Vì sao ngành thép vắng bóng M&A?
(Tài chính) Mặc dù các doanh nghiệp (DN) ngành thép hội đủ các điều kiện để xuất hiện các thương vụ mua bán, sáp nhập (M&A), nhưng trong thực tế hoạt động này lại diễn ra vô cùng hạn chế.
Thứ nhất, hầu hết các DN thép khi đã tính đến chuyện “bán mình” cũng chỉ còn lại cái xác và một đống nợ. Mua những DN đã thua lỗ đến mức mất vốn có thể với giá rẻ, nhưng chủ sở hữu mới ngại ôm thêm nợ do các ngân hàng xem ngành thép là một ngành cực kỳ rủi ro, nên việc thu xếp vốn cho bên mua hoặc thu xếp nợ cho bên bán không phải đơn giản.
Vậy nên bên giải cứu nhiều khi muốn nhưng cũng phải dè chừng. Chỉ những đơn vị có tiềm lực mạnh mới có thể “bao thầu” những DN thua lỗ nguy cấp nặng, còn lại đều dè chừng.
Các sản phẩm của Thép tấm lá Thống Nhất trên thị trường cũng không có sức cạnh tranh cao, nên mua công ty đúng nghĩa chỉ mua “xác”, thậm chí được cho không cũng phải gánh hàng trăm tỷ đồng nợ nần và thua lỗ.
Thứ hai, rào cản đôi khi nằm ở bên bán, trong một số trường hợp bán ra đôi khi còn thiệt hại hơn tiếp tục nắm giữ. Phân tích trường hợp của Thép Nhà Bè (TNB) hiện có vốn điều lệ 255 tỷ đồng. TNB hiện đang được giao dịch trên sàn UPCoM với thị giá chỉ 2.300 đồng/cổ phiếu, chừng đó cũng đủ thấy được sức ì của DN này và thị trường cũng không đánh giá cao.
Tính ra, giá trị vốn hóa của TNB chưa đến 60 tỷ đồng, số tiền không quá lớn đối với các bên muốn mua. Nhưng vấn đề lại nằm ở chỗ Tổng công ty Thép Việt Nam (VNSteel) hiện đang sở hữu đến 86% cổ phần của TNB và chưa cho thấy có ý định bán ra. 6 tháng đầu năm 2013, TNB lỗ gần 6 tỷ đồng, lỗ lũy kế trên bảng cân đối kế toán của TNB ở mức hơn 18 tỷ đồng tại thời điểm 30/6/2013.
Tại thời điểm 30/6/2013, Công ty cổ phần Kim khí TP. Hồ Chí Minh (HMC) đã trích lập dự phòng hơn 19 tỷ đồng cho khoản đầu tư trị giá 23 tỷ đồng vào TNB. Tỷ lệ trích lập lên đến 83% của HMC là quá đủ để thấy giá trị cổ phần TNB mất giá như thế nào.
Giả định, nếu VNSteel bán ra TNB trong thời điểm hiện tại, mức giá cũng chưa chắc đã 2.300 đồng/cổ phiếu vì sàn UPCoM thanh khoản không cao, nên định giá cổ phiếu khó chuẩn xác. Trong khi đó, TNB cũng không có một lợi thế gì đặc biệt trong hoạt động, nên khó lòng tìm ra cái cớ để “hét giá”. Chưa kể, nếu VNSteel bán ra TNB mà phải bán lỗ, những hệ quả phải gánh chịu sau đó không hề nhỏ.
Thứ ba, với các DN thép trong nước hiện đang phải đối mặt với một loạt khó khăn, việc mua vào những DN không thể đóng góp lợi nhuận lập tức vào hoạt động sản xuất là một sự lãng phí. Chẳng có DN nào vẫn còn đang vật lộn với những vấn đề nội tại lại đi “đèo bồng” thêm một công ty thua lỗ, cho dù công ty đó rất rẻ.
Thậm chí việc này còn gây ra những hiệu ứng ngược về mặt hình ảnh. Cũng phải nói thêm dù mua vào và có đủ vốn để triển khai, bên mua cũng chưa chắc đã thành công. Nhìn lại ngành thép trong thời gian qua sẽ thấy một loạt tên tuổi đầu tư vào các hệ thống tôn mạ, gia công, chế biến thép có chất lượng sản phẩm rất cao, tuy nhiên lại bị vướng ở khâu tiêu thụ. Công suất lớn, sản phẩm chất lượng cao nhưng lại bán chậm khiến các công ty này bị thua lỗ.