướng mắc về cơ chế, các quy định về xử lý nợ của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và quy định nội bộ của các NHTM.

Trước đây, các ngân hàng đang tức tốc xử lý nợ xấu theo Quyết định 493 của NHNN, thì năm 2012, Quyết định 780 ra đời, cho phép ngân hàng cơ cấu lại nợ (giữ nguyên nhóm nợ) cho khách hàng. Đến đầu năm 2013, NHNN lại ban hành Thông tư 02 siết chặt việc phân loại, xử lý nợ và vài tháng sau, lại hoãn thời gian áp dụng thêm 1 năm. Vì chính sách thay đổi liên tục nên các ngân hàng bị lúng túng trong xử lý nợ.

Thứ hai, suy thoái kinh tế đã ảnh hưởng lớn đến quá trình xử lý nợ xấu. Đã có hàng chục ngàn doanh nghiệp làm ăn thua lỗ, phá sản, dẫn tới không thể trả nợ cho ngân hàng. Các ngân hàng cũng khó siết nợ, bắt giữ tài sản của doanh nghiệp.

Thứ ba, dù khách hàng tự nguyện bàn giao tài sản thế chấp thì giá trị tài sản đã giảm mạnh, không đủ trả nợ khiến ngân hàng do dự không dám xử lý. Trước kia, ngân hàng đã giảm thiểu rủi ro bằng cách định giá tài sản theo quy định chỉ bằng 70% giá thị trường và cho vay tối đa 70% giá trị tài sản (tức là, chỉ cho vay khoảng 49% giá trị thị trường của tài sản). Nhưng đến giờ, giá tài sản thậm chí giảm chỉ còn khoảng 20 - 30%. Nếu ngân hàng phát mại tài sản, thì không thể thu hồi đủ vốn, mà khách hàng cũng không còn tài sản khác hoặc tài sản đã thế chấp nơi khác.

Cho nên, các ngân hàng đều phải cân nhắc kỹ lưỡng nên hay không nên xử lý tài sản bảo đảm. Nếu để nguyên giá trị trên sổ sách thì vẫn đủ bảo đảm cho khoản nợ và vẫn tính lãi phát sinh. Còn xử lý ngay, ngân hàng sẽ mất vốn và phải trích lập dự phòng rủi ro cao hơn. Hơn nữa, trên sổ sách sẽ lộ ra những thất thoát, mất vốn, sai phạm của cán bộ…

Vì sao các ngân hàng không dám mạnh tay bắt giữ, phát mại tài sản bảo đảm để thu nợ?

Đó là do thẩm quyền hạn chế của ngân hàng. Theo quy định, khi xử lý nợ, ngân hàng được phép tiếp cận tài sản bảo đảm, nhưng không được áp dụng các biện pháp cưỡng chế, bắt giữ tài sản. Trừ trường hợp có phán quyết của các cơ quan có thẩm quyền.

Trên thực tế, chỉ khi nào con nợ tự nguyện bàn giao tài sản thì ngân hàng mới được xử lý. Nếu không, ngân hàng phải khởi kiện ra tòa để tuyên kê biên, phát mại tài sản. Quá trình này rất phức tạp vì phải qua nhiều cấp tòa, khâu xử lý, tốn nhiều công sức, chi phí mà chưa chắc đã thu được nợ. Đơn cử như trường hợp 7 - 8 ngân hàng bao vây doanh nghiệp ở Hà Nội mới đây để thu nợ. Họ chỉ canh giữ bên ngoài, không dám xông vào bắt tài sản.

Trước sự chây ỳ của con nợ, nhiều ngân hàng đã phải sử dụng các tổ chức có chức năng thu hồi nợ (hợp pháp) hoặc gửi đơn sang cơ quan công an điều tra, xác minh hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản… Nhưng thực tế, biện pháp mạnh này cũng không hiệu quả.

Thưa ông, có nhiều khoản nợ xấu có vi phạm của cán bộ ngân hàng. Việc xử lý nợ xấu này sẽ liên quan đến nhiều cán bộ, nhiều cấp trong ngân hàng. Phải chăng đây là điều "nhạy cảm" khiến ngân hàng khó xử lý nợ xấu?

Đúng vậy. Một khoản vay phải qua nhiều khâu, liên quan đến nhiều cấp, nhiều cán bộ (cán bộ tín dụng, thẩm định, rủi ro, cấp phê duyệt cho vay…). Một khâu làm sai sẽ ảnh hưởng đến nhiều khâu khác và tất cả đều phải chịu trách nhiệm thì liệu ngân hàng có dám "phơi" sai phạm ra không? Đây là một cản trở rất lớn cho việc xử lý nợ xấu có liên quan đến sai phạm. Đa phần ngân hàng thường không đưa sang cơ quan chức năng điều tra, làm rõ. Trừ khi, Hội sở hoặc Thanh tra NHNN phát hiện, yêu cầu phải chuyển hồ sơ sang công an xử lý.

Tại các NHTM, cấp phòng giao dịch, chi nhánh là nơi trực tiếp cho vay. Để hạn chế rủi ro, các ngân hàng đã siết chặt cho vay bằng cách thành lập bộ phận thẩm định tập trung tại Hội sở. Tuy nhiên, việc thẩm định vẫn chủ yếu là trên hồ sơ, giấy tờ. Do đó, dễ tạo điều kiện cho khách hàng, cán bộ ngân hàng làm sai lệch hồ sơ, khó kiểm soát dẫn tới rủi ro sau này. Và khi xảy ra rủi ro, thất thoát vốn thì ngân hàng và cổ đông phải chịu.