Vì sao người Nhật kiên định với các thương hiệu quốc dân của mình?
Cuộc sống của người dân Nhật Bản có thể thay đổi vì dịch COVID-19, nhưng sự yêu mến và niềm tin vào các thương hiệu nội địa của họ vẫn vững bền qua năm tháng.
Đó là lời nhận xét phù hợp nhất khi người ta công bố kết quả khảo sát những thương hiệu được lòng người dân Nhật Bản nhất trong năm nay. Trong vòng 4 năm liên tiếp, Toyota vẫn là cái tên đứng đầu. Ngoài ra, top 5 năm nay cũng giống top 5 năm ngoái, cả về thương hiệu lẫn vị trí, bao gồm Toyota, Sony, Uniqlo, Panasonic và Nintendo.
Dĩ nhiên, những thương hiệu này cũng đã có tiếng tăm nhất định trên trường quốc tế. Đó cũng là một phần quan trọng đóng góp vào thành công của họ tại nội địa .
Kota Murakami, Phó chủ tịch Dịch vụ khách hàng tại Essence Japan, chia sẻ: “Công chúng quốc tế lẫn nội địa đều gắn liền các thương hiệu Nhật Bản với sự chất lượng và tính nhất quán trong công nghệ. Đó là một thành công. Và người Nhật tự hào vì điều ấy. Trong đó, Toyota đã thể hiện rất tốt trong một thời gian dài.”
Olympic Tokyo mùa hè năm nay dường như là cơ hội để các thương hiệu công nghệ Nhật Bản tỏa sáng trên trường quốc tế. Thế nhưng cuối cùng, những cái tên như Toyota và Panasonic vẫn được người dân Nhật Bản yêu thích hơn cả vì những đóng góp của họ cho cộng đồng.
Theo Yukiko Ochiai, Chủ tịch kiêm CEO của Grey Japan, Toyota và Panasonic là 2 thương hiệu quốc gia mà người tiêu dùng cảm thấy thể hiện rõ nhất chất lượng hàng đầu của Nhật Bản. Họ luôn sáng tạo, làm việc chăm chỉ, thân thiện và làm những điều tốt cho đất nước.
Cô chia sẻ: “Toyota và Panasonic đã ưu tiên các mục tiêu phát triển bền vững sớm hơn rất nhiều so với các công ty khác. Và họ cũng liên tiếp thể hiện quá trình này qua nhiều nền tảng. Bởi vì đây đều là hai công ty công nghệ cao, vậy nên những gì họ làm và hiệu quả đối với môi trường đều rất thực tế và có tầm ảnh hưởng.”
Quan trọng hơn cả, những thương hiệu này đều đang phát triển đồng bộ với sự thay đổi của xã hội. Theo Murakami, Toyota đang tích cực thực hiện mục tiêu này với những dự án như xây dựng Woven City - nguyên mẫu thành phố tương lai dưới chân núi Phú Sĩ, hoặc việc mở rộng sản xuất ô tô tự lái. Toyota không chỉ thể hiện được tầm nhìn xa khi hợp tác với các đối thủ như Suzuki, mà thương hiệu này còn có chiến lược truyền thông rất hiệu quả trên nhiều phương tiện.
Ngoài những cái tên luôn nằm hàng top, bảng xếp hạng năm nay cũng chứng kiến sự thăng hạng của một số thương hiệu nội địa Nhật Bản khác.
Làn sóng kỹ thuật số đã thúc đẩy thương mại điện tử Nhật Bản phát triển. Vậy nên không có gì ngạc nhiên khi năm nay các thương hiệu bán lẻ đều rất khởi sắc. Chẳng hạn Amazon thậm chí xém lọt top 10 năm nay. Tuy nhiên, dù có “sừng sỏ” đến đâu trên trường quốc tế, thì đến Nhật Bản, Amazon vẫn không được yêu thích bằng Rakuten - nền tảng thương mại điện tử "cây nhà lá vườn" Nhật Bản.
Theo đó, năm nay Rakuten đã có sự phát triển lớn, tăng đến 10 bậc và xếp thứ 6 trong danh sách những thương hiệu người dân Nhật Bản yêu thích nhất.
Theo các nhà quan sát, thành công của Rakuten phần lớn là nhờ hiệu ứng từ dịch COVID-19. Bên cạnh đó, sự đa dạng trong các lĩnh vực kinh doanh đã giúp thương hiệu này “chen chân” vào nhiều khía cạnh trong đời sống người nhân.
Ngoài thương mại điện tử, Rakuten còn phát triển hệ thống mạng điện thoại, khẳng định mình là “nhà cung cấp dịch vụ thứ tư” của quốc gia. Không chỉ vậy, các sản phẩm tài chính như thanh toán thông minh, thẻ tín dụng, ngân hàng điện tử cùng chương trình khách hàng thân thiết Rakuten Points cũng hỗ trợ cho hệ sinh thái kỹ thuật số bán lẻ của họ.
Theo Reiko Ogata, Giám đốc thương hiệu Dentsu, Rakuten cũng thể hiện trách nhiệm của mình với xã hội, chẳng hạn mở rộng hoạt động tiêm chủng vắc xine cho người dân địa phương.
Nhảy 10 bậc như Rakuten có vẻ đã là thành công lớn. Thế nhưng quán quân nhảy bậc năm nay thuộc về Mitsubishi và Nissan. Mitsubishi tăng 47 bậc, từ vị trí 54 lên đến vị trí thứ 7 chung cuộc. Còn Nissan đã tăng đến tận 97 bậc để xếp thứ 14 năm nay.
Có thể xem bước tiến năm nay của Mitsubishi là nhờ sự hồi sinh của các thương hiệu điện gia dụng vì hiệu ứng dịch Covid. Ngoài ra người tiêu dùng Nhật Bản cũng không phân biệt được Mitsubishi Electric (mảng điện gia dụng) và Mitsubishi Motors (mảng sản xuất xe).
Trong khi đó, hình ảnh thương hiệu của Nissan đang dần hồi sinh sau khi vụ bê bối của Carlos Ghosn dần chìm vào quên lãng. Nissan đang tái định vị thương hiệu, thể hiện mình là một công ty sản xuất xe của tương lai, với những công nghệ thân thiện với môi trường như năng lượng EV và dòng xe điện nổi tiếng Nissan Leaf.